Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Hiệp sỹ” chống SARS

Gia Linh - Bảo Nga| 24/04/2013 07:03

(HNM) - Ngày 25-4, Bộ Y tế sẽ kỷ niệm 10 năm Việt Nam khống chế thành công đại dịch SARS (hội chứng suy hô hấp cấp).


Riêng tại Việt Nam, tính từ 26-2-2003 phát hiện trường hợp nhiễm cúm đầu tiên, dịch SARS đã lây sang 68 người, khiến 5 trường hợp tử vong. Cách đây 10 năm, Việt Nam được thế giới công nhận là nước đầu tiên chiến thắng SARS. Người có công đầu chính là GS-TS Lê Đăng Hà - nguyên Viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới. Sau những thành tích chống SARS, ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Bệnh dịch kinh hoàng

Nhớ lại những ngày tháng ấy, GS Lê Đăng Hà cho biết, chuyện bắt đầu khi một thương nhân gốc Hoa, quốc tịch Mỹ tên là Johnie Chun Cheng vào nhập Bệnh viện Việt - Pháp (Hà Nội) với các triệu chứng sốt cao, khó thở, đau cơ, phổi bị tổn thương rất nhanh. Sau nhiều lần khám, làm đủ các xét nghiệm, các bác sĩ Việt Nam không tìm ra bất cứ nguyên nhân nào dẫn đến biến chứng viêm phổi cấp của ông Cheng. Thậm chí, một vài bác sĩ sau hai ngày điều trị cho bệnh nhân này đã có dấu hiệu sốt cao, khó thở. Do đó, Việt Nam đã gọi điện sang Tổ chức Y tế thế giới (WHO) yêu cầu giúp đỡ. 

GS Lê Đăng Hà đang xem xét phim chụp của bệnh nhân SARS.


Bác sĩ Carlo Urbani - chuyên gia bệnh truyền nhiễm của WHO lập tức đến Việt Nam. GS Hà và ông Carlo Urbani đã cùng nhau khám và chẩn đoán cho bệnh nhân Cheng. Nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ Carlo Urbani, Bộ Y tế đã xác định "bệnh lạ" gây viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi cấp là bệnh lây lan nguy hiểm, cần phải tìm cách đối phó. "Tuy chưa biết đó là bệnh gì, do virus gì gây nên nhưng chúng tôi cũng đã hình dung được mức độ nguy hiểm của căn bệnh" - GS Hà cho biết.

Chỉ sau một tuần bệnh nhân Cheng nhập viện, nhiều cán bộ y tế tại Bệnh viện Việt - Pháp đã lần lượt lây bệnh. Số người nhiễm bệnh lên tới 39, trong đó 5 người nhanh chóng bị tử vong. Ngày 9-3-2003, Bệnh viện Việt - Pháp được đặt trong tình trạng cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Các nhân viên y tế thường xuyên sống trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi…

Mấy tuần sau đó, các chuyên gia y tế thế giới mới xác định được căn bệnh là do virus Corona biến chủng, gây viêm đường hô hấp cấp. Đáng chú ý, bệnh lây từ người sang người, gây viêm phổi rất nặng và tiến triển nhanh trong vài giờ, khiến người bệnh dễ tử vong. Không chỉ Việt Nam mà cả thế giới chao đảo trước thông tin trên. Người dân hoang mang, lo lắng...

Phương pháp "không giống ai"

Trước nguy cơ căn bệnh nguy hiểm có thể lây lan trên diện rộng, Bộ Y tế giao cho Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới quốc gia trực tiếp thu nhận và điều trị bệnh nhân SARS. Ngày 12-3, viện bắt đầu nhận bệnh nhân SARS. Tuy lo lắng nhưng "tổng chỉ huy" Lê Đăng Hà vẫn bình tĩnh, vạch ra phương án "tác chiến" chống lại dịch SARS. Ông không ép các nhân viên y tế phải điều trị bệnh nhân SARS mà để mọi người tự "xung phong", bản thân ông là chiến sĩ trên tuyến đầu. Tuy nhiên, từ "tướng" đến "quân" đều muốn ở tuyến đầu, đối mặt với tử thần.

Chưa hề có kinh nghiệm điều trị SARS nên GS Lê Đăng Hà mày mò tìm mọi cách để có hướng phòng chống dịch. Ông yêu cầu cách ly người bệnh hoàn toàn. Khu bệnh nhân nặng không cho người nhà vào thăm, chỉ trừ những trường hợp nguy kịch. Nếu vào thăm, người nhà phải mặc quần áo phòng hộ, khi ra khỏi phòng phải được khử khuẩn. Riêng bác sĩ, y tá trực tiếp chăm sóc bệnh nhân còn phải đeo 2 khẩu trang để tuyệt đối không hít phải virus.

Để kiểm soát bệnh, GS Hà cho chụp phổi bệnh nhân hằng ngày để điều chỉnh phác đồ điều trị. Do bệnh nhân nặng phải thở máy dài ngày, GS Hà lo ngại việc mở khí quản để đặt ống thở khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn vết mổ, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, bệnh tình sẽ nặng hơn. Vì thế, ông sáng tạo ra cách để bệnh nhân thở máy qua mặt nạ. Tuy nhiên, với cách này, các bác sĩ, y tá phải trông nom bệnh nhân 24/24h để mặt nạ khỏi bị lệch, bệnh nhân không bị thiếu oxy. Đây là một "phác đồ lạ" giúp giảm thiểu tử vong của các bệnh nhân bị SARS nặng.

Không những thế, GS Lê Đăng Hà còn có một "vũ khí" chống sự lây lan của SARS khiến cả thế giới kính nể và ngạc nhiên. Đó là khi GS Hà nhận thấy, ngay cả những người không hề tiếp xúc với bệnh nhân mà chỉ đi lướt qua buồng bệnh vốn điều trị cho bệnh nhân SARS cũng có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh. Loại trừ các nguyên nhân, GS Hà cho rằng, có thể trong không khí, trong các dụng cụ y tế, các trang thiết bị trong buồng bệnh cũng đều có virus lưu trú. Ngay cả hệ thống điều hòa cũng có thể là "đường dẫn" khiến virus lây lan từ chỗ này qua chỗ khác. Tuy nhiên, muốn làm sạch không khí thì cần phải có những máy thông khí áp lực tâm, mỗi chiếc trị giá hàng trăm triệu đồng. "Cái khó ló cái khôn", GS Hà ra lệnh tắt hết điều hòa, đóng cửa chính nhưng mở tung các cửa sổ phòng điều trị bệnh nhân SARS cho nắng tràn vào phòng. Để thổi sạch virus, ông cho mở quạt thông gió, mở quạt máy, để đẩy không khí có virus ra ngoài nắng. Thần kỳ thay, sau nhiều ngày mở quạt, mở cửa sổ, không còn thêm bệnh nhân bị nhiễm SARS. Nhờ biện pháp đơn giản, sáng tạo, "không giống ai này", Nhà nước ta đã không tốn tiền nhưng lại khống chế được dịch SARS.

Thấy biện pháp hiệu quả, nhiều cán bộ còn đốt bồ kết, nấu nước lá thơm để "hun" phòng đuổi SARS. Chính những làn khói, luồng gió đó đã đem lại hy vọng và tin tưởng cho các bác sĩ có thể chiến thắng dịch SARS và dẹp tan nỗi lo sợ của người dân trước căn bệnh nguy hiểm. Sau 45 ngày vật lộn với thần chết, ổ dịch bị khoanh vùng, chặn đứng và bị tiêu diệt, không có bệnh nhân nào bị tử vong, dịch không lây lan ra cộng đồng.

"Sau khi Việt Nam được quốc tế công nhận là nước đầu tiên khống chế được SARS, tôi đã được mời đi chia sẻ kinh nghiệm với các nước đang phải đối đầu với dịch. Nghe đến việc "bật quạt, mở cửa" đuổi SARS, nhiều bạn bè quốc tế vừa khâm phục, vừa thú vị. Họ nhận định: "Chỉ các bạn mới có thể nghĩ ra biện pháp thô sơ mà hiệu quả đến vậy" - GS Hà chia sẻ.

Đối với GS Lê Đăng Hà và các đồng nghiệp đã sát cánh cùng ông trên chiến tuyến hiểm nguy, 45 ngày chống SARS là 45 ngày, ông và các đồng nghiệp đã trải qua những cảm xúc của cả một đời người. Có vất vả, cực nhọc, có cả tình yêu, sự tận tụy với nghề nghiệp và có cả sự sợ hãi, đau khổ khi đối mặt với cái chết cận kề.

Người chiến sĩ trên tuyến đầu

GS Lê Đăng Hà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng sau khi chiến thắng dịch SARS. Tuy nhiên, ngay từ những năm 1960, khi tốt nghiệp trường y, chàng trai trẻ xứ Thanh - Lê Đăng Hà đã luôn là một chiến sĩ dũng cảm trên mặt trận chống lại dịch bệnh mới bùng phát.

Khi còn công tác ở Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ông luôn thường xuyên đội bom đạn, đến các tuyến lửa ác liệt ở Nghệ An, Hà Nam Ninh, Hải Phòng để cứu giúp người bệnh. "Nơi đâu có bệnh dịch là đến", ông đã cùng đồng nghiệp dập tắt nhiều ổ dịch tả, sốt xuất huyết, dịch hạch… tại các vùng quê.

Khi có dịch thương hàn lan rộng suốt 42 tỉnh, thành vào năm 1995 khiến hơn 30.000 người nhiễm bệnh, GS Hà cũng đã xây dựng được một phác đồ điều trị mới, hiệu quả, được Bộ Y tế phê duyệt. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống, dịch bệnh được đẩy lùi.

Còn vào đầu những năm 90 thế kỷ trước, khi bệnh HIV/AIDS xâm nhập vào Việt Nam và lan rộng, nhiều người dân, thậm chí cả cán bộ y tế đều kinh sợ và kỳ thị các bệnh nhân có AIDS. Nhưng GS Hà một lần nữa đau nỗi đau của người bệnh, lo nỗi lo của xã hội. Ông được Bộ Y tế bổ nhiệm làm Trưởng ban điều trị và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS. Ông đã trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân AIDS để tìm ra những biện pháp điều trị hiệu quả. Đồng thời, ông đã dẫn đầu trong các hoạt động vì người có HIV như tổ chức hội thảo về chăm sóc bệnh nhân, tuyên truyền trong người dân hiểu về AIDS để không kỳ thị và chủ động sống lành mạnh để bảo vệ mình; kêu gọi tài trợ quốc tế… Nếu đánh giá về thành công trong công tác phòng chống HIV, chắc chắn, ngành y tế cũng sẽ nhắc đến tên GS Lê Đăng Hà.

"Chiến đấu" vì người bệnh không mệt mỏi, đến nay, bước qua tuổi thất thập cổ lai hy, GS-TS Lê Đăng Hà vẫn cần mẫn viết sách y khoa, ghi lại tỉ mỉ hiểu biết và kinh nghiệm điều trị của ông về hàng trăm căn bệnh truyền nhiễm mà ông đã kinh qua. Ông mong mỏi, những ghi chép đó sẽ giúp các bác sĩ tiếp tục sự nghiệp cứu người mãi về sau.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Hiệp sỹ” chống SARS

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.