(HNNN) - Sau gần 30 năm chờ đợi, Dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng cũng đã được xây dựng. Đây được xem là mốc lịch sử quan trọng để Thủ đô hiện thực hóa giấc mơ “thành phố hai bên bờ sông Hồng”. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để trong tương lai những quy hoạch trên giấy sẽ thành những công trình hiện đại, đô thị xanh mà vẫn giữ được đặc trưng văn hóa sông Hồng. Hà Nội Ngày nay đã ghi lại ý kiến của các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc... về vấn đề này.
Tiến sĩ - kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội:
Bước đột phá mạnh mẽ nhằm khai thác tiềm năng sông Hồng
Trước hết phải khẳng định, khu vực hai bên sông Hồng là khu vực đầy tiềm năng và luôn có vị thế nhất định trong các quy hoạch phát triển Thủ đô. Đặc biệt, sau năm 2008, khi thành phố Hà Nội mở rộng, trong định hướng quy hoạch Hà Nội, đô thị có quy mô lớn nhất cả nước, sông Hồng lần đầu tiên được xác định là trục không gian cảnh quan trung tâm của thành phố Hà Nội. Với nhiều tiềm năng từ giao thông, du lịch, cảnh quan, môi trường..., có thể nói, đây không phải lần đầu sông Hồng nhận được sự quan tâm lớn. Từ năm 1994, dự án Trấn sông Hồng đã được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng tại một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương, tuy nhiên, dự án ấy chỉ được nghiệm thu mà không được phê duyệt. Sau này, có rất nhiều dự án cục bộ hai bên sông Hồng như dự án kè bờ sông Hồng, dự án Bãi Giữa sông Hồng, rồi là các dự án nhỏ lẻ, khu nhà ở mới như khu Đầm Trấu... Tuy nhiên, các dự án nhỏ lẻ ấy đều phải dừng lại vì thiếu quy hoạch tổng thể.
Khẳng định hai bên bờ sông Hồng là một khu vực có tiềm năng rất lớn còn bởi đây là một khu vực có quỹ đất dồi dào và cảnh quan thiên nhiên phong phú. Đoạn qua trung tâm Hà Nội có khoảng 40km chiều dài, với diện tích gần 12.000ha đất, trong đó có 6.000ha là đất bãi hiện chủ yếu trồng các cây lương thực. Cùng với đó, khu vực này cũng được rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm. Đặc biệt là quỹ đất bãi, bởi một đô thị đặc biệt phải đạt chỉ số 7m2 cây xanh/người trong khi nội thành hiện nay chỉ đạt 4,5m2 cây xanh/người. Nếu chúng ta có một quy hoạch ổn định để khai thác được quỹ đất bãi này thì sẽ tạo ra một thành phố Hà Nội xanh thật sự. Chưa kể sông Hồng còn có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy, rồi các công trình di tích lịch sử không phải chỉ của Hà Nội mà còn của các vùng lân cận có khả năng tạo ra bước đột phá cho du lịch...
Đề án quy hoạch sông Hồng lần này là một bước đột phá mạnh mẽ để tạo ra điểm nhấn mới nhằm khai thác tiềm năng của sông Hồng mà ta đã bỏ qua mấy chục năm qua, đồng thời, làm tốt điều này thì đây sẽ là điểm đến của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải đối mặt với khó khăn. Khó khăn đầu tiên là việc xây dựng hành lang thoát lũ và ổn định dòng chảy. Sông Hồng luôn biến đổi dòng chảy và đây là một bài toán rất khó. Thứ hai là khó khăn về nguồn lực để thực hiện quy hoạch này, đặc biệt là vấn đề dân số vì quy hoạch lần này đặt ra vấn đề tăng dân số.
Chính vì thế, Hà Nội cần phải có cách nhìn tổng thể và tốt nhất là huy động sức mạnh tập thể, đặc biệt là vai trò của các chuyên gia, đồng thời kế thừa thành quả của những nghiên cứu cũ thì chúng ta mới có một quy hoạch chất lượng. Tiếp đó, phải có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực và phải tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia. Cuối cùng, phải lấy người dân làm trung tâm bởi những người dân ở ven hai bờ sông Hồng đa số là những người thu nhập thấp, cuộc sống không ổn định.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội:
Phải huy động trí tuệ của xã hội
Đề án quy hoạch sông Hồng rất khả thi. Tiềm năng lớn nhất của nó là hạn chế sự lộn xộn về kiến trúc, cảnh quan của Hà Nội trong nhiều chục năm qua. Đề án này sẽ thay đổi được khung cảnh sống, nâng cao được chất lượng sống của cả thành phố Hà Nội chứ không chỉ có người dân ven hai bờ sông Hồng bởi nó có nhiều tiềm năng về du lịch, khí hậu, giao thông đường thủy, kinh tế cảng, môi trường, kiến trúc cảnh quan...
Tuy nhiên, để Đề án thành công thì theo tôi, việc chỉnh trị sông Hồng là rất quan trọng. Ngay trong lúc này, chúng ta cần có kế hoạch đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn của sông Hồng, không chỉ đoạn chảy qua nội thành hay trong địa giới toàn bộ thành phố Hà Nội mà là toàn bộ 510km chảy trên đất Việt Nam. Điều đó đảm bảo không gian phòng, chống rủi ro cho cả vùng Bắc Bộ, thích ứng với những thách thức do lũ lụt, khô hạn, nhiễm mặn, ô nhiễm, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và nhiều tình huống phức tạp khác. Đặc biệt, tôi cho rằng bất cứ một giải pháp gì cũng vượt quá năng lực của một cá nhân hoặc tổ chức, vì thế, phải huy động trí tuệ của xã hội. Phương pháp tích hợp, đa ngành của Quy hoạch mới đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ, chỉ ra mô hình tối ưu cho Hà Nội: Thay vì nhập khẩu các dự án xử lý môi trường tập trung quy mô lớn, kỹ thuật tốn kém, Hà Nội cần tổ chức mạng lưới liên kết các đơn vị “tự chủ sinh thái” phân tán, quy mô vừa và nhỏ thì sẽ đảm bảo an toàn, tiết kiệm và linh hoạt - mang tính sáng tạo đặc thù Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Viết Sơn, Trưởng phòng Quy hoạch Bắc Bộ (Viện Quy hoạch Thủy lợi):
Chỉnh trị sông Hồng theo hướng để con người tiếp cận với mặt nước một cách thuận tiện, hài hòa
Sông Hồng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội và toàn bộ vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Dưới tác động của tự nhiên cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội của con người, dòng sông Hồng nói riêng và các sông chính khác nói chung đã có rất nhiều thay đổi. Không thể phủ nhận, khi quy hoạch lại sông Hồng thì việc chỉnh trị sông Hồng đoạn qua Hà Nội phục vụ đa mục tiêu, gồm cấp nước, phòng chống lũ, giao thông thủy, phát triển kinh tế - xã hội (vui chơi, giải trí, du lịch, dịch vụ sinh thái...), cải tạo môi trường là hết sức cần thiết. Hiện tại, sông Hồng gần như chưa được chỉnh trị, cải tạo mà để phát triển tự phát, bộ mặt thành phố ở khu vực ven sông xấu xí, lộn xộn.
Chính vì thế, sông Hồng cần được cải tạo, chỉnh trị theo hướng để con người tiếp cận với mặt nước một cách thuận tiện, hài hòa. Tiếp đó là việc sử dụng bãi sông để phát triển đô thị. Các khu vực bãi sông có thể khai thác để xây dựng nhà ở mới đã được quy định trong Quyết định 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các bãi sông còn lại chỉ nên được sử dụng để phát triển các dịch vụ liên quan đến vui chơi, giải trí, công viên sinh thái với điều kiện là không làm thay đổi địa hình các khu vực bãi sông. Các bãi sông cần được quy hoạch sử dụng một cách thích hợp để thích ứng trong các điều kiện không có lũ, lũ nhỏ, lũ vừa. Khi có lũ lớn thì các bãi sông trở thành khu vực chứa lũ, thoát lũ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.