Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiện đại hóa “nông nghiệp đại dương” ở Ấn Ðộ

Nhật Quang| 16/04/2023 15:49

(HNNN) - Rong biển được công nhận là có nhiều lợi ích về sức khỏe, môi trường. Ấn Độ là một trong những quốc gia đóng góp chính vào sản lượng rong biển toàn cầu. Quốc gia này đang tập trung phát triển ngành nuôi trồng rong biển với sự đổi mới mạnh mẽ về công nghệ để tăng hiệu quả cho ngành “nông nghiệp đại dương”, thu hút sự chú ý của thế giới.

Thu hoạch rong biển theo cách truyền thống ở Ấn Độ. 

Tiềm năng lớn từ rong biển

Nhu cầu toàn cầu về rong biển đang tăng đều và thị trường rong biển thương mại dự kiến sẽ vượt 95 tỷ đô la Mỹ vào năm 2027. Theo bước chân của các quốc gia sản xuất rong biển khác như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, Ấn Độ đang tham gia cuộc đua giành lợi ích từ mặt hàng có giá trị cao này.

Hiện tại, Ấn Độ có khả năng sản xuất khoảng 9,7 triệu tấn rong biển mỗi năm. Viện Nghiên cứu thủy sản biển (CMFRI), trực thuộc Hội đồng Nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ (ICAR), cho rằng Ấn Độ có thể là nước đóng góp chính cho việc sản xuất rong biển toàn cầu. Trên thực tế, chính phủ nước này dự kiến đầu tư khoảng 86,6 triệu USD để tăng sản lượng rong biển.

Theo các nhà khoa học, rong biển là một loài thực vật kỳ diệu của đại dương. Ngoài việc thường được dùng để gói sushi và nấu súp, rong biển còn có những công dụng khiến người ta phải kinh ngạc. Nó vừa là thực phẩm, vừa được sử dụng như nguyên liệu trong nhiều loại sản phẩm, từ mỹ phẩm, dệt may đến bao bì phân hủy sinh học và thậm chí là nhiên liệu sinh học.

Bên cạnh đó, rong biển có tác động tích cực đến môi trường đại dương, hỗ trợ đa dạng sinh học biển khi đóng vai trò là nơi sinh sản và kiếm ăn của nhiều loài cá. Rong biển có thể làm trong và làm sạch biển, đồng thời tăng hàm lượng oxy, làm cho môi trường trong lành và xanh hơn. Nó hấp thụ carbon, khử axit trong đại dương và hấp thụ các chất dinh dưỡng dư thừa có thể gây ra hiện tượng tảo biển có hại. Nếu được quản lý tốt, rong biển có thể là nguồn tài nguyên tái tạo cho các cộng đồng ven biển, mang lại cho họ thu nhập ổn định hơn so với thị trường thủy sản biến động đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Thậm chí, giờ đây rong biển còn trở thành một phần thú vị để quảng bá du lịch ở nhiều địa phương của Ấn Độ, việc trồng và chế biến rong biển được xuất hiện trong các lễ hội ẩm thực và văn hóa.

Tương lai của “nông nghiệp đại dương”

Trong bối cảnh dân số tăng nhanh, diện tích đất dành cho nông nghiệp ngày càng giảm, việc tìm kiếm giải pháp thay thế, trong đó có phát triển nông nghiệp đại dương (ocean farm) đang là xu hướng được nhiều nước hướng đến.

Vào tháng 11-2021, Gabriella D’Cruz, một nhà bảo tồn biển, đã thành lập dự án thí điểm đầu tiên về việc trồng rong biển ở Goa, bang nhỏ nhất của Ấn Độ trên bờ biển phía tây. D’Cruz cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến diện tích đất nông nghiệp ngày một giảm dần, vì vậy, trồng trọt trên biển là một lợi thế. Tôi nhìn thấy tương lai của nghề trồng trọt rong biển ở Ấn Độ. Nếu các cộng đồng ngư dân được khuyến khích tham gia vào việc trồng trọt và chế biến rong biển, họ có thể nhận được phần lợi nhuận cao hơn trong chuỗi cung ứng”.

Với chu kỳ thu hoạch ngắn, chỉ 45 ngày, việc nuôi trồng rong biển mang lại hiệu quả cao cho người dân. Năm ngoái, Grow-Trees.com, một doanh nghiệp xã hội với 13 năm kinh nghiệm trồng rừng trên 23 bang của Ấn Độ, đã thiết lập dự án thí điểm để hỗ trợ các cộng đồng ven biển ở Tamil Nadu bằng cách giúp họ trồng rong biển. Trong năm đó, Grow-Trees đã tạo ra công việc cho 20 gia đình với thu nhập bổ sung 8.800 USD/ năm. Mục tiêu năm 2023 của doanh nghiệp này là hỗ trợ được 70 gia đình, cho phép họ kiếm được tới 31.000 USD.

Công nghệ trồng rong biển cũng liên tục được cải tiến để mang lại hiệu quả cao hơn. Mới đây, một công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ - Sea6 Energy đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành nông nghiệp đại dương với “máy gặt đập liên hợp trên biển” mang tên “Sea Combine”. Thông thường, rong biển được trồng trên dây thừng hoặc lưới treo trong đại dương, nhưng các kỹ thuật hiện tại khiến việc trồng trọt trên quy mô lớn gần như không thể. Theo Shrikumar Suryanarayan, đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của Sea6 Energy có trụ sở tại Bangalore nói: “Hoạt động nuôi trồng trên đại dương đang ở “thời kỳ đồ đá”, nó giống như sử dụng một cái bay và một cái cuốc để làm ruộng”. Và, công ty này muốn cơ giới hóa hoạt động canh tác trên đại dương, giống như máy kéo đã làm trong nông nghiệp. “Sea Combine” có thể tự động vừa thu hoạch vừa trồng lại rong biển trong đại dương. Máy di chuyển qua lại giữa các dòng rong biển, thu hoạch những cây phát triển đầy đủ và thay thế chúng bằng những dòng mới gieo hạt.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Fortune Business Insights, việc sản xuất sử dụng nhiều lao động và tốn kém là một trong những trở ngại của thị trường rong biển. Vì vậy, với việc hiện đại hóa việc trồng rong biển, Ấn Độ hy vọng sẽ cắt giảm chi phí và làm cho rong biển rẻ hơn, để nó có thể được sử dụng rộng rãi hơn.

Sea6 Energy không đơn độc trong việc này. Công ty Seaweed Solutions của Na Uy đã thiết kế “Máy chở rong biển”, một cấu trúc dạng tấm có thể trồng một lượng lớn tảo bẹ ở vùng nước sâu; công ty AtSeaNova có trụ sở tại Bỉ đã phát triển một máy thu hoạch và gieo hạt nổi. Suryanarayan nói: “Nông nghiệp trên biển là một trong những cách để cải thiện tính bền vững của hành tinh. Hành trình của chúng ta sẽ thành công tốt đẹp nếu có thể chứng minh rằng nó khả thi về mặt kinh tế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiện đại hóa “nông nghiệp đại dương” ở Ấn Ðộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.