Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiện đại hóa làng nghề

Thanh Hiền| 07/04/2011 07:37

(HNM) - Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, trong đó có 244 làng nghề truyền thống. Nhưng, đến nay phát triển nghề, làng nghề vẫn mang tính tự phát, do thiếu mặt bằng sản xuất, vốn đầu tư đổi mới công nghệ, thông tin thị trường, sản phẩm chưa có thương hiệu...


Một số làng nghề truyền thống còn bị mai một, môi trường ô nhiễm chưa có giải pháp khắc phục… Để giải quyết tình trạng này, Sở Công thương đã nghiên cứu, lập quy hoạch phát triển tổng thể nghề, làng nghề thành phố (TP) Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.


Sản xuất hàng dệt kim tại làng nghề La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội).    Ảnh: Thái Hiền

Với hàng chục nhóm ngành nghề có hướng phát triển mạnh như gốm sứ, dệt may, da giày, điêu khắc, khảm trai, thêu ren, sơn mài, mây tre đan, dát vàng bạc quỳ, đúc đồng, kim hoàn... các làng nghề của Hà Nội thu hút hơn 1 triệu lao động tham gia sản xuất, chiếm hơn 65% tổng số lao động trong độ tuổi của làng và chiếm hơn 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên toàn TP, với thu nhập bình quân khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng. Nhiều làng nghề nổi tiếng phát triển mạnh như gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), chẻ tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), lụa Vạn Phúc... nắm bắt được nhu cầu của thị trường, nên sản phẩm làng nghề đã có "đầu ra", giúp làng nghề đứng vững và phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người lao động. Trong số 1.350 làng nghề, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh số 10-20 tỷ đồng/năm, hơn 70 làng nghề đạt 20-50 tỷ đồng/năm, 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, một số làng nghề đạt doanh số cao như làng gốm sứ Bát Tràng đạt 283 tỷ đồng/năm, làng nghề mộc Vạn Điểm (huyện Thường Tín) đạt 105 tỷ đồng...

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều làng nghề rơi vào cảnh khó khăn do thiếu vốn, sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường đến mức báo động gây bức xúc trong xã hội. Nhân lực tại các làng nghề thiếu mặc dù nguồn lao động dồi dào, mặt bằng sản xuất ngày càng thu hẹp, nguyên liệu không ổn định...

Trước tình hình đó, Sở Công thương đã nghiên cứu lập quy hoạch phát triển tổng thể nghề, làng nghề TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để giúp làng nghề đứng vững, ổn định và phát triển. Theo quy hoạch tổng thể, TP sẽ ưu tiên phát triển các nghề, làng nghề có giá trị truyền thống, như thủ công mỹ nghệ, chế biến lâm sản, dệt lụa, thêu, ren, gốm sứ… Tập trung quy hoạch phát triển các ngành, nghề theo hướng tham gia sản xuất những sản phẩm phụ trợ phục vụ cho sản xuất công nghiệp như dệt may, cơ - kim khí, điện, rèn dao kéo… Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ đổi mới công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu thị trường và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, khắc phục ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề mang lại hiệu quả kinh tế. Đồng thời, phát triển một số ngành, nghề khác gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên phát triển các nghề bảo quản, chế biến rau quả ở các khu vực ven đô thị, các vùng chuyên canh rau an toàn, nghề chế biến thuốc nam, đông dược. Xây dựng dự án khôi phục nghề cũ, tổ chức nhân cấy nghề, lựa chọn các hộ có đủ điều kiện để thành lập các cơ sở sản xuất mới tại địa phương. Mặt khác, không mở rộng, phát triển các làng nghề chế biến nông sản gây ô nhiễm môi trường trong vành đai xanh, ven các khu đô thị và từng bước định hướng chuyển đổi sản xuất, di dời các cơ sở sản xuất và xử lý môi trường.

Theo Sở Công thương, để quy hoạch tổng thể phát triển nghề, làng nghề đạt hiệu qủa, bền vững, trước hết phải giải quyết được lao động dôi thừa ở nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân tại các làng nghề, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, rà soát lại các nghề, làng nghề hiện có để phân loại những làng nghề nào cần duy trì, bảo tồn; ngành nghề nào cần bỏ và có cơ chế hỗ trợ người dân địa phương chuyển sang nghề khác. Các ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư bảo tồn và phát triển làng nghề về hạ tầng, vốn, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế mẫu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, cần tạo cơ chế thích hợp để huy động các nguồn vốn khắc phục ô nhiễm môi trường, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề, phát triển làng nghề gắn với du lịch... Chương trình hành động cụ thể giai đoạn 2010-2015 là đáp ứng nhu cầu sản phẩm du lịch làng nghề, xây dựng thương hiệu, hệ thống các cơ sở sản xuất, dịch vụ, du lịch làng nghề và phát triển làng nghề bền vững với môi trường. Giai đoạn 2016-2020 sẽ nâng cao giá trị sản phẩm của làng nghề, mở rộng hệ thống cơ sở sản xuất, dịch vụ du lịch thông qua việc phát triển làng nghề truyền thống, mở rộng các làng nghề mới. Giai đoạn từ 2021-2030, sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, hoàn thiện sản phẩm du lịch làng nghề, xử lý triệt để môi trường làng nghề.

Phát triển nghề, làng nghề theo quy hoạch không chỉ góp phần tạo diện mạo mới cho Thủ đô, nhất là khu vực ngoại thành, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội và phát triển bền vững, mà còn là tiền đề quan trọng cho phát triển hạ tầng cơ sở, gìn giữ môi trường sinh thái và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiện đại hóa làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.