Sự cố xảy ra ở thủy điện Sông Bung 2 tiếp tục nối dài danh sách những dự án thủy điện gây ra tai họa cho người dân.
“Tôi chưa thấy nơi nào có nhiều thông báo về sự cố thủy điện nhỏ và vừa như ở Việt Nam, năm nào cũng có”, GS.TSKH Phạm Hồng Giang thốt lên.
Thủy điện sông Bung 2 gặp sự cố làm thiệt hại về người và của |
Dồn dập sự cố
Kể từ 2011 đến nay, hầu như năm nào, những scandal liên quan đến thủy điện cũng xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng gắn với những thiệt hại khôn lường về người và của.
Tháng 6/2011, đường ống dẫn nước từ đập về Nhà máy thủy điện Đam Bol (tỉnh Lâm Đồng) đã bất ngờ bị vỡ. Sự cố khiến một người chết, một người mất tích và ba người bị thương nặng.
Năm 2012, vụ vỡ đập chắn thủy điện Đakrông 3 cũng khiến dư luận xôn xao. Cụ thể, hai khoang tràn (ngang 20 m, cao 6 m) bên trên của đập chính nhà máy đã bị vỡ. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng.
Trong năm này, thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) cũng gây ồn ào khi phát hiện nhiều vết nứt, rò rỉ nước ở thân đập chính của công trình. Sự cố khiến dư luận hoang mang khi đây là một trong những vùng có nhiều nguy cơ xảy ra động đất. Sau cùng, nguyên nhân được chỉ ra là do lỗi thiết kế đã quên đường ống thoát nước kết nối từ dãy tầng hầm bên trái với dãy bên phải dẫn về phía hạ lưu.
Năm 2013, cũng vào khoảng tháng 6, đập dâng thủy điện Ia Krêl 2 (công suất 5MW trên suối Ia Krêl - Gia Lai) đã bị vỡ toác, đe dọa tính mạng hàng trăm hộ dân phía sau đập và phá hủy hàng trăm hécta hoa màu, khoảng 200ha diện tích cây trồng của người dân và cao su của công ty 72 bị thiệt hại, khoảng 69 ngôi nhà chòi bị ngập, nhiều xe ôtô, xe máy và các phương tiện phục vụ thi công bị hư hỏng,...
Cũng trong năm 2013 này, khoảng độ giữa năm, tại Dự án thủy điện Vĩnh Hà (Lào Cai), mưa lũ đã gây vỡ đê bao kỹ thuật đập thủy điện Vĩnh Hà, làm thiệt hại cho công ty khoảng 20 tỷ đồng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhiều hộ gia đình trong vùng dự án xây đập thủy điện.
Sự cố thủy điện vẫn chưa dừng lại. Đến tháng 8/2014, Dự án thủy điện Ia Krel 2, lại vỡ đê quai thượng lưu, đây là lần thứ hai thủy điện này gặp sự cố. Đến năm 2016, sự cố thủy điện lại tái diễn khi đường hầm dẫn dòng thi công tại đập thủy điện Sông Bung 2 (Nam Giang, Quảng Nam) bị vỡ, khiến 2 công nhân thiệt mạng, cuốn trôi nhiều người, máy móc, nhà cửa,...
GS.TSKH Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, thốt lên: “Tôi chưa thấy nơi nào có nhiều thông báo về sự cố thủy điện nhỏ và vừa như ở Việt Nam. Thủy điện nhỏ và vừa ở nước ta năm nào cũng có sự cố”.
Thủy điện không có lỗi, lỗi ở con người
Trên thế giới, thủy điện phát triển rất mạnh. Bất cứ nơi nào có thể khai thác được nguồn thủy năng thì đều có thủy điện vì dẫu sao, thủy điện vẫn được đánh giá là năng lượng sạch và tái tạo. Ở nhiều nước, nguồn thủy năng dồi dào và được tận dụng ở mức rất cao.
Thủy điện sông Tranh 2 từng bị rò rỉ nước khiến nhiều người lo sợ |
Chẳng hạn, ở Na Uy, 97% tổng sản lượng điện là từ thủy điện. Trong điều kiện cần hạn chế các năng lượng phát ra từ dầu, than, người ta còn có chủ trương tận dụng làm hết thủy điện nhỏ ở những vùng núi cao mà đến nay còn chưa khai thác do địa thế hiểm trở.
Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo các chuyên gia, ở nước ta thủy điện chiếm hơn 30% tổng lượng điện quốc gia. Giả sử không có thủy điện thì cứ 3 ngày Việt Nam có 1 ngày mất điện.
Thế nhưng, với những sự cố thủy điện liên tục xảy ra gần đây, GS. Phạm Hồng Giang nhấn mạnh: Bản thân thủy điện chả có lỗi gì, lỗi ở con người. Việc làm thủy điện của ta còn thiếu trách nhiệm. Quản lý quy hoạch và quá trình đầu tư được phân cấp cho các địa phương, không có người am hiểu chuyên môn. Rồi ai cũng có thể làm chủ đầu tư. Xoay sở ra dự án rồi thì tìm cách vay ngân hàng để đầu tư. Chọn đơn vị thiết kế rẻ, thiếu kinh nghiệm cũng được. Thi công cũng thế. Như vậy trình độ, ý thức trách nhiệm của chủ đầu tư, thiết kế, thi công đều kém.
“Cho nên sự cố xảy ra tại một số đập mấy năm qua cho thấy những người chịu trách nhiệm của dự án không am hiểu kĩ thuật, làm rất ẩu, làm bừa, cứ tưởng làm thủy điện thì ai cũng làm được”, GS Giang nói.
Theo các chuyên gia, cấp phép thủy điện phải dựa trên cơ sở quy hoạch. Nhưng hiện nay quy hoạch đang bị buông lỏng nên nhiều khi có phần dễ dãi với thủy điện.
Nhiều doanh nghiệp đổ xô đầu tư thủy điện vì tuy suất đầu tư ban đầu cho thủy điện cao nhưng làm xong rồi thì chi phí quản lý vận hành lại rất nhỏ.
“Theo tôi biết hiện có doanh nghiệp tiềm lực yếu vẫn làm thủy điện. Vì có dự án vẽ ra cho đẹp thì dễ thuyết phục để vay tiền. Vay được làm thủy điện rồi thì yên tâm thu lợi. Nếu chẳng may bị nợ xấu lại tìm cách xoay sở để thoát”, GS Phạm Hồng Giang chia sẻ./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.