Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiểm họa từ nơi sản xuất

Chí Kiên - Đào Huyền| 31/12/2011 06:52

(HNM) - Tết Nguyên đán chỉ còn đếm từng ngày, không khí tại các làng nghề sản xuất nông sản, thực phẩm ở Hà Nội càng trở nên nhộn nhịp. Quanh năm, họ chỉ trông chờ vào dịp Tết để tăng sản lượng, nhằm tăng thu nhập. Thế nhưng, những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong dịp này khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng.


Xã Cát Quế (Hoài Đức) những ngày cuối năm rất khẩn trương. Từ đầu làng đến cuối ngõ, ô tô, xe máy, xe đạp vào ra tấp nập. Bên đường, hàng chục đại lý bánh kẹo người buôn, kẻ bán râm ran. Bên trong Công ty Việt Long, một cơ sở sản xuất được coi là lớn nhất xã Cát Quế, 60 công nhân trong từng công đoạn đang khẩn trương sản xuất để làm ra 2 tấn bánh bích quy mỏng trong một ngày. Ở mọi ngõ ngách trong cái xưởng gần 1.000m2, đâu đâu cũng ngổn ngang những bao tải, thùng các tông... xếp chồng chất lên nhau. Không khí đặc quánh mùi vị của bánh kẹo, mạch nha, dầu, bơ quyện lẫn dầu máy. Ngoài xưởng, những chuyến ô tô vẫn vào ra liên tục. Giám đốc Công ty Nguyễn Duy Việt vồn vã: "Cuối năm, lượng sản xuất cũng tăng hơn vì đơn hàng nhiều hơn. Nhưng nhà máy thiếu mặt bằng, chưa có kho chứa nguyên liệu, thành phẩm riêng nên phải sắp đặt ngổn ngang thế này. Công ty sản xuất theo quy mô hộ gia đình, cũng chưa theo quy chuẩn nào cả". Ông Việt cho hay, để có mặt bằng coi là "tạm được" phải cỡ 5.000m2, nhưng hiện tại thì quá khó cho các cơ sở sản xuất ở Cát Quế. Ngay cạnh xưởng Việt Long là cơ sở sản xuất mạch nha của chị Nguyễn Thị Bình ở thôn 7 cũng đang hoạt động hết công suất. Quan sát bằng mắt thường, có thể thấy những bao tải nha nằm la liệt trên sàn nhà trong khi thiết bị sản xuất có màu đen kịt, bám đầy bụi bẩn… Chị Bình phân bua: "Sản xuất mạch nha là vậy chứ không phải mất vệ sinh. Hơn nữa, nhiệt độ để làm ra nha rất cao, mọi thứ "chết" hết trước khi ra thành phẩm". Bình thường, cơ sở của chị Bình cung cấp từ 3 đến 4 tấn mạch nha/ngày, nhưng tháng Tết phải lên đến 6 - 7 tấn/ngày.

Tương tự, ở các làng nghề La Phù, Dương Liễu (Hoài Đức), Hữu Bằng (Thạch Thất), Xuân Đỉnh (Từ Liêm)... không khí cũng bận rộn không kém. Tại làng nghề mứt Tết Xuân Đỉnh, vấn đề ATVSTP ở đây đã được nói rất nhiều vì tình trạng phơi trần nguyên liệu trên hè đường đầy bụi bẩn. Giải thích cho việc làm này, hầu hết các gia đình cho rằng, khi đưa vào nấu ở nhiệt độ cao cũng sẽ "tiêu diệt" được hết vi trùng, vi khuẩn. Toàn xã Xuân Đỉnh có 52 cơ sở sản xuất bánh mứt, cung cấp hơn 700 tấn bánh mứt kẹo cho thị trường mỗi ngày vào dịp Tết. Trung tâm làng nghề nằm ở thôn Đông. Là nghề chế biến thực phẩm nhưng ở đây rất ít công nhân đeo găng tay. Công nhân dùng tay trần nhào bột, làm nhân mứt, sấy cho bí khô… Hỏi về những quy định VSATTP, người nào cũng lắc đầu, bảo "không biết, chưa rõ lắm". Một số công nhân tiết lộ, để cho bí trắng hơn lại tiết kiệm thời gian, chỉ cần cho thêm một ít nước tẩy. Muốn mứt có màu bắt mắt chỉ cần một thao tác rất đơn giản: nhuộm với phẩm màu. Ông Nguyễn Hữu Khiêm, Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh thừa nhận, làng nghề vẫn còn một số hộ thiếu sân phơi, phải phơi ra hè đường. Những cơ sở sản xuất mứt bí nhỏ chưa ý thức được công tác bảo đảm ATVSTP, UBND xã phát hiện sẽ xử lý nghiêm, có thể đình chỉ sản xuất.

Phơi miến ngay trên đường tại xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai. Ảnh: Bá Hoạt

Những làng làm miến nhiều và có "thâm niên" như Tân Hòa, Cộng Hòa (Quốc Oai), Cát Quế, Minh Khai, Dương Liễu (Hoài Đức)... mỗi ngày cũng cung cấp cho thị trường Hà Nội hàng chục tấn. Trước đây, để có bột, người dân mua củ đao, dong riềng từ những cánh rừng Tây Bắc đưa về. Những năm gần đây, nguyên liệu này đã cạn kiệt nên nhiều gia đình phải nhập bột từ Trung Quốc. Đáng lo ngại hơn là khi nhu cầu lớn thì người ta dễ lạm dụng các loại hóa chất độc hại. Theo cách làm truyền thống thì miến làm ra có màu đục và đen. Nhưng bây giờ, người làm miến đua nhau sử dụng những loại phụ gia hóa chất để miến, bánh đa có màu trắng muốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Theo TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế), tại các làng nghề truyền thống, người sản xuất hầu như không đọc được ký hiệu ghi trên nhãn của phụ gia, không có kiến thức cơ bản về sản xuất thực phẩm an toàn nên đây rõ ràng là mối nguy trong việc sử dụng phụ gia độc hại hiện nay. Cơ quan chức năng đã phát hiện một số sản phẩm chứa chất DEHP, Malachite Green, Nitrit cực kỳ độc hại, không được phép sử dụng. Thậm chí có tới 15,6% mẫu bún, bánh phở, bánh giò, bánh su sê có sử dụng hàn the, chất không có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng.

Theo ông Nguyễn Văn Nguyện, cán bộ vệ sinh môi trường xã Cát Quế, giải pháp duy nhất cấp xã có thể làm là tuyên truyền, nhắc nhở người dân để các cơ sở chế biến tuân thủ chặt chẽ các quy trình sản xuất, bảo đảm ATVSTP. Nếu người dân cố tình không chấp hành thì phải có cơ quan chuyên môn với đủ phương tiện, kỹ thuật vào kiểm tra thì mới có thể kết luận và đưa ra mức xử lý đối với những trường hợp vi phạm".
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểm họa từ nơi sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.