Bạn đọc

Hiểm họa từ bồn nước inox trên cao

Kim Vũ 29/07/2023 - 06:43

Nhìn từ trên cao xuống các khu tập thể cũ trên địa bàn phường Giảng Võ, Thành Công, Trung Tự… không khó để thấy những bồn nước inox chênh vênh, nhiều kích cỡ được lắp đặt gia cố bằng gạch, chân sắt cũ kỹ trên nóc các tòa nhà.

Thậm chí có những bồn inox đặt trên nền mái tôn, proximang không theo một quy tắc nào. Các bồn nước ấy đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khôn lường nếu như chân đế không vững chắc. Nguy cơ này càng hiện hữu hơn khi mùa mưa bão đã bắt đầu.

nhieu-bon-nuoc-duoc-lap-dat.jpg
Nhiều bồn nước được lắp đặt trên nóc nhà D1 - Khu tập thể Giảng Võ (quận Ba Đình).

Chênh vênh, thiếu mỹ quan đô thị

Theo tìm hiểu, các hộ dân thường lắp bồn nước inox dung tích 1.000-1.500 lít, có gia đình dùng giá đỡ dày, có hộ dùng thanh sắt mỏng manh, thậm chí chèn gạch, thanh gỗ. Nhiều bồn nước còn “hiên ngang” đứng giữa nóc nhà lợp mái tôn. Điều đáng nói, đa số nhà tập thể cũ ở Hà Nội đều xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, nhiều nhà có thiết kế dạng mái nghiêng nhưng vẫn “đón tiếp” bồn nước inox.

Điển hình của nhà mái nghiêng là nhà D1 - Khu tập thể Giảng Võ (quận Ba Đình). Hàng trăm bồn nước chênh vênh đón gió, mưa mỗi ngày, không đặt trên mặt phẳng như tiêu chuẩn.

Anh Nguyễn Văn Tài, một người bán hàng ăn nhà D1 Giảng Võ cho biết, nhiều bồn chứa có phần chân đế bị mòn, nguy cơ gió bão xô đổ là rất lớn. Đáng lo ngại, những bồn nước cheo leo trên nóc nhà khiến nhiều hộ ở tầng 5 phải hứng chịu hậu quả của sức nặng, nhiều chỗ rò rỉ, thấm dột, rồi khi mưa gió, tiếng va đập của giá đỡ bồn nước với trần nhà ảnh hưởng tới người dân. Thêm nữa, phần mái của các khu nhà từ hàng chục năm trước với thiết kế lạc hậu, không tính đến tải trọng của hàng trăm bồn nước inox, nguy cơ gây nên các vết nứt là không tránh khỏi.

Khu tập thể lâu năm ngõ 10 phố Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa), nhiều căn hộ đã xuống cấp, nóc nhà chung “cõng” bồn chứa nước inox gắn tạm bợ, hiểm họa bị nứt gãy bất kỳ lúc nào. Anh Nguyễn Văn Hùng, người dân sống trên phố này cho biết: "Hằng ngày, tôi thường đi qua khu tập thể này, chỉ nghĩ đến những bồn nước chênh vênh kia đã phải rảo bước nhanh. Vì khu nhà có lợp mái tôn, ngói cơi nới đã biến thành chỗ chứa bồn nước. Nó được chèn gạch phía dưới, 1 chân đế sắt cũ kỹ gỉ màu gá tạm vào miếng tôn đầu mép trần nhà rất nguy hiểm".

Ngay cả những nhà tập thể nằm ngay sát sông Hồng cũng trong cảnh tương tự. Hàng loạt bồn nước inox, cục nóng điều hòa được gắn liêu xiêu trên nóc, luôn tạo cảm giác không an toàn...

Tại các khu chung cư cũ như H36 (quận Tây Hồ), Khu tập thể Viện Hóa học (quận Bắc Từ Liêm), khu 5 tầng Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm)… cũng có tình trạng bồn nước đặt không chắc chắn trên các nóc nhà.

Cần sớm có chế tài xử lý

Anh Nguyễn Văn Huỳnh, một người chuyên lắp đặt bồn nước trên địa bàn quận Ba Đình cho biết, khi lắp bồn nước nguyên tắc phải đặt trên mặt phẳng, không chèn kê gỗ, gạch, tự ý gia cố giá đỡ… dưới chân bồn, tuyệt đối không lắp đặt bồn nước ở vị trí sát mép tường, mép trần, mép lan can, trên bề mặt gồ ghề, không đủ trọng tải chịu lực. Tuy nhiên, thực tế do nhu cầu của người dân quá lớn trong khi diện tích nhà tập thể chật hẹp nên họ đã tự ý lắp đặt không đúng tiêu chuẩn, lắp sát mép nóc nhà, trên mái nghiêng, mái lợp bằng tôn. Nhiều giá đỡ bằng sắt lâu ngày hứng chịu nắng, gió bị gỉ sét, có thể gãy đổ bất cứ lúc nào.

Theo Chủ tịch UBND phường Giảng Võ (quận Ba Đình) Nguyễn Ngọc Chiến, phường thường xuyên yêu cầu các tổ trưởng dân phố, Ban Quản lý tòa nhà tuyên truyền tới người dân lắp đặt đúng tiêu chuẩn, chứ không thể cấm người dân lắp đặt trên nóc nhà. Nếu cấm người dân thì không có nước dùng vì bể chứa nước cũ đã không hoạt động, cũng không có chế tài xử lý việc đặt bồn nước kiểu này.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang cho biết, trước đây, bể chứa nước ở các khu tập thể cũ thường xây bằng gạch, tuổi thọ ngắn nên nhanh bị ngấm nước, gây thấm dột xuống các tầng. Do đó, các hộ đã chuyển sang sử dụng bồn inox. Nhiều gia đình tự thuê thợ về lắp, không để ý đến chất lượng giá đỡ, chân đế, việc kiểm tra xem có bị rò gỉ, hay gỉ sét chân đế cũng không được định kỳ, thường xuyên. Do đó, đặc biệt khi mùa mưa bão đến gần, UBND quận giao cho các phường, ban quản lý nhà tập thể nhắc nhở các hộ dân có bồn inox đặt trên nóc nhà chung kiểm tra, bảo dưỡng các giá đỡ, thay mới nếu đã hỏng hóc, tránh việc bồn bị sập, bị văng ra khỏi vị trí, gây nên sự cố không mong muốn.

Hiện nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về quy chuẩn xây dựng, lắp đặt bồn nước trên cao, vị trí lắp, đơn vị giám sát. Việc các cơ quan quản lý làm hiện nay là tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu các hộ dân kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên để phát hiện việc xuống cấp của các thiết bị, sớm thay thế.

Để bảo đảm, tránh những sự cố đáng tiếc như rơi bồn nước từ trên cao xuống đã xảy ra vài năm qua, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tổ chức rà soát, kiểm tra thường xuyên, đánh giá việc lắp đặt bồn nước inox trên cao, từ đó có yêu cầu cụ thể đối với người dân để chất lượng lắp đặt các bồn nước thực sự an toàn. Về lâu dài, các cơ quan liên quan cần sớm đưa ra chế tài xử lý đối với việc này để bảo đảm an toàn, mỹ quan đô thị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiểm họa từ bồn nước inox trên cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.