(HNM) -
Người phụ nữ Việt đang định cư tại Braxin này đã không mệt mỏi quảng bá văn hóa Việt Nam và đóng góp tích cực cho các hoạt động đối ngoại của Việt Nam tại Braxin trong nhiều năm qua. Nhân dịp năm mới 2010, từ Braxin, chị vừa có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.
Đại sứ Việt Nam tại Braxin và chị Bích Hường (đứng giữa) sau một buổi biểu diễn. |
Từ nỗi nhớ quê hương
Thực ra những gì tôi làm ở Braxin là sự tiếp tục của hoạt động tôi đã làm ở Italia. 10 năm trước, vì xa nhà, xa gia đình nên tôi thường kể về những người thân của mình cho các bạn người Italia nghe. Dần dần, tôi bắt đầu nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Việt Nam, trước là để trả lời câu hỏi của bạn bè. Rồi sau đó, tôi được các thư viện và các trung tâm văn hóa của các thành phố ở Italia mời đến nói chuyện và một trong những buổi giới thiệu về Việt Nam đó đã được kênh truyền hình Rai 3, một trong ba kênh chính chủ đạo của Truyền hình quốc gia Italia đưa tin.
Ba năm trước khi sang Braxin làm việc, tôi là một trong rất ít người thuộc các nước đang phát triển được mời vào dạy học cùng với giáo viên người Italia trong chương trình giáo dục chính quy ở một số trường học của Bologna. Mặc dù số tiền nhận được chỉ vừa đủ để chi trả cho cô bảo mẫu nhưng tôi vẫn làm để có thể truyền bá được văn hóa Việt Nam.
Lên lớp nói chuyện trước khoảng 3.000 sinh viên, tôi đã cố gắng truyền tải những hiểu biết của mình về văn hóa Việt Nam. Những câu chuyện tưởng như bình thường trong văn hóa dân gian, tôi không nghĩ lại cuốn hút các bạn nước ngoài đến vậy. Họ rất chăm chú lắng nghe về sự tích bánh chưng bánh dầy, về tục ăn trầu của người Việt, về loài hoa sen mọc trong bùn nhưng có hương thơm đặc biệt... Chính điều ấy đã tiếp thêm cho tôi cảm hứng. Và cứ mỗi lần về nước, trong hành trang của mình mang theo là nhiều vật dụng gắn bó với đời sống của quê nhà như nón, thúng, mủng, gầu tát nước, áo dài, áo tứ thân… để minh họa cho bài nói chuyện của mình. Tôi nghĩ, thực ra, những gì mình làm cũng chỉ như giọt nước trong biển cả bao la nhưng tôi rất tự hào.
Đến cảm xúc thăng hoa
Năm 2004, tôi nhận lời mời sang làm Giám đốc Dự án Giáo dục Italia - Braxin ở thành phố Belo Horizonte, bang Minas Gerais - chị Bích Hường kể - nhưng các bạn đã biết đến hoạt động của tôi ở Italia. Bởi vậy, làm việc ở Braxin, tôi đã nhận được nhiều lời đề nghị tham gia nói chuyện về Việt Nam. Buổi nói chuyện vào tháng 3-2008 in đậm trong tâm trí tôi. Khi đó, đích thân ông Bí thư đảng Lao động thủ phủ bang Minas Gerais đến nhà đề nghị tôi nói chuyện về Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968 và vai trò của phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh nói riêng. Thực sự khi ấy tôi cực kỳ bối rối, thấy trách nhiệm mình lớn lao và thời gian không có nhiều để chuẩn bị một việc quan trọng như vậy.
Bạn biết không ở Braxin không có nhiều tài liệu, tranh ảnh Việt Nam, đấy là chưa kể đến khó khăn khi phải nói chuyện bằng tiếng Bồ Đào Nha trong 2 giờ trước lượng khán giả hàng trăm người. Hơn nữa tôi cũng chỉ là một diễn giả nghiệp dư. Hồi ở Italia có nhiều điều kiện hơn, ít ra còn có người Việt để nhờ làm người mẫu trình diễn trong các buổi nói chuyện. Còn ở đây thì không có ai. Tôi chỉ có gần hai tuần để chuẩn bị. Một mình phải lo mọi việc từ lớn đến nhỏ như soạn bài nói chuyện, trang trí hội trường, sưu tầm, chọn ảnh để đem đi làm phông, băng rôn, dạy múa cho các cháu Braxin cũng như trình diễn thời trang áo dài và lo cả phần nấu các món ăn Việt Nam để người đến dự được thưởng thức hương vị Việt… Cả một núi công việc. Nhưng tôi vẫn quyết định nhận và làm vì muốn giới thiệu Việt Nam với người dân thành phố từ một người Việt Nam chứ không phải qua các video hay báo, ảnh.
Ban ngày, tôi vẫn đi làm việc từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối. Về đến nhà, lo cơm nước, cho con ngủ, đến khi bắt tay vào soạn bài nói chuyện thì đã là 10 giờ tối. Viết tiếng Việt đã khó, nhưng phải dịch sang tiếng Bồ Đào Nha còn phức tạp hơn. Sáng dậy đi làm, người cứ liêu xiêu, các đồng sự Braxin nói mười thì mình chỉ nhập tâm được năm, sáu phần, cuối cùng phải nhắm mắt uống cà phê cho tỉnh ngủ. Chỉ có thứ bảy, chủ nhật mới có thời gian để đi mua sắm chuẩn bị cho buổi nói chuyện và dạy các cháu múa, tập trình diễn thời trang, tập mời trà Việt Nam cho khách. Thời gian chuẩn bị tính từng phút trong sự lo lắng, hồi hộp.
Bận túi bụi, đã thế sáng hôm trước, con trai tôi bị dị ứng sữa phải đi cấp cứu. Vừa thương con lại vừa lo việc ngày hôm sau. May là cháu được các bác sĩ cứu chữa tận tình nên đến chiều là cháu được ra viện. Hú vía! Khi ấy, tôi đã nghĩ đến việc hoãn lại buổi nói chuyện. May là cháu đến tối đã tỉnh táo trở lại.
8 giờ tối ngày 6-3-2008, khi Quốc thiều của ba nước Việt Nam, Italia và Braxin vang lên, hàng trăm người đứng nghiêm trang chào lá Quốc kỳ, tôi trào nước mắt. Tôi đã cố gắng giới thiệu về Việt Nam dưới nhiều khía cạnh, đất nước và phụ nữ trong chiến tranh, trong thời bình. Sau buổi nói chuyện, ông Wagner Afonso, nhà phê bình nghệ thuật, Giám đốc Nhà hát Belo Horizonte nhận xét: "Hường đã nghiên cứu từng chi tiết khi giới thiệu về Việt Nam". Quả thật, tôi đã cố gắng hết sức chăm chút để hình ảnh về Việt Nam không chỉ là những con số khô khan, lịch sử về các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, về Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, về những mất mát của người dân Việt Nam trong chiến tranh cũng như những hậu quả còn để lại của chất độc màu da cam, một Việt Nam đầy niềm kiêu hãnh với những chiến thắng hào hùng của một dân tộc nhỏ bé nhưng đã chiến thắng một đế quốc mạnh nhất thế giới, với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu Hồ Chí Minh và nhà quân sự lỗi lạc như Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay những con người bất khuất như 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, hình ảnh của Mẹ Suốt chèo thuyền chở bộ đội qua sông...
Lồng với đó là một Việt Nam trữ tình với làn điệu dân ca, điệu múa, áng thơ, với các thiếu nữ duyên dáng trong bộ áo dài dân tộc thấp thoáng sau vành nón trắng… Chắc chắn, tôi sẽ không bao giờ quên âm hưởng trang nghiêm của buổi nói chuyện ấy. Sự xúc động của Đại sứ Việt Nam tại Braxin khi ông Bí thư đảng Lao động thành phố Belo Horizonte trao tặng bảng khắc dòng chữ "Kính tặng nhân dân Việt Nam Anh hùng", của những tràng pháo tay khán giả dành tặng và tấm lòng của người dân Braxin đối với Việt Nam với tiếng hô: "Dân tộc Việt Nam muôn năm!", "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!", "Đại tướng Võ Nguyên Giáp muôn năm!".
Buổi nói chuyện sôi động hẳn khi cả hội trường vỗ tay theo nhịp bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng". Lúc ấy không còn sự phân biệt giữa người nói chuyện và người nghe giữa Việt Nam và Braxin nữa, tất cả như hòa quyện trong tình hữu nghị quốc tế bao la, vượt ra ngoài biên giới của mọi ràng buộc và luật lệ.
Kết thúc 2 tiếng nhưng khán giả cứ nấn ná không muốn về. Chỉ lúc đó tôi mới nhận biết được là buổi diễn thực sự thành công. Ông Bí thư đảng Lao động thành phố Belo Horizonte cuối buổi đã đến siết chặt tay, tôi đã giúp ông thực hiện được ý nguyện bao năm nay là tổ chức nói chuyện về Việt Nam trên đất nước Braxin tươi đẹp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.