Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

Minh Ngọc| 09/08/2017 06:59

(HNM) - Cả nước hiện có hơn 4 triệu người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, trong đó có nhiều người bị tàn tật, gặp không ít khó khăn trong cuộc sống.

Chung tay ủng hộ những người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.


Vượt lên số phận

Trong căn nhà chật hẹp tại số 68, ngõ 132 phố Khương Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Na nhìn những đứa con mà trào nước mắt. Bà Na kể, chồng bà là ông Phạm Đức Thăng, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Rời quân ngũ về quê hương, ông bà nên duyên vợ chồng vào năm 1976, rồi lần lượt sinh ra ba người con. Con cả của ông bà là Phạm Hương Lan (sinh năm 1977) không bị khuyết tật nhưng đang bị ung thư tuyến giáp, phải điều trị tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Người con thứ hai là Phạm Hương Huệ (sinh năm 1979) bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam/dioxin, mọi hoạt động đều phụ thuộc hoàn toàn vào người thân. Niềm tin, hy vọng của gia đình gửi gắm ở cô con gái út Phạm Thu Hằng (sinh năm 1993) đã tốt nghiệp đại học và đi làm.

Vượt lên nỗi đau, bà Nguyễn Thị Na là điểm tựa tinh thần để chồng, con vui sống. Bà vừa chăm sóc gia đình, vừa tham gia các hoạt động xã hội. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu dân cư số 8, phường Khương Trung, bà Na đã vận động, xây dựng quỹ tiết kiệm của chi hội có số dư lên tới hơn 700 triệu đồng, tạo điều kiện cho hàng chục hội viên vay vốn làm ăn. “Tôi luôn sống lạc quan, làm việc hết mình với mong muốn truyền tình yêu cuộc sống đến các thành viên trong gia đình, đến những nạn nhân da cam và rộng hơn là cộng đồng xã hội” - bà Na chia sẻ.

Có chồng và hai con trai bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, bà Nguyễn Thị Vấn, ở thôn Vỹ, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết: “Chăm sóc nạn nhân da cam vô cùng vất vả”. Song, xuất phát từ tình yêu của người vợ, người mẹ, những người phụ nữ của gia đình có nỗi đau da cam không quản ngại khó khăn. “Chúng tôi hiểu được muốn có cuộc sống hạnh phúc trong hòa bình, độc lập, tự do, đất nước phải trải qua những cuộc chiến tranh, nhiều gia đình phải gánh chịu những nỗi đau như thế. Ngày nào tôi còn khỏe ngày đó tôi sẽ mang niềm tin đến cho những người thân” - bà Nguyễn Thị Vấn khẳng định.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Minh Hồng, trú tại số 2, ngõ 176/1, đường Hà Huy Tập, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) có chồng là thương binh 2/4, đồng thời là nạn nhân chất độc da cam, hai con gái mắc bệnh tâm thần. Thấu hiểu nỗi đau da cam, bà Nguyễn Thị Minh Hồng tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hiện nay, bà Hồng vừa là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Gia Lâm, vừa là giám đốc một phòng khám tư nhân…

Đó là những ví dụ điển hình về sự đảm đang, hy sinh của phụ nữ Việt Nam nói chung, của những gia đình mang nỗi đau da cam nói riêng.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Khảo sát của các ngành, địa phương cho thấy, những năm qua nạn nhân da cam và gia đình của họ đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ nhiều phía. Tuy nhiên, sức khỏe của đa số người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin không tốt, thậm chí bị khuyết tật vận động, trí tuệ nên đời sống gặp nhiều khó khăn.

Để cuộc sống của nạn nhân và gia đình nạn nhân ngày càng ổn định, phát triển, bà Nguyễn Thị Minh Hồng kiến nghị các cơ quan chức năng quan tâm, chăm lo nhiều hơn đến người nhiễm, phơi nhiễm thứ chất độc hủy diệt này, đồng thời củng cố, kiện toàn tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp. Các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam cần được xây dựng nhiều hơn. Còn theo bà Lê Thị Thành (thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội), Nhà nước cần có chính sách về bảo hiểm y tế dành cho người phục vụ nạn nhân da cam.

Về vấn đề nói trên, bà Trần Thị Phương Dung, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội cho biết, nguồn lực vật chất để hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân da cam hiện chưa đáp ứng được nhu cầu. Các cấp hội cần phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động giúp các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin đối với sức khỏe con người, môi trường sinh thái, từ đó cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Ngoài ra, các hội viên của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cần là những tuyên truyền viên tích cực vận động người dân yêu chuộng hòa bình tiếp tục ủng hộ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam. “Hãy chung tay xoa dịu nỗi đau da cam - đó là thông điệp mà các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam muốn chuyển đến các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội", bà Trần Thị Phương Dung nói.

Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 50 nghìn người bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã mở rộng mạng lưới đến 100% quận, huyện, thị xã và hơn 50% số xã, phường, thị trấn, thu hút hơn 20 nghìn người tham gia. Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội và các cấp hội vận động được hàng chục tỷ đồng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ hàng vạn lượt nạn nhân chất độc da cam.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.