Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ tri thức Việt số hóa: Đưa tài nguyên số vào sử dụng

Khánh Vũ| 26/02/2019 07:38

(HNM) - Từ năm 2019, Hệ tri thức Việt số hóa được tiếp tục phát triển và khai thác sâu để trở thành một hệ sinh thái số do người Việt làm chủ.

Một buổi họp của các bộ, ban, ngành trong việc tham gia đóng góp tài nguyên, dữ liệu vào kho kiến thức chung của Hệ tri thức Việt số hóa.


Dữ liệu địa chỉ chi tiết

Được ví với Wikipedia (Bách khoa toàn thư lớn của thế giới), song Hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc.vn) có thể cung cấp các thông tin tin cậy, đã được các cơ quan, đơn vị chức năng bảo đảm sự đúng đắn. Hệ thống được phát triển thông qua việc tổng hợp, hệ thống hóa, số hóa, Việt hóa và phổ biến tri thức trong mọi lĩnh vực, trước hết là hỗ trợ cho giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo và các lĩnh vực như pháp luật, y tế, giao thông - vận tải, kỹ thuật sản xuất...

Không nằm ngoài mục tiêu trên, tháng 10-2018, Bộ Khoa học và Công nghệ, đơn vị chủ trì, đã giao cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tham gia thực hiện dự án Nền tảng dữ liệu bản đồ số Việt Nam. Dự án nhằm tạo lập một nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu bản đồ (tọa độ) của các địa danh, địa chỉ trên toàn quốc. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp có thể sử dụng để tạo ra các ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, du lịch…

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, một trong những nền tảng dữ liệu cơ bản nhất của mỗi quốc gia chính là bản đồ và lớp dữ liệu địa chỉ của các địa điểm. Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực, dữ liệu bản đồ càng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là đối với những ứng dụng liên quan đến tìm kiếm thông tin, tìm đường, tìm địa chỉ trên toàn quốc. Do đó, Việt Nam cần phải xây dựng một hệ thống dữ liệu của riêng mình, vừa bảo đảm phục vụ yêu cầu trong việc quản lý nhà nước vừa đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, địa chỉ của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân. Thông qua bản đồ số Việt Nam, người dùng còn có thể dễ dàng tìm và được chỉ đường cụ thể đến tận lớp địa chỉ trong từng ngõ, hẻm hoặc các thôn, xã... Với kinh nghiệm thu thập dữ liệu, Bưu điện Việt Nam được giao là đơn vị chủ trì dự án, có vai trò thiết lập và bảo đảm hạ tầng cho hệ thống; xây dựng phương án thu thập, rà soát dữ liệu…

Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị phối hợp với Bưu điện Việt Nam để bảo đảm hạ tầng cho hệ thống và xây dựng các chức năng tiện ích của bản đồ cung cấp cho người dân cả nước. Trường Đại học Công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng bản đồ số Việt Nam (VNmap). VNmap bao gồm nhiều lớp dữ liệu: Mốc địa giới, biên giới quốc gia, địa giới hành chính từ tỉnh tới huyện, xã; chi tiết về giao thông... Đặc biệt, lớp dữ liệu về địa chỉ sẽ chi tiết đến từng nhà: Tọa độ địa lý, số nhà, ngách, loại dịch vụ cung cấp tại số nhà đó như nhà hàng, khách sạn, cây xăng, ngân hàng, ATM, bến tàu, bến xe khách, bến xe buýt, bảo tàng, thư viện,… VNmap cũng hướng tới xây dựng Thư viện dịch vụ bản đồ phục vụ cộng đồng các nhà phát triển bên thứ ba. Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện đã xây dựng xong phiên bản v1.0 của hệ thống bản đồ số Việt Nam và thử nghiệm dữ liệu trên thực địa.

Khai thác bản đồ số từ quý II-2019

Theo ông Nguyễn Quốc Vinh, thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, điều khó khăn nhất khi thực hiện dự án là huy động nguồn lực tham gia thực hiện việc thu thập dữ liệu từng địa chỉ trên toàn quốc. Tuy nhiên, ngành Bưu điện có những lợi thế nhất định với mạng lưới trải dài trên cả nước gồm hơn 42.000 lao động, trong đó lực lượng bưu tá hơn 11.800 người hoạt động ngày đêm không ngừng nghỉ. Thông qua Smartphone đã cài đặt phần mềm có các tính năng thu thập dữ liệu, gắn tọa độ, thời gian, chụp ảnh… mỗi nhân viên bưu điện, đoàn viên thanh niên sẽ thực hiện thu thập tên, địa chỉ và các ghi chú về loại đối tượng. Sau khi xác nhận thông tin chuẩn, dữ liệu sẽ được tích hợp và đưa lên bản đồ số Việt Nam tại địa chỉ https://map.itrithuc.vn.

Từ tháng 11-2018, các bưu điện tỉnh, thành phố thuộc Bưu điện Việt Nam đã tiến hành thu thập dữ liệu các địa điểm trường học, du lịch, y tế, các điểm phục vụ bưu chính công cộng… Tính đến cuối tháng 11-2018, cả nước đã thu thập khoảng 1,7 triệu địa chỉ, trong đó riêng tỉnh Phú Yên và Hậu Giang (những địa phương triển khai đầu tiên) đã cơ bản hoàn thành việc thu thập dữ liệu.

Theo ông Nguyễn Quốc Vinh, việc thực hiện dự án còn gặp một số khó khăn khác như nguồn tài chính, sự phản ứng của người dân vì chưa được truyền thông về dự án, dữ liệu bản đồ địa chính, giao thông của các địa phương chưa được cung cấp đầy đủ, kịp thời… Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các bộ, ngành liên quan, Bưu điện Việt Nam sẽ tập trung triển khai bảo đảm tiến độ, kế hoạch theo yêu cầu của Chính phủ, phấn đấu đến quý II-2019 bản đồ số Việt Nam có thể đi vào vận hành và khai thác.

Việc xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa nói chung, bản đồ số Việt Nam nói riêng cho thấy, cần huy động các nguồn lực của xã hội với mức độ xã hội hóa cao để thiết lập một hệ sinh thái số cho người Việt, khơi dậy trí sáng tạo, đóng góp cho nền tri thức của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ tri thức Việt số hóa: Đưa tài nguyên số vào sử dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.