Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ thống rạp chiếu phim: Không "lột xác", khó tồn tại (bài 1)

Yên Nga| 12/10/2016 06:23

(HNM) - Những rạp, cụm rạp chiếu phim hiện đại, đa năng mọc lên khắp các thành phố thì cũng là lúc hàng trăm rạp chiếu phim của các đơn vị trong nước, nhất là do Nhà nước quản lý rơi vào tình trạng thưa vắng khách,


Bài đầu: Tiếng vang dần tắt...

Rạp Dân Chủ (Khâm Thiên, Hà Nội) - địa điểm vang danh một thời của điện ảnh Thủ đô đã phải đóng cửa cuối năm 2015 sau nhiều năm càng cố duy trì càng thua lỗ. Đầu tháng 10, đơn vị quản lý rạp này là Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội (Công ty Điện ảnh Hà Nội - doanh nghiệp trực thuộc UBND TP Hà Nội) đã báo cáo lên đơn vị chủ quản về việc thay đổi mô hình kinh doanh rạp. Làm thế nào để "sống" đã khó thì việc cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân nước ngoài còn "đau đầu" hơn đối với hầu hết hệ thống rạp chiếu phim trong nước.

Rạp Dân Chủ (Khâm Thiên, Hà Nội) đã phải đóng cửa cuối năm 2015 sau thời gian dài cố gắng duy trì.


Thoi thóp trên sân nhà

Ở Hà Nội, trong ký ức nhiều người, xem phim là phải đến rạp Tháng Tám, Kim Đồng (phố Hàng Bài), Bắc Đô (phố Hàng Giấy), Hòa Bình (phố Đinh Tiên Hoàng), Đặng Dung (phố Đặng Dung), Mê Linh (phố Lò Đúc), Bạch Mai (phố Bạch Mai), Dân Chủ (phố Khâm Thiên), Đống Đa (phố Thái Thịnh), Ngọc Khánh (phố Kim Mã)… Kể ra phải đến chừng 20 rạp, ra đời từ sau Giải phóng Thủ đô năm 1954, đều là do cơ quan của Nhà nước quản lý. Nhưng hiện nay, phần lớn rạp này đã ngừng hoạt động, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, số ít hoạt động thoi thóp, cầm chừng.

Trong cuốn "Đi dọc Hà Nội", nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến đã ghi nhận: "Bộ phim cuối cùng chiếu tại Hà Nội trước khi rạp Đại Đồng, Mê Linh, Đống Đa… đóng cửa rồi sau đó trở thành các sàn nhảy là phim "Sám hối" của đạo diễn Abulaldze sản xuất tại xưởng Guzia". Đấy là khoảng từ năm 1989 đến đầu những năm 1990, Liên Xô và các nước XHCN sụp đổ nên nguồn phim theo nghị định trao đổi văn hóa cấp chính phủ với Liên Xô, Đức, Ba Lan… không còn. Đây có lẽ là những trường hợp đầu tiên rạp phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Dần dần, lần lượt các rạp vang danh khác cũng phải đóng cửa, như rạp Bạch Mai có phòng chiếu 300 chỗ đã ngừng hoạt động nhiều năm, rạp Đặng Dung xưa giờ chỉ thấy bán đồ điện tử, rạp Kinh Đô là nơi bán điện máy cả chục năm nay…

Chị Lương Thu Hòa ở phố Khâm Thiên kể: "Ngày bé, cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tôi theo bố mẹ ra số 211 (rạp Dân Chủ) xem chiếu bóng suốt. Ở đây lúc nào cũng đông, những tối cuối tuần có xếp hàng cả ngày cũng chưa chắc mua được vé, lại chờ đến hôm sau. Thích nhất là những ngày hè, không phải đi học, người lớn đi làm hết, trẻ con chúng tôi lại được vào rạp xem mấy suất liền. Nhớ những hôm nghe cả tiếng chuột chạy luỵch xuỵch trên mái, lọt cả vào hình chiếu, rồi mưa dột…". Rạp Dân Chủ hiện do Công ty Điện ảnh Hà Nội quản lý. Với mong muốn duy trì một tụ điểm chiếu phim nhiều dấu ấn của Thủ đô, nhiều năm nay, Công ty đã liên kết với Fafim Việt Nam và Công ty TNHH Cinema 1 của Hàn Quốc. Ông Mai Xuân Phương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Điện ảnh Hà Nội cho biết: "Thời gian đầu, rạp hoạt động tương đối ổn định nhưng càng về sau thì không hiệu quả như mong đợi. Đối tác cũng đã đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, cấp nguồn phim hay nhưng vẫn luôn phải bù lỗ. Ngày 5-12-2015, họ chủ động xin thanh lý hợp đồng liên doanh và rạp Dân Chủ buộc phải đóng cửa". Nguyên nhân là do diện tích mặt bằng rạp có hơn 300m², chỉ đủ bố trí 1 phòng chiếu nên khán giả không có nhiều sự lựa chọn. Rạp này cũng không có chỗ để xe cho khách, trang thiết bị, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng.

Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Hà Nội Trương Mạnh Hà: Hiện các rạp chiếu phim ở tỉnh đều xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu do chưa đầu tư kịp thời máy chiếu kỹ thuật số nên các nhà phát hành phim rất ngại đưa phim vào đây. Còn rạp tại các thành phố thì khuôn viên chật chội, không thể cải tạo nâng cấp lên được thành cụm rạp, lại thiếu dịch vụ đi kèm.


Tại các tỉnh, thành phố khác, hệ thống rạp do Nhà nước quản lý cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ông Bùi Thế Lâm, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Hải Phòng kể: "Chúng tôi có 3 rạp chiếu phim đều nằm ở các vị trí thuận tiện, trung tâm nhưng nhà rạp thì xuống cấp, trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu. Hệ thống máy chiếu phim nhựa 35 ly âm thanh lập thể, nhưng phim bây giờ toàn sử dụng công nghệ kỹ thuật số, nên muốn chiếu phim mới cũng không được. Chiếu phim cũ thì vắng khách là đương nhiên. Rạp 11-5, nơi một thời dân Hải Phòng mơ ước được đến xem phim nay đã ngừng hoạt động".

Hiện các rạp chiếu phim tại nhiều tỉnh thành như Yên Bái, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang… đều hoạt động cầm chừng, thậm chí không có lịch chiếu phim định kỳ, chỉ thi thoảng chiếu phim phục vụ hoạt động chính trị, xã hội.

Lép vế trước "sóng" tư nhân

Luật Điện ảnh ra đời, cùng với chủ trương xã hội hóa ngành điện ảnh cũng như xu hướng, nhu cầu của công chúng giải trí bằng hình thức xem phim thay đổi đã thổi một luồng gió lớn vào hoạt động phát hành, phổ biến phim ở nước ta. Lần lượt các đơn vị tư nhân trong nước và nước ngoài ào ạt đầu tư. Khái niệm "Cineplex" - cụm tổ hợp rạp chiếu phim liên hoàn cũng ra đời từ đây và doanh thu phim ảnh tăng đột biến, nhưng đều tập trung vào tay các đơn vị tư nhân trong nước như BHD, Galaxy, Platinum và các công ty liên doanh nước ngoài: CGV, Lotte Cinema (Hàn Quốc). Theo thống kê mới nhất của Cục Điện ảnh (Bộ VHTT&DL), hiện cả nước có tổng số 138 rạp hoạt động, trong đó có 58 rạp do Nhà nước quản lý, 34 rạp của các công ty tư nhân Việt Nam, còn lại 46 rạp thuộc công ty liên doanh nước ngoài. Công ty liên doanh nước ngoài tại Việt Nam chỉ có CGV và Lotte Cinema đều của Hàn Quốc nhưng lại chiếm đến 80% thị phần. Vì thế doanh thu của các rạp chiếu phim do Nhà nước quản lý, hoặc có vốn nhà nước chịu lép vế là đương nhiên.

Vì sao hệ thống rạp tư nhân, nhất là rạp liên doanh với nước ngoài có thể chiếm được thị phần lớn như vậy? Đó là sự đầu tư. Điển hình là CGV, hiện đã có mặt ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng, Quảng Bình, Cần Thơ, Vũng Tàu, Bình Định, Bình Dương… Hệ thống rạp chiếu phim của CGV đều là xây dựng thành cụm rạp với nhiều phòng chiếu, thiết bị chiếu phim kỹ thuật số hiện đại, trang bị hệ thống âm thanh vòm theo tiêu chuẩn quốc tế. Hơn nữa, các cụm rạp này đều đặt trong các trung tâm thương mại, tổ hợp vui chơi giải trí đa năng đáp ứng nhu cầu của công chúng hiện nay, nhất là giới trẻ. Ông Mai Xuân Phương thừa nhận: "So với các cụm rạp hiện đại mà khán giả vừa xem phim chất lượng cao, nhiều lựa chọn phim, lại thỏa mãn bằng các hình thức giải trí khác thì các rạp chiếu phim đơn lẻ với chỉ 1 phòng chiếu ngày càng gặp nhiều khó khăn".

Một điểm vượt trội nữa của các doanh nghiệp hoạt động điện ảnh tư nhân, liên doanh nước ngoài là họ có điều kiện nhập phim tốt, nhiều trong đó là phim "bom tấn", phát hành cùng thời điểm với thế giới. Các rạp chiếu phim còn lại buộc phải thỏa thuận tỷ lệ ăn chia với họ để được chiếu phim đó. Nhiều trường hợp vì trang thiết bị lạc hậu, không đủ tiêu chuẩn, các rạp do Nhà nước quản lý hoặc có vốn nhà nước còn không được chọn chiếu. Cái lý của người kinh doanh là doanh thu thấp trong khi nguy cơ mất bản quyền lại cao. Ngoài yếu tố đầu tư vật chất và phim ảnh thì thái độ phục vụ cũng là nhược điểm tại các rạp chiếu phim do Nhà nước quản lý. Nhân viên ở các cụm rạp tư nhân khác hẳn, họ luôn mặc đồng phục, giữ nụ cười tươi tắn, hướng dẫn tỉ mỉ, chu đáo với mọi đối tượng khách. Vì vậy, dù giá vé tại hệ thống rạp chiếu phim tư nhân hoặc liên doanh nước ngoài luôn đắt hơn từ 30 nghìn đến 80 nghìn đồng một vé thì "lựa chọn số 1 của khán giả là hệ thống rạp tư nhân" - theo lời bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống rạp chiếu phim: Không "lột xác", khó tồn tại (bài 1)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.