Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ thống quy hoạch của Hà Nội: Không thể “đi tắt”!

Võ Lâm| 12/12/2010 08:11

Hà Nội cần tới trên 600 bộ quy hoạch chi tiết (từ quận, huyện trở xuống) * Năm 2011, thành phố đã lên kế hoạch quyết định 14 quy hoạch chuyên ngành về sử dụng đất, GTVT, phát triển thương mại công nghiệp...

Để phát triển Thủ đô, Hà Nội cần có quy hoạch cụ thể. Ảnh: Duy Tường

Trên diễn đàn Kỳ họp thứ 22 HĐND TP Hà Nội vừa kết thúc, đại biểu Nguyễn Nguyệt Hường thắc mắc, tại sao xảy ra chuyện quy hoạch tuyến đường Bắc Nam phục vụ cho Khu đô thị Quốc Oai lại đi xuyên qua Khu công nghiệp (KCN) Thạch Thất khiến bao doanh nghiệp (DN) đã đăng ký vào KCN nay "dở mếu dở cười". Giám đốc Sở QHKT Nguyễn Văn Hải giải thích, nguyên nhân là mâu thuẫn quy hoạch giữa Hà Tây (cũ) và Hà Nội hiện nay. Hiện tượng chồng lấn quy hoạch như vậy không hiếm khi mà việc khớp nối quy hoạch giữa Hà Nội (cũ) và Hà Tây (cũ) vẫn là bài toán chưa có lời giải. Điều đáng nói là để giải quyết, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là chưa đủ. "Vấn đề chồng lấn quy hoạch giữa Hà Nội (cũ) và Hà Tây (cũ) chúng tôi đã quan tâm giải quyết trong Quy hoạch chung, nhưng phải đến quy hoạch phân khu sau này mới làm rõ được", Giám đốc Sở QHKT cho biết.

Đề cập tới vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình bức xúc, ở 4 xã thuộc tỉnh Hòa Bình trước khi về Hà Nội, dù chưa có quy hoạch mà người ta đã cấp 8.000ha làm các dự án. Vì những cách làm không theo quy hoạch như vậy, TP đang phải triển khai rà soát, xem xét lại hàng ngàn dự án khu vực mới sáp nhập.

Thiếu quy hoạch chi tiết từ cấp huyện trở xuống là vấn đề lớn của Hà Nội. Đối với cấp quận, huyện, các địa phương cũ của Hà Nội cơ bản có quy hoạch, nhưng trong số các đơn vị hành chính của tỉnh Hà Tây (cũ) mới chỉ có quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây có quy hoạch. Ở cấp xã, phường thì hầu khắp TP đều đang thiếu quy hoạch. Quy hoạch chuyên ngành cũng đang còn trống phần lớn.

Thiếu quy hoạch gây ra rất nhiều hệ quả mà việc chồng lấn giữa các công trình, dự án với nhau chỉ là một phần nhỏ. Thiếu quy hoạch nên việc xây dựng cũng không theo bất kỳ quy chuẩn nào. Chênh lệch cốt xây dựng ở nội thành Hà Nội đã được nhắc nhiều sau những đợt mưa lớn gây ngập lụt phố phường, nhưng chưa "thấm" gì so với khu vực ngoại thành thuộc Hà Tây (cũ), nơi cốt xây dựng chênh nhau lên tới hàng mét, phổ biến trong khoảng 1-1,2m. Nhưng điều đáng nói nhất là việc chưa có quy hoạch chi tiết theo đơn vị hành chính đã tạo ra tâm lý đợi quy hoạch, nên các nguồn lực đầu tư bị hạn chế.

“Khát”… quy hoạch

Nhiều dự án xây dựng trên địa bàn thành phố sẽ được rà soát. Ảnh: Đàm Duy


Hiện nay, "cơn khát" quy hoạch đang ngày càng tăng cao. Không thể chờ đợi có Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô mới triển khai các quy hoạch cấp thấp hơn như quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… Nhu cầu cần sớm có quy hoạch đã khiến hàng loạt quy hoạch chuyên ngành được xây dựng với phương châm "đi tắt", vừa làm vừa tham vấn dự thảo Quy hoạch chung. Thực tế này khiến những người làm quy hoạch đôi khi phải trả lời những câu hỏi không đơn giản nếu Quy hoạch chung Thủ đô được duyệt mâu thuẫn với quy hoạch chuyên ngành đã được HĐND TP quyết nghị trước đó thì làm thế nào. Trong Kỳ họp thứ 22 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cũng nhận được câu hỏi tương tự. Ông quả quyết: "Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011-2015 thường xuyên cập nhật với Quy hoạch chung đang trình Chính phủ, nên dù "đón đầu" nhưng chắc chắn sẽ tương thích với Quy hoạch chung".

Năm 2011, Hà Nội đã lên kế hoạch quyết định ít nhất 14 quy hoạch chuyên ngành. Trong đó có quy hoạch về sử dụng đất, giao thông vận tải, phát triển thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, phát triển mạng lưới y tế, mạng lưới giáo dục đào tạo, văn hóa, công nghệ thông tin, phát triển làng nghề, hệ thống thủy lợi, cấp nước, thoát nước… Đây đều là những quy hoạch có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng thu hút đầu tư của TP. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm không phải là quy hoạch này hoàn thành như thế nào mà là nó được sử dụng như thế nào để tránh tình trạng quy hoạch "treo" gây bức xúc hiện nay. Lâu nay, phần giải pháp thực hiện quy hoạch thường không được chú trọng như nội dung quy hoạch. Xem các bản quy hoạch, phần giải pháp thường chung chung, thiếu cụ thể và kém khả thi. Điểm hạn chế nhất của giải pháp thực hiện thường là phân kỳ đầu tư. Vì vậy, các quy hoạch chuyên ngành cần làm rõ được lộ trình khả thi thực hiện quy hoạch, đặc biệt là khả năng huy động nguồn lực và các quy định ràng buộc tiến độ đối với các bên tham gia.

Trong khi đó, quy hoạch chi tiết ở địa phương còn quá thiếu. Hà Nội có 29 quận, huyện, thị xã và có tới 577 xã, phường, thị trấn. Số quy hoạch chi tiết cần có lên tới trên 600 bộ. Trong số này chỉ có một số ít địa phương khu vực Hà Nội (cũ) là có quy hoạch chi tiết. Một trong những vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực quy hoạch ở Hà Nội hiện nay là nếu Sở QHKT làm thì không "kham" nổi. Trong khi đó, nếu phân cấp, giao cho quận, huyện lập quy hoạch thì cấp cơ sở vốn chưa quen với công tác này và hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát sau phân cấp rất cần một cơ chế cụ thể bởi đây là vấn đề hết sức nóng bỏng, dễ nảy sinh tiêu cực, việc quản lý càng phải siết chặt và khép kín để loại trừ những lỗ hổng và bất cập tồn tại hoặc có thể nảy sinh.

Có thể nói, đối với Hà Nội hiện nay, lĩnh vực quy hoạch còn quá nhiều vấn đề phải làm. Trong khi đó, quy hoạch là động lực to lớn thu hút nguồn lực, là cơ sở cho các dự án, công trình phát triển. Vì vậy, nếu thực hiện hiệu quả và đồng bộ công tác quy hoạch thì lợi ích về kinh tế - xã hội chắc chắn sẽ không nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống quy hoạch của Hà Nội: Không thể “đi tắt”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.