(HNM) - Trước tình hình thị trường bất động sản chìm lắng, giá nhà, đất giảm, tính thanh khoản kém, các ngân hàng
Chung một nỗi lo
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Xử lý thu hồi nợ (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam), việc xác định nguồn thu, huy động vốn từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là điều không thể có trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay, nên các ngân hàng đang tập trung xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ quá hạn. Tuy nhiên, vướng mắc đã xảy ra, bắt nguồn từ việc thiếu quy định về thu giữ tài sản bảo đảm là bất động sản. Biện pháp cuối cùng, tổ chức tín dụng chỉ còn cách khởi kiện ra tòa đòi tài sản và cơ quan thi hành án sẽ thực hiện công việc này sau khi bản án có hiệu lực. Thế nhưng, theo đuổi con đường này tốn kém nhiều chi phí, hiệu quả chưa cao. Đây cũng là nỗi lo của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank). Trong nhiều trường hợp, thỏa thuận hay chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm giữa ngân hàng với khách hàng cũng chỉ là những giấy tờ vô nghĩa, bởi sau khi thụ lý đơn khởi kiện và hòa giải không thành, tòa án một số địa phương đã không đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn tố tụng (cho phép tối đa 6 tháng).
Hiện nay nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn về việc thu hồi nợ của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Ảnh: Đàm Duy |
Tại hội thảo phương hướng hoàn thiện pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm và kinh nghiệm quốc tế trong việc nhận tài sản bảo đảm là bất động sản do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 26-6, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tài sản bảo đảm mất giá trị là thủ tục xử lý tài sản bảo đảm bằng con đường tòa án ở Việt Nam còn phức tạp. Cụ thể là, pháp luật chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo đảm quyền chủ động và đơn phương xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm. Vì vậy, hầu hết vụ việc không thực hiện được theo thỏa thuận đều phải khởi kiện, nhưng hiệu quả xử lý không cao.
Từng có trường hợp đã có quyết định mở phiên tòa nhưng người vay cố tình chây ỳ, viện cớ ốm, không đến dự, tòa phải hoãn xử. Chưa hết, khi tòa xử xong rồi còn phải chờ bản án có hiệu lực, sự vào cuộc của cơ quan thi hành án, khiến thời gian xử lý tranh chấp kéo dài, có vụ việc tới 2 năm. Hậu quả là tài sản xuống cấp, chi phí trông coi, bảo vệ và quản lý tài sản tăng, giá trị thu hồi vốn của ngân hàng còn lại không đáng kể. Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật hiện hành về phương thức xử lý tài sản bảo đảm về bất động sản cũng chưa thống nhất, có thể dẫn đến việc hợp đồng bảo đảm bị vô hiệu. Ví như trường hợp khách hàng "phá vỡ" thỏa thuận, không thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, chuyển quyền hay không chấp nhận phương án đấu giá, không chịu ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho ngân hàng… khiến ngân hàng không bán được để thu hồi nợ. Các quy định pháp lý còn nhiều "lỗ hổng" nên việc bảo đảm quyền của chủ nợ rất mong manh. Việc bán bất động sản thu hồi nợ của những khách hàng chây ỳ khó như… bắc thang lên trời.
Cần giải pháp cụ thể
Nhằm giải quyết những vướng mắc pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay, Bộ Tư pháp đang tiến hành lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay là các quy định của Bộ luật Dân sự 2005, Luật Đất đai 2003, Luật Hôn nhân và Gia đình và các văn bản pháp luật có liên quan về xử lý tài sản bảo đảm vừa lạc hậu, vừa thiếu chi tiết.
Từ bất cập này, các chuyên gia tư vấn pháp lý khuyến nghị nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Tại một số nước, nếu không thể trả nợ vốn vay, con nợ buộc phải ra khỏi ngôi nhà mà mình đã thế chấp. Có như vậy các tổ chức tín dụng mới xử lý được nợ xấu ngay.
Một giải pháp khác, không chỉ tập trung vào xử lý tài sản, phát mại bán tài sản bảo đảm tiền vay đang được các ngân hàng ở Australia, Đức áp dụng thực hiện. Theo đó, ngân hàng chấp nhận "bơm" thêm tiền cho bên vay là chủ đầu tư bất động sản, với điều kiện họ trả một phần khoản vay cũ (khoảng 70%). Đây là phương án có thể tính đến trong bối cảnh nợ xấu ở lĩnh vực bất động sản khá lớn, dự án bất động sản thi công dở dang, các đơn vị kinh doanh rất cần vốn hoàn tất công trình để hạ giá, thu hút nhà đầu tư và người mua nhà. Đương nhiên, việc quyết định "bơm" thêm vốn cần phải dựa vào thực lực, lộ trình kinh doanh của bên vay vốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.