Thị trường

Hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại: Củng cố để đáp ứng tình huống khẩn cấp

Lam Giang 16/09/2024 - 06:12

Bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã gây nên tình thế khẩn cấp. Đây cũng là lúc hệ thống phân phối hiện đại phát huy vai trò cung ứng nguồn hàng dồi dào, ổn định, bình ổn tới người dân. Song, thực tế vẫn bộc lộ những hạn chế, đặt ra yêu cầu cần củng cố mạng lưới bán lẻ đủ mạnh, đồng bộ, liên vùng, kết nối chặt chẽ để có thể phản ứng kịp thời, hiệu quả trước những tình thế bất thường.

nhan-vien-sieu-thi-winmart-khu-do-thi-times-city-quan-hai-ba-trung-lien-tuc-bo-sung-nguon-rau-xanh-moi-khi-nhu-cau-cua-nguoi-dan-tang-cao-trong-bao-so-3.-anh-nguyen-vinh.jpg
Nhân viên siêu thị WinMart Khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng) liên tục bổ sung nguồn rau xanh mới khi nhu cầu của người dân tăng cao trong bão số 3. Ảnh: Nguyễn Vĩnh

Giữ nguồn cung trong bão, lũ

Ngày 6-9 vừa qua, lo lắng trước cơn bão số 3 đang tiến vào đất liền nước ta, người dân Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc đổ tới các siêu thị mua hàng hóa để tích trữ tránh bão. Ước tính lượng người tới các siêu thị tăng gấp 2, 3 lần ngày thường. Người dân tập trung mua đồ khô, thực phẩm tươi sống khiến một số thời điểm thiếu hàng cục bộ. Tuy vậy, các siêu thị đã sớm bổ sung nguồn hàng mới đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân.

Tại Hà Nội, toàn bộ hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi như BRG, Co.opmart, WinMart, Aeon, MM Mega Market, BigC… đều tăng nhân lực tại quầy hàng, thu ngân, kho bãi để nhanh chóng bổ sung hàng mới, không để khách hàng chờ đợi. Lượng hàng dự trữ tăng gấp 2-3 lần. Các siêu thị cũng mở cửa phục vụ trước và trong bão, một số siêu thị còn tăng thời gian phục vụ đến gần nửa đêm. Đặc biệt, khi cơn bão vừa đi qua, nhiều tiểu thương chợ dân sinh đóng cửa, nghỉ bán, nhưng các siêu thị vẫn sáng đèn đón khách.

Sau bão, mưa lớn gây ngập úng nhiều vùng trồng, nguồn cung rau xanh tại chỗ gặp khó, các siêu thị đã linh hoạt giải pháp, điều phối rau, quả từ miền Nam ra để thay thế các nhà cung cấp tại miền Bắc. Giám đốc vận hành sản xuất Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp WinEco (Tập đoàn Masan) Hà Long Thành cho biết, WinEco đã huy động mọi nguồn lực, thu hoạch, vận chuyển nông sản từ miền Nam ra miền Bắc. Từ ngày 8-9-2024, gần 100 tấn rau củ được vận chuyển hằng ngày ra miền Bắc. Còn Trưởng nhóm thu mua ngành hàng tươi sống, hệ thống siêu thị MM Mega Market Phạm Văn Hùng cho hay, số chuyến xe chở rau quả từ tỉnh Lâm Đồng ra miền Bắc tăng gấp 3 lần so với trước bão...

Trong ngày 10 và 11-9-2024, khi lũ sông Hồng lên báo động cấp 2, người dân một lần nữa gia tăng tích trữ, song thực phẩm, hàng hóa luôn được cung ứng đầy đủ. Trong tình thế nguy cấp khi thiên tai, dịch bệnh, hệ thống phân phối hiện đại tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò với nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Rõ ràng, đây là kênh phân phối đáp ứng được xu hướng phát triển đô thị văn minh và sẽ dần mở rộng vai trò so với chợ truyền thống.

Nhân rộng mạng lưới bán lẻ hiện đại

Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ hệ thống thương mại truyền thống (như chợ) sang hệ thống thương mại hiện đại (siêu thị và trung tâm thương mại). Hiện cả nước có 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại cùng hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi hoạt động theo mô hình chuỗi, quy mô ngày càng mở rộng. Hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, với tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ, đạt 11,8%/năm.

Do chuỗi cung ứng được phát triển ngày càng hiện đại nên đa số hàng hóa trong các siêu thị, trung tâm thương mại được kiểm soát về chất lượng, mẫu mã và giá cả. Ngoài ra, hệ thống logistics liên tục được phát triển đã tạo chuỗi kết nối hàng hóa thuận lợi, nhanh chóng. Bên cạnh đó, 20.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích đã trở thành địa chỉ tin cậy với người tiêu dùng.

Nhìn lại hoạt động cung ứng hàng hóa trong bão số 3 vừa qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần quan tâm định hướng phát triển hệ thống phân phối mang tính chiến lược. Khi mạng lưới bán lẻ hiện đại, trải dài Bắc - Trung - Nam, hàng hóa có thể điều tiết, cung ứng thuận lợi từ vùng không bị ảnh hưởng sang vùng thiếu hàng hóa. Đồng thời, nhà bán lẻ và nhà cung cấp hàng hóa cần liên kết chặt chẽ hơn để duy trì chuỗi cung ứng, bình ổn thị trường; gia tăng bảo quản, chế biến sâu, đầu tư xây dựng kho hàng dự trữ, nhất là dự trữ vào mùa mưa bão, trước những biến động bất ngờ của thị trường.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, trong Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tổng mức bán lẻ qua hệ thống phân phối hiện đại đặt mục tiêu tăng lên 38-42% vào năm 2030. Bộ Công Thương đang hoàn thiện cơ chế phát triển hạ tầng thương mại theo quy hoạch, kế hoạch, tập trung xây dựng hệ thống phân phối xanh, áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi và phát triển các chợ đầu mối trở thành trung tâm logistics đáp ứng cho hệ thống phân phối thực phẩm, lương thực minh bạch, bền vững.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân:
Xây dựng mạng lưới phân phối vùng, liên vùng

doc.jpg

Sau bão số 3, chúng ta cần có đánh giá đầy đủ tác động của hệ thống phân phối trong điều kiện phát triển mới cũng như trước tác động ngoài mong muốn, như thiên tai, dịch bệnh… nhằm xây dựng mạng lưới phân phối tổng thể, đầy đủ và bao phủ. Hệ thống chuỗi cung ứng cần được xây dựng khoa học, thông suốt, nguồn hàng ổn định, dự trữ đáng kể, giá cả bình ổn, nhất là vào mùa mưa bão, cao điểm mua sắm, để có thể phản ứng chủ động trước biến động của thị trường.

Cùng với đó, cần phát triển hạ tầng thương mại để tăng tính thường trực của mạng lưới phân phối theo hướng kịp thời hơn, quy mô hơn, giảm chi phí logistics. Thực tế cho thấy, cần phát triển mạng phân phối vùng, liên vùng, tăng cường kết nối, hỗ trợ mạng lưới phân phối địa phương và phân phối quốc gia. Ngoài ra, cần thúc đẩy cạnh tranh trong hệ thống phân phối theo hướng văn minh, chuẩn mực, chuyên nghiệp để bảo đảm dịch vụ chất lượng cao cũng như cạnh tranh với sự hiện diện của thương mại nước ngoài và từng bước vươn ra quốc tế.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp WinCommerce Nguyễn Thị Phương:
Hướng tới mục tiêu 10.000 điểm bán vào năm 2030

c.phuong.jpg

Hiện hệ thống bán lẻ WinCommerce (vận hành hệ thống WinMart, WinMart+, WiN) đang vận hành gần 3700 điểm bán, bao gồm 129 siêu thị WinMart, 2.827 cửa hàng WinMart+, 741 cửa hàng WiN trên toàn quốc, trong đó tại Hà Nội có hơn 1.000 điểm bán.

Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu đạt 4.000 điểm bán và đã quy hoạch 7.000 vị trí trên cả nước. Tại thành thị, cửa hàng WiN tập trung vào sự tiện lợi và hiện đại với tiêu chí tích hợp các dịch vụ và tiện ích thiết yếu tại một điểm đến. Còn tại nông thôn, cửa hàng WinMart+ hướng đến hàng tiêu dùng nhanh với tiêu chí "Rẻ hơn - chất lượng hơn". Trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ mở rộng tại các khu vực nông thôn tiềm năng, hướng tới 10.000 điểm bán vào năm 2030.

Chúng tôi đặt trọng tâm thay đổi chiến lược ngành hàng và tập trung vào chiến lược giá, đồng thời duy trì chỉ số giá ngang bằng hoặc cạnh tranh hơn so với thị trường. Chúng tôi cũng tiếp tục phát triển chương trình Hội viên WiN - hiện đạt hơn 9 triệu hội viên và mục tiêu đạt 30 triệu hội viên vào năm 2030.

Bà Trịnh Thanh Trà, Khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng):
Cần minh bạch, ổn định

trinh-thanh-tra.jpg

Sống tại khu chung cư có nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn, gia đình tôi hầu như không phải lo lắng về các loại hàng hóa, thực phẩm thiết yếu. Trong cơn bão số 3 vừa qua, cũng như giai đoạn dịch Covid-19 hay các dịp lễ, Tết, hàng hóa luôn được các siêu thị bảo đảm dồi dào, giá ổn định. Thực tế trong bão số 3, do vận chuyển khó khăn, nguồn cung tại miền Bắc hạn chế nên có thời điểm hàng tươi sống, rau xanh tạm hết trên quầy hàng, nhưng sau đó siêu thị đã liên tục tiếp thêm hàng mới, với giá cả ổn định nên người dân vẫn mua được. Siêu thị cũng kéo dài thời gian mở cửa nên ngay cả tối muộn tôi vẫn có thể mua được đồ cần dùng.

Người tiêu dùng rất cần hệ thống bán lẻ cung ứng minh bạch, ổn định, đem đến nguồn hàng hóa chất lượng, giá tốt. Tôi mong các siêu thị, cửa hàng tiện ích được phát triển rộng khắp, cung ứng hàng hóa ngày càng phong phú, kiểm soát tốt đầu vào. Với dịch vụ thuận tiện, trải nghiệm được nâng cao, hệ thống bán lẻ hiện đại chắc chắn sẽ là lựa chọn của nhiều người tiêu dùng.

Hà Thư ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại: Củng cố để đáp ứng tình huống khẩn cấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.