(HNM) - Từ đầu tháng 8 đến nay, trên địa bàn Hà Nội liên tục xảy ra các vụ sạt lở bờ sông, xói mái đê, sụt lún đê, kè nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến an toàn đê điều và tính mạng người dân. Nếu không sớm được tu bổ, hoàn chỉnh hệ thống đê điều trong bối cảnh biến động phức tạp của thời tiết, tình hình sẽ càng thêm nghiêm trọng, nhiều ngôi nhà của dân đang bị hà bá đe dọa.
Điểm sạt lở tại thôn Đan Thê, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì đang ngày càng ăn sâu vào vườn nhà dân. Ảnh: Chí Đạo |
Người dân "sống trong sợ hãi"
Một trong những sự cố sạt lở nghiêm trọng nhất là tại 3 vị trí trên đê hữu Đà, thuộc thôn Đan Thê và Khê Thượng, xã Sơn Đà (huyện Ba Vì) xảy ra trong 3 ngày 31-7, 1-8 và 3-9. Tại hiện trường vị trí sạt lở, chiều dài cung sạt dài từ 50-70m; sâu từ 15-20m; chiều rộng 3 đến 5m, khoảng cách sạt lở cách nhà dân gần nhất chỉ 8,5m và đang tiếp tục lở lấn sâu vào đất vườn, nhà ở và các công trình của người dân. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất, gia đình ông Nguyễn Huy Sản, thôn Đan Thê (xã Sơn Đà) lo ngại: "Từ hàng chục năm nay tôi mới chứng kiến cảnh sạt lở nguy hiểm như thế mặc dù lũ chưa ở mức cao. Hàng chục mét đất vườn, cây cối đã bị cuốn xuống sông. Nếu không được sớm khắc phục thì nguy cơ sạt lở ăn vào nhà của dân là rất cao". Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đà Nguyễn Đạo Quang, hiện các điểm sạt lở đã lấn sâu vào đất vườn nhà dân, nhiều diện tích cây ăn quả, hoa màu bị cuốn trôi. UBND xã Sơn Đà đã thông báo di dời 4 hộ khỏi vị trí đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở.
Hiện trạng vụ sạt lở tại xã Đông Quang (Ba Vì) còn diễn biến nghiêm trọng hơn, nhiều ngôi nhà của người dân bị nứt do ảnh hưởng sạt lở bờ sông Hồng. Ngôi nhà anh Nguyễn Văn Thuật ở thôn Đông Viên nằm cách bờ sông Hồng khoảng 10m, tường nhà đã xuất hiện những đường nứt chạy từ chân móng lên mái. Quan sát bằng mắt thường cũng thấy ngôi nhà đang có xu hướng đổ ra phía sông. Chị Sang, vợ anh Thuật lo âu: "Từ đầu tháng 9 đến nay, không đêm nào ngủ ngon giấc vì lo sợ "hà bá" sẽ nuốt ngôi nhà lúc nào không hay". Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đông Quang Vũ Văn Triệu, xã có hơn 1km bờ sông Hồng, liền với khu dân cư thuộc hai thôn Đông Viên và Cao Cương. Trên địa bàn xã có 3 điểm sạt lở, sụt, lún bờ sông, trong đó có điểm dài tới 210m, có 6 hộ dân sống liền kề theo cung sụt lún rộng từ 5 đến 20m, sâu 0,5 - 2m.
Trong khi đó, theo Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, trên hệ thống đê Hà Nội hiện có rất nhiều điểm sạt lở nguy hiểm như 6 vị trí sạt lở tại xã Chu Minh (Ba Vì); điểm sạt lở bờ sông xã Cổ Đô (Ba Vì) chỉ còn cách chân đê 20m và đang ảnh hưởng đến 11 hộ dân; sạt lở bờ sông tại số 12, ngách 639/6/5, đường Bạch Đằng, phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) trên đê hữu Hồng đã ăn sâu vào nhà dân 1,2m; sạt lở tại khu vực tập thể Bệnh viện 108, phường Thanh Lương (quận Hoàn Kiếm); trên đê hữu Hồng tại xã Phong Vân, bãi sông xã đảo Minh Châu (Ba Vì); trên 2 tuyến đê tả Hồng và hữu Đuống, tại tổ 38, Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy (Long Biên) đều xảy ra sạt lở, ảnh hưởng đến nhà dân; bờ sông...
Cần cơ chế đặc thù để xử lý sự cố
Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội khẳng định, năm 2012 số vụ sạt lở đê điều xảy ra nhiều nhất và ở mức nghiêm trọng nhất trong 3 năm gần đây. Hà Nội hiện có 20 tuyến đê chính với tổng chiều dài gần 470km, trong đó có 37,7km đê hữu Hồng cấp đặc biệt, còn lại là đê cấp I, II, III, IV và đê bối. Từ đầu năm đến nay trên hệ thống đê xuất hiện 28 sự cố sạt lở ở 41 vị trí khác nhau trên các tuyến đê sông, trong đó tuyến đê sông Hồng nhiều nhất có 14 sự cố.
Trong 28 vụ sạt lở năm 2012, thì riêng từ tháng 8 đến nay đã xảy ra 10 vụ. Diễn biến nghiêm trọng nhất là sau đợt lũ đầu tháng 8 trên sông Hồng có lũ báo động 1; ảnh hưởng của cơn bão số 5 hồi nửa cuối tháng 8 đã xảy ra nhiều vụ sạt lở ở tuyến đê sông Hồng và các tuyến đê nội địa.
Từ thực tế các vụ sạt lở cho thấy, tình trạng sạt lở bờ, bãi, xói lở mái đê, kè diễn ra thường xuyên, nghiêm trọng, thậm chí cả trong mùa khô và đối với cả hệ thống đê nội địa không làm nhiệm vụ chống lũ trực tiếp. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho rằng, hệ thống đê điều cần được khảo sát, đánh giá lại toàn tuyến về khả năng chống lũ trong các cấp báo động, đặc biệt quan trọng đối với hệ thống đê sông Hồng sau một số năm chưa chống chịu với lũ báo động 2, 3 để có phương án, giải pháp giữ an toàn đê điều lâu dài. Hiện khó khăn trong xử lý các sự cố sạt lở này do kinh phí và thủ tục đầu tư còn rườm rà, đòi hỏi phải có nguồn kinh phí rất lớn. Ông Đào Văn Thắng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư và xây dựng (Sở NN&PTNT) nêu thực trạng, nếu cứ chờ đợi hoàn thiện được thủ tục cần thiết cho dự án sạt lở thì an toàn tính mạng người dân, đê điều sẽ bị đe dọa. Đề nghị những dự án khẩn cấp cần áp dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, xử lý ngay sau khi sự cố xảy ra. Thành phố cần bố trí quỹ dự phòng và tăng nguồn kinh phí để chủ động xử lý khẩn cấp ngay sau khi các sự cố đê điều xảy ra. Tránh tình trạng bị động, chắp vá và phải giải quyết nhiều thủ tục hành chính, mất thời gian, chậm bố trí kinh phí xử lý khẩn cấp. Về lâu dài cần bê tông hóa mặt đê, làm kè những điểm xung yếu để bảo vệ đê điều an toàn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt chỉ đạo các địa phương cần sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để chủ động xử lý ngay sự cố; Sở NN&PTNT, chính quyền địa phương phải thường xuyên tuần tra, phát hiện những điểm sạt lở; khảo sát, đánh giá hiện trạng từng tuyến đê xung yếu có dấu hiệu sạt lở để có phương án tu sửa kịp thời, tránh diễn biến nặng làm thiệt hại tài sản và tính mạng người dân. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.