Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ thống đê Hà Nội: Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Kim Văn| 19/06/2023 06:22

(HNNN) - Chương trình 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025” đề ra 15 giải pháp để chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu, một trong số đó là tiến hành nạo vét sông; thực hiện các hạng mục nâng cấp đê sông... Đây là nhiệm vụ cần thiết, bởi dù đã được quan tâm đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp nhưng hệ thống đê điều của thành phố Hà Nội vẫn tiềm ẩn mối nguy khó lường.

Xây dựng công trình khắc phục sự cố đê tả Đáy, đoạn xã Đội Bình (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Kim Nhuệ

Nguy cơ tiềm ẩn

Thành phố Hà Nội hiện có gần 627km đê được phân cấp, trong đó có gần 38km đê cấp đặc biệt, gần 250km đê cấp I, 45km đê cấp II, 72km đê cấp III, 160km đê cấp IV, 62km đê cấp V. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn 43 tuyến đê bao, đê bối, đê chuyên dùng với tổng chiều dài hơn 144km... Các tuyến đê của Hà Nội không chỉ làm nhiệm vụ chống lũ mà còn kết hợp làm đường giao thông...

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Nguyễn Duy Du, các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt hiện đều bảo đảm cao trình chống lũ theo thiết kế. Tuy nhiên, do chủ yếu được đắp bằng đất, hình thành từ lâu đời, địa chất nền của các tuyến đê rất phức tạp, nhiều năm gần đây không có lũ lớn nên hệ thống đê của Hà Nội tồn tại nhiều ẩn họa khó lường. Trên thực tế, những năm qua, hệ thống đê điều có nhiều sự cố nghiêm trọng, ngân sách nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng công trình khắc phục...

Qua công tác đánh giá hiện trạng đê điều trước mùa bão lũ năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội xác định, trên các tuyến đê hiện còn 146 vị trí với tổng chiều dài khoảng 31,6km cần phải theo dõi mạch đùn, mạch sủi; 38 vị trí với tổng chiều dài gần 197km đê có khả năng xuất hiện tổ mối; 45 vị trí với tổng chiều dài 29,8km đê sát sông, có diễn biến sạt lở cần phải theo dõi và đầu tư xây dựng công trình. Đặc biệt, có 37 cống dưới đê bị hư hỏng cần phải sửa chữa, hơn 30km kè bảo vệ đê sông đang có diễn biến sạt lở, cần sửa chữa...

Hà Nội còn 5 trọng điểm xung yếu (cấp thành phố) cần xây dựng phương án bảo vệ trong mùa mưa bão năm 2023. Đó là khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu nằm trên tuyến đê tả Đuống (huyện Đông Anh); cống Liên Mạc nằm trên tuyến đê hữu Hồng (quận Bắc Từ Liêm); cống Cẩm Đình nằm trên đê Vân Cốc (huyện Phúc Thọ); khu vực đê, kè, cống Tân Hưng - Cẩm Hà, Hiệu Chân nằm trên đê hữu sông Cầu (huyện Sóc Sơn); khu vực kè Liên Trì trên đê hữu Hồng, đoạn thuộc địa bàn xã Liên Hà (huyện Đan Phượng). Bên cạnh đó là 13 khu vực trọng điểm xung yếu (cấp huyện) trên các tuyến đê: Hữu Đà, hữu Hồng, tả Hồng, hữu Đuống, tả Đuống.

Ngoài ẩn họa nêu trên, tuyến đê, bãi sông của Hà Nội còn tồn tại nhiều vụ việc vi phạm pháp luật đê điều làm gia tăng nguy cơ mất an toàn hệ thống đê điều.

Một số đoạn đê của Hà Nội đang bị xuống cấp.

Sẵn sàng ứng phó kịp thời

Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã phối hợp với đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố, hư hỏng, tu bổ, nâng cấp, chống xuống cấp hệ thống đê điều để kịp thời đưa công trình vào chống lũ năm 2023. Các địa phương cần lập phương án hộ đê, bảo vệ điểm xung yếu trong mùa lũ, bão; huy động nguồn lực để chủ động xử lý những sự cố phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ, bão và tu bổ các hạng mục cần thiết khác nhằm hạn chế sự cố đến mức thấp nhất khi có lũ, bão; xử lý dứt điểm các vi phạm còn tồn đọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có đê xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án hộ đê đối với từng tuyến đê, từng khu vực trọng điểm, điểm xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; phối hợp, hiệp đồng với lực lượng quân đội đứng chân trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê theo phương án và kế hoạch được phê duyệt; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho đê, đặc biệt là các vị trí đê trọng điểm xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án hộ đê, ứng phó trong trường hợp xảy ra bão, lũ lớn, kể cả trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế...

Thực hiện chỉ đạo trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành công tác đánh giá, xây dựng phương án hộ đê; rà soát, bổ sung vật tư, lực lượng, phương tiện, tập huấn cho các lực lượng tham gia công tác hộ đê... Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn ven đê thường xuyên tuyên truyền, ngăn chặn, xử lý dứt điểm hành vi vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, huyện có hơn 19km đê tả sông Hồng đi qua địa bàn 7 xã. Trên tuyến đê này có 18 điếm canh, 4 kè và 2 cống qua đê. Đây là công trình phòng, chống thiên tai đặc biệt quan trọng. Để bảo đảm an toàn tuyến đê, huyện đã kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, xây dựng phương án hộ đê; kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư; phân công lực lượng tuần tra, kiểm soát đê... Hằng năm, huyện và các xã ven đê tổ chức diễn tập thực hành kỹ năng xử lý sự cố đê, kè, cống; bảo đảm kịp thời xử lý sự cố đê điều ngay từ giờ đầu...

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng chia sẻ, huyện có 38 thôn thuộc 13 xã, thị trấn sinh sống ven đê tả Đáy. Nếu xảy ra tình huống phân lũ sông Hồng vào sông Đáy, mực nước sông Đáy dâng cao vượt báo động lũ cấp III, toàn huyện có hơn 40.000 người phải sơ tán... Vì vậy, để bảo đảm an toàn đê điều, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện đã hiệp đồng cụ thể với các cơ quan chức năng, đơn vị quân đội, công an đứng chân trên địa bàn về cách bố trí lực lượng, phương tiện tại các trọng điểm xung yếu về đê, kè trên địa bàn, bảo đảm cơ động nhanh, thuận tiện khi triển khai đội hình. Mặt khác, huyện đã cập nhật, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, đặc biệt là phương án hộ đê, chống lũ lụt...

“Huyện Phúc Thọ đã xây dựng phương án giả định 3 tình huống có thể xảy ra tại cống Cẩm Đình khi mực nước sông Hồng dâng cao hoặc thực hiện lệnh chuyển lũ từ sông Hồng vào sông Đáy. Huyện chuẩn bị 50 rọ thép, 4.500m3 đá hộc, 7.500m3 đất đắp, 10 máy xúc, 1 xuồng máy, huy động 100 người thuộc lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai sẵn sàng xử lý sự cố cống Cẩm Đình...” - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết.

Tương tự, thời điểm này, huyện Đan Phượng đã lập phương án giả định các tình huống vị trí nứt trên đê sông Hồng tiếp tục phát triển; chuẩn bị đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, sẵn sàng sơ tán 20.647 người dân các xã Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung đến nơi an toàn...

Ngoài thực hiện chỉ đạo của cấp trên, nhiều xã, thị trấn của các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức... đã xây dựng kế hoạch tập huấn kỹ năng hộ đê cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai; tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ công trình phòng, chống lũ cho người dân...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống đê Hà Nội: Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.