Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ thống công trình thủy lợi: Vừa thiếu, vừa yếu !

Đào Huyền| 30/08/2012 07:27

(HNM) - Nhiều công trình thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng, số lượng công trình thủy lợi không nhiều dẫn đến tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt… Nguy hại hơn, một số công trình thủy lợi không đủ khả năng chống chọi khi mưa lớn, bão lũ gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân.

Công nhân Công ty Thủy lợi Phù Sa bảo dưỡng hệ thống thủy lợi trên địa bàn thị xã Sơn Tây. Ảnh: Thái Hiền


Hệ thống công trình thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng

Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện cả nước có hàng chục nghìn công trình thủy lợi các loại; trong đó có 904 hệ thống thủy lợi lớn và vừa, quy mô diện tích từ 200ha trở lên; hơn 5.000 hồ chứa các loại, với tổng dung tích trữ nước hơn 35,34 tỷ mét khối; hơn 10.000 trạm bơm lớn; gần 5.000 cống tưới tiêu lớn; 5.700km đê sông, 3.000km đê biển, 23.000km bờ bao ngăn lũ đầu vụ hè thu ở Đồng bằng sông Cửu Long và hàng trăm kilômét kè; hơn 126.000km kênh mương. Theo thiết kế, tổng năng lực của các công trình thủy lợi hiện nay có khả năng tưới cho khoảng 3,45 triệu héc ta đất canh tác, tiêu thoát nước cho 1,72 triệu héc ta đất nông nghiệp. Đồng thời, mỗi năm các công trình thủy lợi cung cấp gần 6 tỷ mét khối nước cho các ngành sản xuất công nghiệp và sinh hoạt.

Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu, nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nơi nhu cầu sản xuất ngày càng lớn trong khi hệ thống công trình thủy lợi vừa thiếu, lại yếu về năng lực. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhận định rằng, các công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp chỉ khai thác được 60-65% năng lực thiết kế, thậm chí có công trình mới khai thác được trên 30% năng lực. Nhiều trục kênh tưới, tiêu lớn đã bị bồi lắng nghiêm trọng, giảm đáng kể khả năng dẫn nước. Nhiều máy bơm lắp đặt từ đầu những năm 1960 tới nay chưa được thay thế, hiệu suất chỉ còn 70-75%. Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh (Tổng cục Thủy lợi) cho rằng, nhiều hệ thống công trình thủy lợi được xây dựng cách đây 40, 50 năm, hầu hết đã xuống cấp, công nghệ lạc hậu, thiếu an toàn trong mùa mưa lũ. Riêng các hồ chứa loại vừa và nhỏ do các xã và hợp tác xã quản lý hầu như chưa được đầu tư nâng cấp, kênh mương bị thu hẹp không đủ khả năng tưới, tiêu… Nếu không sớm có phương án sửa chữa, gia cố, chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng xử lý khi cần thiết, dễ xảy ra vỡ đập đột ngột, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản nhân dân.

Môi trường ô nhiễm

Theo báo cáo của các đơn vị quản lý khai thác thủy nông, mỗi năm kinh phí đầu tư cho sửa chữa, tu bổ công trình chỉ đạt 30-35% yêu cầu thực tế, nên khả năng tưới tiêu nước giảm sút. Đại biểu tỉnh Gia Lai cho biết, hơn 75% đập chứa nước trên địa bàn tỉnh được xây dựng bằng đất hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Do thiếu kinh phí nên việc sửa chữa, bảo dưỡng các hồ, đập không đồng bộ; nhiều công trình bị thẩm thấu, vượt giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, toàn bộ nước thải từ đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư, chất thải nông nghiệp, thủy sản đều đổ xuống các dòng sông và hệ thống kênh mương, mật độ phương tiện giao thông thủy ngày càng cao, nên tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng. Đặc biệt, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi xảy ra ở nhiều địa phương nhưng không có biện pháp giải quyết triệt để. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, để khắc phục hạn chế của hệ thống công trình thủy lợi cần sớm cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây mới trên cơ sở đánh giá thực trạng nhu cầu sử dụng và sản xuất từng vùng, đặc biệt vai trò trách nhiệm quản lý của nhà nước, địa phương cần được nâng cao.

Ông Phan Văn Thuật, ủy viên Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, để hệ thống công trình thủy lợi phát huy hiệu quả theo năng lực thiết kế cần tránh tình trạng điều chỉnh, bổ sung phá vỡ quy hoạch ban đầu. Trong các hệ thống thủy lợi, cần kiểm tra đánh giá chất lượng từng hạng mục để có kế hoạch tu bổ, thay thế và hoàn thiện hệ thống đủ khả năng ứng phó với những diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra.

Hiện trạng hệ thống thủy lợi Hà Nội được phân thành 3 vùng gồm: Vùng hữu sông Đáy, vùng tả sông Đáy và vùng Bắc Hà Nội. Về nhiệm vụ tiêu chia theo các trục tiêu: sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ. Hệ thống công trình thủy lợi phục vụ cho cấp nước tưới với diện tích cần tưới là 38.783ha, trong khi số diện tích được tưới mới là 33.637ha, đạt 87%. Yêu cầu tiêu, thoát nước bằng công trình là 46.739ha, thực tế tiêu mới được 35.075ha, đạt 75% so với yêu cầu.

GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, hiện nhiều công trình thủy lợi của Hà Nội đã xuống cấp, nhiều hồ chứa, kênh mương bị bồi lấp nên khi xảy ra mưa lớn khu vực nội đô thường úng ngập. Đồng thời, với tốc độ đô thị hóa nhanh, sức ép từ tăng dân số hiện nay, nhu cầu sử dụng nước trong sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng, Hà Nội cần có giải pháp khai thác sử dụng và bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước, đầu tư cải tạo công trình thủy lợi để tăng khả năng tưới tiêu phục vụ yêu cầu sản xuất và dân sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống công trình thủy lợi: Vừa thiếu, vừa yếu !

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.