Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị tại Hà Nội: Sớm xóa bỏ những “điểm tối”

Dạ Khánh| 16/06/2023 06:58

(HNM) - Hệ thống chiếu sáng đô thị là dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế, xã hội, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự, thúc đẩy các hoạt động thương mại, du lịch, đồng thời làm đẹp cảnh quan. Tuy vậy, tại Hà Nội, hệ thống chiếu sáng mới chỉ bảo đảm phục vụ nhu cầu an sinh xã hội ở mức tối thiểu, vẫn còn những "điểm tối" bất cập cần giải quyết...

Nhân viên Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng và Thiết bị đô thị vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng.

Mới đáp ứng nhu cầu tối thiểu

Thông tin về quy mô hệ thống chiếu sáng công cộng của Thủ đô, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện lưới điện chiếu sáng của thành phố có tổng chiều dài 5.584km (khu vực nội thành là 4.008km), 229.272 bộ đèn chiếu sáng (khu vực nội thành có 169.790 bộ). Hệ thống này được vận hành tự động thông qua 2.794 tủ điều khiển chiếu sáng (khu vực nội thành có 1.970 tủ) và 1 trung tâm điều khiển và giám sát chiếu sáng công cộng.

Tại 12 quận, hệ thống chiếu sáng các tuyến đường, phố cơ bản được đầu tư kết nối đồng bộ với trung tâm điều khiển chiếu sáng, giúp việc vận hành hệ thống chiếu sáng linh hoạt theo thời tiết, nhu cầu từng khu vực; các sự cố được thông tin kịp thời, thuận lợi cho quá trình kiểm soát, khắc phục. Trong đó có 1.336/1.970 tủ điều khiển chiếu sáng được kết nối với trung tâm điều khiển chiếu sáng (đạt tỷ lệ 70,3%). Các tủ chiếu sáng còn lại chủ yếu tại các dự án được tiếp nhận quản lý sau đầu tư trong năm 2020 và tại khu vực ngõ, xóm được vận hành đóng/cắt thông qua điều khiển cục bộ bằng đồng hồ hẹn giờ đặt tại tủ.

Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống chiếu sáng khu vực nội thành mới chỉ bảo đảm phục vụ nhu cầu an sinh xã hội ở mức tối thiểu; tỷ lệ bóng đèn chiếu sáng LED tiết kiệm điện năng còn thấp (chiếm khoảng 14%). Đa số đã được đầu tư lắp đặt từ lâu, các bộ đèn bị suy giảm khả năng chiếu sáng, nhiều tuyến ngõ, xóm sử dụng công nghệ cũ, khoảng cách các cột quá xa, vướng cây xanh...

Khu vực ngoại thành, hệ thống chiếu sáng được đầu tư không đồng bộ, còn nhiều bất cập trong công tác quản lý duy tu, duy trì. Hiện có 562/824 tủ đã được kết nối với trung tâm điều khiển chiếu sáng (đạt 68,2%), còn lại là điều khiển bằng đồng hồ hẹn giờ. Trong khi đó, hệ thống chiếu sáng trang trí kiến trúc đa số cũng được đầu tư từ năm 2010 nên đã xuống cấp...

Nâng cao chất lượng, hiệu quả chiếu sáng

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng và Thiết bị đô thị (Hapulico) Thái Trần Đức, đơn vị quản lý, vận hành 90% hệ thống chiếu sáng thành phố. Ngoài gần 70% tủ điều khiển chiếu sáng được điều khiển từ trung tâm, thì hiện công ty vẫn đang tập trung nhân lực để hoàn thành việc đóng, cắt, cân pha vận hành cho hơn 30% các tủ chiếu sáng còn lại. Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu về chiếu sáng phục vụ an toàn tại các tuyến giao thông có lưu lượng lớn, nút giao thông quan trọng, cũng như bảo đảm an ninh, trật tự đô thị ở các khu dân cư.

Cũng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chiếu sáng công cộng, trong những năm qua, Hapulico đã tham mưu UBND thành phố từng bước đưa đèn LED vào sử dụng trong hệ thống chiếu sáng công cộng, thay thế cho đèn phóng điện truyền thống, qua đó giảm 50% điện năng tiêu thụ. Công ty cũng tích cực chủ động đưa công nghệ điều khiển trung tâm vào công tác quản lý vận hành chiếu sáng; qua đó, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thời tiết hằng ngày, cũng như dễ dàng chuyển từ chế độ bình thường sang chế độ tiết kiệm điện.

Nhờ vậy, trong những năm vừa qua, mặc dù quy mô mạng lưới chiếu sáng công cộng liên tục tăng song chi phí điện năng cho chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố có xu hướng ngày càng giảm, tiết kiệm đáng kể cho ngân sách thành phố... 

Trong khi đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND (ngày 7-3-2023) hướng tới mục tiêu bảo đảm chiếu sáng theo quy chuẩn, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm điện; đạt tỷ lệ 100% đường đô thị, tối thiểu 80% ngõ, xóm được chiếu sáng; nâng cao chất lượng chiếu sáng công cộng đô thị, nghiên cứu và từng bước sử dụng năng lượng tái tạo trong chiếu sáng công cộng đô thị...

Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, giải pháp được thành phố đặt ra là: Xây dựng và phê duyệt đồ án Quy hoạch cấp điện và chiếu sáng đô thị thành phố giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nghiên cứu tích hợp khi lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đồng thời, mở rộng phạm vi hoạt động và từng bước nâng cấp trung tâm điều khiển chiếu sáng; xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa công tác quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng thành phố; xây dựng, nâng cấp hệ thống chiếu sáng trên địa bàn các huyện, thị xã (44 công trình); lắp đặt bổ sung hệ thống chiếu sáng công cộng tại các ngõ, xóm trên địa bàn thành phố (khoảng 350km). Thành phố cũng từng bước thay thế đèn phóng điện truyền thống bằng đèn LED trong hệ thống chiếu sáng công cộng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị tại Hà Nội: Sớm xóa bỏ những “điểm tối”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.