(HNM) - Chỉ tính trong tháng 5, thị trường bán lẻ đã có thêm nhiều siêu thị, cửa hàng thuộc kênh phân phối hiện đại.
Khách chọn mua hàng Việt Nam tại siêu thị BigC. Ảnh: Khánh Nguyên |
Những dự báo không mấy khả quan về tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước năm 2013 dường như không làm nản lòng các nhà bán lẻ trong và ngoài nước khi những kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng đã, đang được thực hiện. Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các DN bán lẻ, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã đẩy mạnh lĩnh vực kinh doanh nội địa, nhất là tăng cường bán lẻ tại thị trường trong nước, tập trung vào khu vực ngoại thành Hà Nội, thông qua việc xây dựng, mở rộng hệ thống phân phối, cửa hàng tiện ích, siêu thị mang thương hiệu "Hapromart". Bên cạnh đó là việc phát triển hệ thống trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tổng hợp, chuyên doanh rộng khắp các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, chỉ trong vòng chục ngày (từ ngày 19 đến ngày 29-5), hệ thống siêu thị BigC khai trương liên tiếp hai siêu thị tại thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) và Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), nâng tổng số siêu thị trong hệ thống từ 19 lên 24 và dự kiến tiếp tục mở thêm siêu thị BigC tại các tỉnh, thành phố khác trong năm nay. Cũng vào giữa tháng 5, liên doanh Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và đối tác NTUC FairPrice (Singapore) đã cho "ra đời" đại siêu thị Co.op Xtra Plus tại quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Điểm khác biệt của đại siêu thị này là kinh doanh theo mô hình vừa bán lẻ, vừa phân phối số lượng lớn nhằm đáp ứng mọi phân khúc khách hàng, từ người tiêu dùng (NTD) mua lẻ đến khách hàng DN, tiểu thương… Từ nay đến cuối năm 2013, các nhà bán lẻ tiếp tục đầu tư thêm nhiều siêu thị, cửa hàng mới. Trong đó, nhà bán lẻ Saigon Co.op đặt mục tiêu có thêm 9 siêu thị Co.op và 24 cửa hàng thực phẩm Co.op Food; Hệ thống siêu thị Vinatexmart hiện đã có 82 siêu thị tại 13 tỉnh, thành phố trên cả nước và sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới bán hàng tại các quận, huyện vùng ven TP Hồ Chí Minh…
Điều đáng nói là, tại các kênh phân phối này, hệ thống hàng Việt đang có xu hướng tăng lên rõ rệt. Nếu như vào những năm 2006, tỷ trọng hàng Việt trong siêu thị chỉ khoảng 50%, thì đến nay, tỷ lệ này đã tăng lên 80-90%. Thậm chí, có những siêu thị có đến 100% hàng Việt như hệ thống Vinatexmart, Co.opmart, BigC… Tại các hệ thống bán lẻ hiện đại này, các sản phẩm Việt như hàng gia dụng, thời trang, thực phẩm… ngày càng được NTD tin tưởng, lựa chọn. Điều này cho thấy, hàng Việt đang đứng trước cơ hội tiêu thụ rất lớn, nhất là trong bối cảnh hàng tồn kho nhiều và kéo dài như hiện nay. Theo chương trình hoạt động trong năm 2013 của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, ưu tiên hàng đầu trong năm nay là tiếp tục phát triển thị trường trong nước đối với hàng Việt bằng nhiều giải pháp như nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN nhỏ thông qua hợp tác, tư vấn sản xuất và kinh doanh sản phẩm tại hai hệ thống siêu thị Co.opmart và BigC. Bên cạnh đó, triển khai hoạt động kết nối sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề với hệ thống phân phối ở các trung tâm tiêu dùng lớn; kết nối nhà sản xuất với mạng lưới phân phối tại 10 tỉnh, thành phố lớn trên cả nước…
Nếu trước đây, 77% NTD được hỏi ưa thích dùng hàng nước ngoài, thì hiện đã có 71% NTD ưa chuộng và sử dụng hàng Việt Nam. Có được điều này phải kể đến nỗ lực đáng ghi nhận của hệ thống phân phối, bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, để hàng Việt chiếm lĩnh được kênh phân phối này, trước hết bản thân nhà sản xuất và nhà bán lẻ cần xác định ngay từ đầu những cam kết cùng đồng hành phát triển để mang lại lợi ích thiết thực cho NTD. Ngoài nâng cao chất lượng hàng hóa và giá thành sản phẩm hợp lý, các nhà sản xuất cần cập nhật và đầu tư công nghệ mới để có những sản phẩm có tính năng vượt trội, đón đầu xu thế tiêu dùng. Trong khi đó, nhà bán lẻ phải có đủ năng lực để tăng cường phát triển mạng lưới rộng khắp, nhằm đưa hàng Việt đến tận tay NTD và gia tăng tỷ trọng hàng Việt trong cơ cấu hàng hóa kinh doanh. Để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh, thời gian qua, nhiều siêu thị đã liên kết trực tiếp với các nhà sản xuất, nông dân để thu mua sản phẩm, vừa tiết kiệm chi phí, vừa thu mua được hàng hóa nông sản tươi mới. Ngoài ra, nhà sản xuất hàng Việt chỉ thực sự có được một cầu nối bền chặt với NTD khi những ý kiến, góp ý của NTD thông qua nhà bán lẻ được nhà sản xuất tiếp nhận một cách đầy đủ để từ đó cùng phối hợp điều chỉnh, cải tiến sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của NTD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.