(HNMCT) - Mặc dù chưa có phim chiếu rạp, phim chiếu trên truyền hình cũng khá èo uột, song ở mảng khác là chiếu trên các nền tảng mạng xã hội, game, quảng cáo…, phim hoạt hình Việt Nam đang có sự phát triển hết sức mạnh mẽ, đặc biệt ở khu vực tư nhân với những doanh nghiệp trẻ năng động, sáng tạo. Họ đang dần tạo ra hệ sinh thái mới cho hoạt hình Việt thời 4.0.
Ấn tượng “Wolfoo”
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường về mức độ nổi tiếng của thương hiệu “Wolfoo”, do AsiaPlusđược thực hiện gần đây, trong số 1.000 trẻ em từ 2 - 8 tuổi tại các thành phố lớn ở Việt Nam, hơn 80% có biết tới và xem hoạt hình “Wolfoo”. Đây là “con số khủng”, đặc biệt là với một thương hiệu hoàn toàn “made in Vietnam”, trong bối cảnh hoạt hình ngoại từ lâu đã chiếm lĩnh cả màn ảnh rộng, màn ảnh nhỏ và mạng xã hội.
Series hoạt hình “Wolfoo” là sản phẩm của Sconnect, ra mắt năm 2018. Bộ phim xoay quanh chú sói nhỏ Wolfoo với nhiều chi tiết hài hước đã nhanh chóng chinh phục trái tim của hàng triệu khán giả nhí trên đa nền tảng online và offline. Từ đó đến nay, hơn 2.700 tập phim “Wolfoo” đã được phát sóng và dịch sang 17 thứ tiếng.
Từ phim hoạt hình “Wolfoo”, Sconnect đã phát triển một hệ sinh thái “đa trải nghiệm” với sự kết hợp hài hòa giữa tính giáo dục và giải trí dành cho trẻ em, giống như nhiều thương hiệu hoạt hình nổi tiếng khác trên thế giới. Xoay quanh hệ sinh thái này có nhiều sản phẩm như: Các dòng phim liên quan tới nhân vật Wolfoo, gồm series phim ngắn, series dài tập với chất lượng cao để phục vụ nền tảng truyền hình, chiếu rạp; “Wolfoo music” mang tới bài học bổ ích thông qua thế giới âm nhạc; “Wolfoo show” - chương trình thực tế tập trung vào mối tương tác giữa các diễn viên và thế giới phim hoạt hình “Wolfoo” sống động...
Học tập mô hình mang trải nghiệm thế giới hoạt hình ra ngoài đời thực của Disney Land, Universal Studios..., Sconnect còn mạnh dạn mở rộng quy mô khi khai trương Wolfoo City tại Hà Nội, khu vui chơi giải trí mang trải nghiệm thế giới hoạt hình ra ngoài đời thực.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến điện ảnh Việt Nam đánh giá: “Khi tới thăm Sconnect, chúng tôi thực sự bất ngờ bởi có những công ty tư nhân trong lĩnh vực hoạt hình của Việt Nam phát triển mạnh mẽ đến vậy. Công ty có tới hơn 1.000 nhân viên, số lượng phim rất lớn với hàng tỷ lượt xem trên thế giới. Đây là điều vô cùng tự hào của hoạt hình Việt Nam”.
Một cuộc “điểm danh”
Cũng theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, hiện có rất nhiều công ty sản xuất phim hoạt hình và sản phẩm liên quan với quy mô lớn, sản phẩm đa dạng, nguồn nhân lực mạnh, phương thức kinh doanh linh hoạt, thị trường không ngừng mở rộng, có sự hợp tác thường xuyên với nước ngoài. Như vậy, có thể thấy năng lực sản xuất phim hoạt hình và các sản phẩm liên quan tới hoạt hình ở Việt Nam là rất lớn. Thế nhưng, toàn bộ kết quả của các công ty này chưa được tính vào các thống kê số liệu chính thức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Chính vì vậy, giữa tháng 10 vừa qua, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đã tổ chức một cuộc tọa đàm để kết nối các đơn vị trong lĩnh vực hoạt hình. Tại tọa đàm “Phim hoạt hình Việt Nam - năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế”, nhiều doanh nghiệp trẻ, có những thành tích đáng nể trong lĩnh vực đã được mời đến. Tiêu biểu nhất có thể kể đến Sconnect. Được thành lập từ năm 2014, Sconnect là nhà sản xuất các sản phẩm sáng tạo dẫn đầu về khả năng cung ứng nhanh và hệ sinh thái mạnh, mang lại sự kết nối và phát triển toàn cầu. Sconnect đã sản xuất hơn 11.000 video, sở hữu 300 kênh YouTube, 2 nút kim cương và hơn 100 nút vàng, nút bạc.
Các sản phẩm hoạt hình trong hệ sinh thái WOA của Sconnect nổi bật với tính giải trí và giáo dục cao như “Wolfoo”, “Luka”, “Clay Mixer”, “WOA Fairy Tales”... Ngoài ra, Sconnect liên tục mở rộng hệ sinh thái kinh doanh WOA, cung cấp đa dạng sản phẩm và dịch vụ gia tăng như đào tạo hướng nghiệp, mở khu vui chơi và giải trí, sản phẩm thương mại vật lý, bán bản quyền và nhượng quyền khai thác nội dung, hình ảnh nhân vật.
DeeDee Animation Studio được biết đến là đơn vị cung cấp các sản phẩm hoạt hình chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là studio đầu tiên của Việt Nam hợp tác sản xuất với các studio hoạt hình hàng đầu thế giới như Shin-Ei Animation (studio Nhật sản xuất series “Doraemon”, “Shin - cậu bé bút chì”), TMS Entertainment (studio của Nhật sản xuất series “Conan - Thám tử lừng danh”), Disney Animation (studio nổi tiếng thế giới sở hữu các nhân vật chuột Mickey, vịt Donald...), 6 Point Harness (studio sản xuất phim ngắn đoạt giải Oscar “Short Hair”). Không chỉ được công nhận về kỹ thuật, các tác phẩm độc lập của DeeDee cũng được đánh giá rất cao về nghệ thuật, đạt nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước như: Cánh Diều bạc của Hội Điện ảnh, giải thưởng BGK Liên hoan phim (LHP) Việt Nam, giải Phim hoạt hình hay nhất tại các LHP nước ngoài như LHP Olympus, LHP KHEM (Mỹ), LHP Bloodstained tại Nhật Bản...
Bên cạnh đó là những tên tuổi cũng đã tạo được nhiều ấn tượng với công chúng như: Sun Wolf Animation Studio với phim hoạt hình ngắn “U Linh Tích Ký: Bột thần kỳ” gây tiếng vang; Colory với nhiều bộ phim hoạt hình và các sản phẩm quảng bá thương hiệu nổi tiếng bằng hoạt hình; Freaky Motion với hơn 10 năm kinh nghiệm, đặc biệt là trong lĩnh vực quảng cáo; HFL Media sản xuất phim hoạt hình trên nền tảng YouTube hay VIC Media, FAT Media, Bona Media...
Mong được chú ý
Tiến sĩ Ngô Phương Lan cho rằng: “Đã đến lúc cần thay đổi cách đánh giá năng lực và cách thức sản xuất phim hoạt hình để tập hợp sức mạnh, từ đó mở ra hướng hợp tác quốc tế nhằm tạo sự phát triển bền vững cho phim hoạt hình thành một ngành công nghiệp thực sự trong công nghiệp văn hóa Việt Nam”.
Các doanh nghiệp trẻ trong lĩnh vực này mong có thêm cơ hội để kết nối các studio, có nhiều diễn đàn để được trao đổi với đại diện cơ quan quản lý, có được sự hỗ trợ khi ra nước ngoài...
Anh Tạ Mạnh Hoàng, Giám đốc điều hành Công ty Sconnect Việt Nam chia sẻ: “Tôi có niềm tin là ngành hoạt hình Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Nhưng muốn phát triển được cũng cần phải có hoạch định từ phía Nhà nước. Hiện nay, chúng tôi cảm thấy mình vẫn đơn độc trên con đường kinh doanh. Chúng ta đã thấy bài học thành công của điện ảnh Hàn Quốc khi có sự kết hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp; Nhà nước luôn cố gắng, tìm mọi cơ hội đưa doanh nghiệp của mình ra thị trường thế giới”.
Chị Lê Quỳnh Như, người sáng lập DeeDee Animation Studio cũng cho rằng: “Các doanh nghiệp trẻ đang đi theo kiểu “muốn làm thì cứ làm thôi”. Chúng tôi rất mong có được sự đồng hành từ phía Nhà nước, có những chính sách khuyến khích phát triển, chẳng hạn như ưu đãi về thuế... Mặc dù đã kết hợp với những studio rất lớn trên thế giới song chúng tôi vẫn mong Nhà nước có nhiều hoạt động hỗ trợ để giới thiệu chúng tôi ra thế giới với tư cách đại diện cho hoạt hình Việt Nam”.
Trong Luật Điện ảnh và các văn bản dưới luật hiện hành, Nhà nước dành nhiều chính sách cho sản xuất, đặt hàng, đầu tư cho điện ảnh nói chung, trong đó, lĩnh vực hoạt hình với phim hoạt hình chiếu rạp, phim chiếu trên truyền hình phục vụ thiếu nhi tuy được đặc biệt quan tâm, nhưng vẫn ở mức độ hạn hẹp.
Về mặt quản lý, cần có những chính sách thật sự hiệu quả để khuyến khích không chỉ các doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp bên ngoài cùng đóng góp cho sự phát triển chung của hoạt hình. Hiện Cục Điện ảnh đang xây dựng các văn bản dưới luật liên quan đến vấn đề này. Chúng tôi rất mong có được ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực ở cả khu vực nhà nước và tư nhân để có thể huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển hoạt hình nước nhà.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội:
Hoạt hình là một lĩnh vực quan trọng của công nghiệp văn hóa. Trong khoảng 10 năm gần đây, theo số liệu của CGV, phim hoạt hình đem lại 10 - 15% doanh thu, đóng góp tích cực cho thị trường điện ảnh Việt Nam. Dù mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng việc nhìn ra các nước cho chúng ta quyền mơ ước. Như Nhật Bản, đóng góp của phim hoạt hình và sản phẩm liên quan chiếm tới 5 - 6% GDP. Ngoài ra, phim hoạt hình cũng góp phần tích cực lan tỏa thông điệp nhân văn, bởi vậy, khai thác được giá trị của phim hoạt hình sẽ là một cách hữu hiệu để quảng bá hình ảnh, từ đó góp phần xây dựng sức mạnh mềm và thương hiệu quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.