Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ sinh thái mới cho hoạt hình Việt thời 4.0: Những viên gạch đầu cho hệ sinh thái hoạt hình

Thúy Đinh| 04/12/2022 06:35

(HNMCT) - Từ màn ảnh nhỏ, các nhân vật quen thuộc của hoạt hình đã bước ra đời sống thực với sự đa dạng và gần gũi. Đó cũng chính là mục tiêu xây dựng hệ sinh thái hoạt hình mà các nhà sản xuất, những người sáng tạo trong lĩnh vực nội dung số đang hướng đến. Chúng ta có quyền kỳ vọng vào đội ngũ sáng tạo trẻ, bởi sau thành công của hệ sinh thái hoạt hình “Wolfoo”, câu chuyện ngành công nghiệp điện ảnh hoạt hình nước nhà sẽ được viết tiếp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả, mang lại giá trị thẩm mỹ “Made in Vietnam”.

Đạo diễn Đinh Kiều Anh Tuấn, người sáng lập và điều hành Công ty Sun Wolf Animation Studio, tác giả phim “U Linh Tích Ký: Bột thần kỳ”:
Xác định hướng đi lâu dài với hoạt hình

Hiện tại, Công ty Sun Wolf Animation Studio đang phát triển các dự án điện ảnh hoạt hình dài hơi. Song song với đó, chúng tôi cũng đang phát triển các dự án về truyện tranh, ứng dụng công nghệ. Những dự án truyện tranh không riêng lẻ, nó nằm trong hệ sinh thái dự án hoạt hình mà Sun Wolf Animation Studio đang làm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang kết hợp với các tác giả, những người tạo nên các nhân vật hoạt hình nổi tiếng trong nước như “Thỏ bảy màu” (nhân vật hư cấu có lượng theo dõi cao hàng đầu trên mạng xã hội hiện nay, của tác giả trẻ Huỳnh Thái Ngọc) để có thể làm nên những bộ phim hoạt hình, với những nhân vật tuổi đời tương đối lâu, đã được khán giả Việt biết đến. Có nghĩa là chúng tôi lấy những nhân vật đó làm bàn đạp để sáng tạo nên những tác phẩm hoạt hình của mình. Các dự án của Sun Wolf Animation Studio đang có gồm truyện tranh, series phim hoạt hình và đưa các nhân vật hoạt hình lên các sản phẩm như phụ kiện, quần áo, đồ chơi...

Trong tương lai chúng tôi còn có cả game nữa. Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng hệ sinh thái, giống như các quốc gia phát triển trên thế giới đang làm. Chúng tôi muốn tạo nên những nhân vật có thể lan tỏa và được yêu thích trong đời sống của mọi người.

Nói gì thì nói, các công ty cần vốn để hoạt động. Với Sun Wolf Animation Studio, mục đích cốt lõi là hoạt hình và xác định hướng đi lâu dài với nó. Kể cả hiện tại chưa có sự hỗ trợ đầu tư nào cả nhưng bước đầu chúng tôi đã tạo ra doanh thu để có thể nuôi dưỡng ước mơ. Tôi xác định đó là con đường dài. Hiện tại chúng tôi đang ở giai đoạn giới thiệu thành quả lao động của mình cho khán giả biết, với những sản phẩm mà theo tôi là có chất lượng, bằng sự cố gắng hết sức của cả ê kíp.

Trong lĩnh vực hoạt hình, chúng tôi xây dựng liên minh gồm những nhà đầu tư nhỏ có cùng đam mê. Chúng tôi cũng có những hoạt động khác như cung cấp giải pháp hình ảnh cho các công ty có nhu cầu xây dựng series phim hoạt hình cho riêng mình. Chính những công việc đó giúp chúng tôi có thêm thu nhập và cơ hội để hiểu hơn về khán giả cũng như tiềm năng của ngành phim hoạt hình trong nước.

Tạ Mạnh Hoàng - Giám đốc điều hành Công ty Sconnect Việt Nam, đơn vị sản xuất series phim hoạt hình “Wolfoo”:
Chúng tôi còn nhiều cột mốc phải chinh phục

Với sự đa dạng công nghệ từ 2D, 3D cho đến Stopmotion, Sconnect được biết đến qua một số sản phẩm nổi bật, đặc biệt là trên nền tảng YouTube, như “WOA Luka”, “Clay Mixer”, “Wolfoo”... và đây là mảng cốt lõi của doanh nghiệp. Riêng với sản phẩm hoạt hình “Wolfoo”, chúng tôi vẫn tập trung cho 3 dòng sản phẩm chính: Những câu chuyện ngắn, vui nhộn, phục vụ cho nhu cầu hằng ngày của khán giả. Dòng sản phẩm thứ hai ở dạng series, có trả phí trên truyền hình. Dòng sản phẩm thứ 3 mang tính cao cấp, có thể dùng để chiếu rạp. Trong khoảng 3 năm nữa chúng tôi mới có thể ra mắt dòng sản phẩm thứ 3 này.

Từ những thành công bước đầu của mảng phim hoạt hình, chúng tôi còn đầu tư cho việc phát triển nguồn nhân lực. Trong năm 2021, chúng tôi đã thành lập Học viện đào tạo về phim hoạt hình để không chỉ cung cấp nhân lực cho Sconnect mà còn góp phần tạo nguồn lực chung cho mảng hoạt hình. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có game và các sản phẩm liên quan như khu vui chơi dành cho trẻ em. Nằm ở khu Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), đây là khu vui chơi đầu tiên dành cho trẻ em Việt Nam mà ở đó thế giới hoạt hình được đưa ra đời sống thực. Bước tiếp theo, từ phim hoạt hình, chúng tôi sẽ hướng tới những sản phẩm gần gũi với trẻ em như đồ dùng học tập, quần áo. Chắc chắn trong tương lai chúng tôi vẫn còn nhiều cột mốc phải chinh phục.

Tôi nghĩ rằng trong một tương lai không xa, chúng ta hoàn toàn có thể làm được cả dòng phim hoạt hình ngắn và phim hoạt hình dài, có thể chiếu rạp. Tuy nhiên, cần có lộ trình cụ thể. Nếu làm phim ngắn thì chúng ta sẽ loại bỏ được rủi ro, còn nếu làm sản phẩm dài mà không đạt chuẩn nhất định thì chắc chắn chúng ta sẽ phải gánh chịu rủi ro lớn. Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng rằng trong tiến trình phát triển, các doanh nghiệp làm phim hoạt hình sẽ có những sản phẩm phim dài dành cho truyền hình, sản phẩm dành cho chiếu rạp. Không phải một vài công ty đâu mà sẽ có nhiều hơn thế.

Đạo diễn Nguyễn Tiến Sơn - Đạo diễn phim "Thỏ bảy màu":
Cần chú trọng vào công tác nhân sự

Nói đến chuyện xây dựng hệ sinh thái cho phim hoạt hình Việt, tôi thấy hầu hết là công ty tư nhân bỏ vốn ra đầu tư, phần nhiều mang tính tự phát. Tiềm năng của dòng phim hoạt hình là rất lớn. Chúng ta có thể đầu tư ở hai mảng cơ bản: Xây dựng nhân vật hoạt hình - không chỉ xuất hiện trên phim mà có thể dùng cho phim quảng cáo, làm đại diện cho nhãn hàng; Phát triển dòng sản phẩm đi cùng như thời trang, phụ kiện mà thành công của Pokemon là một ví dụ điển hình. Đó cũng là cách hướng đến độc giả, khán giả trẻ - những người luôn có mong muốn sưu tầm, sở hữu hình ảnh, sản phẩm liên quan tới nhân vật hoạt hình nào đó cho riêng mình. Tất nhiên, không phải nhân vật hoạt hình nào cũng có thể phát triển theo hướng đó, mà phụ thuộc vào sự quan tâm của công chúng. Để làm được điều này, các studio cần có sự bài bản trong quy trình sản xuất, quy trình phát hành, kinh doanh.

Tuy vậy, ngoài hệ sinh thái nhân vật hoạt hình “Wolfoo” thì dường như chúng ta chưa có nhiều sản phẩm nổi bật tương tự. Có lẽ mọi người đang thiên về sản xuất nhiều hơn chứ chưa có một chiến lược kinh doanh đầy đủ cho những dự án của mình. Chúng tôi đang trong quá trình học hỏi để có thể làm được những công việc đó. Nguồn thu từ hệ sinh thái hoạt hình sẽ giúp các studio tạo ra nhiều sản phẩm sáng tạo hơn.

Là một đạo diễn trẻ, tôi luôn mong muốn khán giả trong nước sẽ đón nhận phim hoạt hình Việt với cái nhìn tích cực. Và đương nhiên, tôi cũng hy vọng series phim hoạt hình “Thỏ bảy màu” mà chúng tôi đang gọi vốn cộng đồng để sản xuất sẽ đến được với nhiều người. Tôi cũng hy vọng mọi người có lòng tin vào sự phát triển của công nghệ phim hoạt hình trong nước. Nhưng muốn làm được điều đó thì cần chú trọng vào công tác nhân sự. Lực lượng làm phim hoạt hình hiện nay chưa nhiều và đang gặp khó khăn ở khâu đào tạo. Giáo trình của các trường đại học chưa cập nhật những xu thế, thành tựu trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình của thế giới. Hiện nay, khi đã có những studio hoạt hình lớn thì nhiều bạn trẻ đam mê dòng phim này sẽ có cơ hội được tham gia. Đó là tín hiệu đáng mừng, nhưng tất cả mới ở giai đoạn khởi đầu mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ sinh thái mới cho hoạt hình Việt thời 4.0: Những viên gạch đầu cho hệ sinh thái hoạt hình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.