Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ lụy từ việc buông lỏng quản lý

Bài, ảnh: Duy Biên| 05/02/2015 06:27

(HNM) - Cánh đồng quất Tứ Liên nằm ven bãi sông Hồng thuộc địa phận phường Tứ Liên (Tây Hồ), lâu nay là nơi cung cấp quất cho Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực phía Bắc vào mỗi dịp Tết đến, xuân về. Thế nhưng, cánh đồng này đang dần bị thay thế bởi những công trình không phép…


Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, trên cánh đồng vốn để trồng quất trước đây của phường Tứ Liên, hàng chục ngôi nhà xây dựng không phép nằm san sát nhau; có những ngôi nhà còn được đánh số. Nếu có dịp qua đây, nhiều người thậm chí cho rằng khu vực này đã được quy hoạch là khu dân cư, chứ không phải là nơi trồng quất. Những công trình không phép được xây dựng dưới dạng nhà cấp 4. Không chỉ sinh sống, nhiều gia đình còn mở thêm dịch vụ kinh doanh, bán hàng tạp hóa, xưởng cơ khí và trông giữ xe. Không ít người còn rao bán đất. Người dân khu vực không khỏi bức xúc trước sự buông lỏng quản lý kéo dài của chính quyền địa phương.

Khu dân cư mới "mọc" trên đất nông nghiệp.



Trước tình trạng xây dựng vi phạm tràn lan trên cánh đồng quất, người dân địa phương đã làm đơn tố cáo đến nhiều cơ quan chức năng. Sau khi xác minh, điều tra, ngày 8-12-2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ đã ra thông báo kết luận giải quyết đơn tố cáo của người dân, trong đó khẳng định, những sai phạm trong quản lý đất đai trên địa bàn phường Tứ Liên. Cụ thể, thông báo chỉ rõ: "Đất nông nghiệp 5%, 10% với diện tích khoảng 11ha vi phạm chuyển đổi mục đích sử dụng; 1.621 hộ xây nhà trái phép. Đất công tại khu 3,5ha, khu bãi thải và khu đầm cụm 1, Tứ Liên diện tích khoảng 9ha, vi phạm lấn chiếm, chuyển nhượng, xây dựng trái phép. Việc vi phạm diễn ra trong thời gian dài, qua nhiều khóa chủ tịch. Đây là thực trạng vi phạm trong nhiều năm trên đất nông nghiệp, đất công mà không được quản lý, xử lý kiên quyết". Cũng tại bản thông báo này, cơ quan công an cũng kiến nghị lãnh đạo quận Tây Hồ chỉ đạo các cơ quan chức năng của quận có biện pháp lập lại trật tự trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng (TTXD) đô thị; xử lý cán bộ đã buông lỏng quản lý đất đai, TTXD đô thị trên địa bàn phường Tứ Liên.

Trong khi hàng loạt các công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp chưa bị xử lý dứt điểm, thì vừa qua người dân lại phản ánh, từ khi dự án nâng cấp đường trên địa bàn phường Tứ Liên được tiến hành, nhiều hộ dân đã nhân cơ hội đó xây lại nhà. Một trong những "điểm nóng" là dãy nhà hai bên ngõ 124 Âu Cơ hướng ra vùng bãi sông Hồng. Đây đều là những công trình không được cấp giấy phép xây dựng, nhưng đang gấp rút hoàn thiện. Được biết, phần lớn diện tích đất này vốn là đất nông nghiệp, người dân sinh sống cải tạo và xây dựng nhà từ nhiều năm qua. Người dân đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền sở tại nhưng chỉ nhận được sự im lặng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Liên cho biết, tình trạng lấn chiếm, xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp của phường do lịch sử để lại và đã kéo dài cả chục năm, qua mấy khóa lãnh đạo. Đối với một số trường hợp bị phản ánh đang xây dựng không phép, ông Hùng lý giải: Dự án nâng cấp ngõ 124 Âu Cơ thành đường chạy qua địa bàn phường Tứ Liên mở rộng sang hai bên ngõ nên các gia đình nằm trong vùng ảnh hưởng phải bàn giao mặt bằng. Do các công trình bị ảnh hưởng từ GPMB nên nhiều hộ dân đã xin phép được cải tạo, gia cố lại…

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, tại khu vực nêu trên, ngoài các công trình đang được sửa chữa, gia cố (như vị lãnh đạo này cho biết) thì cũng có không ít công trình đang xây dựng mới. Việc mua bán, xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp tại phường Tứ Liên trong những năm qua đã gây ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý của chính quyền địa phương. Dư luận cho rằng, nếu UBND phường Tứ Liên có biện pháp ngăn chặn và cương quyết xử lý, chắc chắn các công trình vi phạm không thể tồn tại, gây ra những hệ lụy phức tạp và có chiều hướng phát sinh vi phạm mới. Báo Hànộimới sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hệ lụy từ việc buông lỏng quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.