Sức khỏe

Hệ lụy “đắng” từ đồ uống có đường

Thu Trang 25/09/2023 - 08:49

Mức tiêu thụ đồ uống có đường đang tăng nhanh và được coi là yếu tố chính góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì ở nước ta. Điều đáng bàn là thừa cân, béo phì lại kéo theo nguy cơ gia tăng và trẻ hóa các bệnh không lây nhiễm như: Ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, đái tháo đường… Thực trạng trên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong.

Một bé trai 13 tuổi ở Hà Nội nặng tới 70kg được gia đình đưa đến khám tại một phòng khám tư. Kết quả xét nghiệm đường huyết của cậu bé được bác sĩ thông báo là có chỉ số cao gấp 3 lần bình thường khiến bố mẹ tá hỏa. Tiếp tục đến kiểm tra tại Bệnh viện Nội tiết trung ương, bé trai này được xác định mắc đái tháo đường type 2.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Khoa Nội tiết của bệnh viện cho biết, khác với tiểu đường type 1 ở trẻ thường do nguyên nhân tự miễn, tiểu đường type 2 liên quan nhiều đến chế độ ăn, uống. Như bệnh nhi nói trên rất thích ăn đồ nướng, rán, thích uống nước ngọt. Việc tiêu thụ “vô tội vạ” đồ uống có đường đang làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị, cả người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ. Cụ thể, giảm hơn nữa mức tiêu thụ các loại đường tự do xuống dưới 5% (25gram) mỗi ngày sẽ có lợi hơn cho sức khỏe. Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin, trên nhãn dinh dưỡng của một lon nước ngọt 330ml, nhà sản xuất công bố có 11gram đường/100ml, tương đương từ 33-40gram đường/lon nước. Như vậy, chỉ cần uống một lon nước ngọt mỗi ngày đã vượt ngưỡng tiêu thụ đường tự do có lợi cho sức khỏe.

Nhiều kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, một đứa trẻ mỗi ngày tiêu thụ hơn 1 phần nước ngọt làm tăng 0,24 chỉ số khối lượng cơ thể (BMI). Trẻ từ 2 đến 5 tuổi nếu thường xuyên uống nước ngọt thì nguy cơ béo phì tăng 43%. Một nghiên cứu khác tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 trên chế độ ăn của 224 học sinh từ 9 đến 11 tuổi chỉ ra rằng, chế độ ăn vặt nước ngọt và bim bim làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì gấp 5 lần so với trẻ tiêu thụ ít hơn. Không chỉ trẻ nhỏ, nước ngọt cũng làm tăng cân ở người lớn. Thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc nhiều bệnh như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ và ít nhất 13 loại bệnh ung thư.

Để kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường, WHO khuyến nghị, các quốc gia cần triển khai kết hợp 3 giải pháp, đó là áp thuế đối với đồ uống có đường; giáo dục truyền thông và hạn chế quảng cáo đồ uống có đường đối với trẻ em. Ông Mark Goodchild, chuyên gia chính sách tài chính y tế (WHO) cho rằng, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang chứng kiến gánh nặng y tế ngày càng gia tăng do các bệnh không lây nhiễm. Chính vì vậy, đây là thời điểm tốt nhất để áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường ở Việt Nam.

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Ngô Thị Hà Phương, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, khi thuế đánh vào các sản phẩm cụ thể có thể làm tăng chi phí tiếp thị của nhà sản xuất. Khi chi phí này tăng lên sẽ khiến giá thành của sản phẩm cũng tăng lên. Đối với mỗi mặt hàng, khi có mức giá cao sẽ kéo theo mức tiêu thụ bị giảm xuống. Nếu thuế đồ uống được đánh theo hàm lượng đường cũng có thể khuyến khích nhà sản xuất chuyển sang các chất lành mạnh hơn để ít bị đánh thuế.

Thay vì việc tiêu thụ đường tự do trong các loại đồ uống vốn không có lợi cho sức khỏe, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo mọi người nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường... Mặt khác, mọi người nên hạn chế cho thêm đường vào đồ uống hay món ăn và ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho trái cây sấy khô, đồ ăn vặt có đường…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hệ lụy “đắng” từ đồ uống có đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.