Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Hệ giá trị văn hóa Tết'' đáng tự hào

Xuân Anh| 15/01/2023 06:34

(HNNN) - Tết đến, Xuân về mang lại cho mỗi người một cảm xúc khác nhau. Người hoài niệm về Tết xưa, người háo hức với những điều mới lạ mà Tết hiện đại mang lại... Trước thềm năm mới, Hà Nội Ngày nay đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ về Tết xưa, Tết nay, để thêm một lần khẳng định, dù Tết theo thời gian có biến đổi về hình thức thế nào đi chăng nữa nhưng ý nghĩa mà Tết mang lại cho mỗi người vẫn không thay đổi.

- Thưa nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, theo ông, tại sao Tết lại được coi là một di sản văn hóa quan trọng?

- Tại Hàn Quốc, Tết Đoan Ngọ (Gangneung Danoje) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Gần đây, họ đang làm hồ sơ để công nhận Tết Trung thu (Chuseok) là Di sản văn hóa. Các cuộc tranh luận diễn ra. Những người theo tư duy suy nguyên, coi nguồn gốc hiện tượng là bản sắc và giá trị văn hóa một cộng đồng... thì phản đối gay gắt. Còn giới khoa học Hàn Quốc, với quan niệm nghiên cứu văn hóa hiện đại thì cho rằng, cội nguồn chỉ là yếu tố tham khảo, chính cộng đồng người ứng xử với hiện tượng văn hóa đó, ký tải vào đó đời sống tinh thần của mình, ý thức về tầm vóc của hiện tượng, tổ chức đa dạng các trình diễn... đã tạo nên bản sắc và hệ giá trị cho hiện tượng văn hóa đó. Họ chính là chủ nhân của thực thể văn hóa dù nó có cội nguồn khác đi.

Với Tết Nguyên đán ở Việt Nam, tôi tán đồng quan niệm đó. Với bản sắc và thực tiễn tồn tại, Tết Việt Nam đã là một “hệ giá trị văn hóa” đậm đà của quốc gia - dân tộc chúng ta, trường tồn hàng ngàn năm nay.

- Vậy, “hệ giá trị văn hóa Tết” bao gồm những gì, thưa ông?

- Một tập hợp giá trị tương quan với nhau thành hệ thống, vận hành trong thời gian và trình diễn lâu dài trong thực tế. Trong mối liên quan các giá trị với nhau, lực hướng nội, lực cố kết đủ mạnh tạo nên độ bền thời gian và giá trị nhân bản bao trùm... Đó là Tết. Giá trị đầu tiên là tinh thần bình đẳng. Ai cũng có Tết dù là già trẻ gái trai, nghề này nghiệp nọ, giàu nghèo sang hèn, kể cả những người tạm mất quyền công dân cũng có Tết, không ai tước đoạt được quyền đó của họ. Tết là cho tất cả mọi người dù là trong những thời kỳ khác nhau, hoàn cảnh khác nhau.

Giá trị thứ hai là đoàn viên cộng đồng (trên thực tế hoặc trong tâm tưởng). Tất cả mọi người hướng về gia đình, quê hương, quốc gia của mình. Ngày Tết là thời điểm người ta về hoặc hướng về sự đoàn tụ.

Giá trị tiếp theo là tinh thần “uống nước nhớ nguồn”. Sự tri ân tổ tiên, tâm thức hướng về cội nguồn, hướng đến truyền thống văn hóa chính là cảm hứng chủ đạo của Tết, tạo nên giá trị đạo đức bền vững của lòng yêu quê hương, đất nước, dân tộc.

Giá trị hướng mỹ và hướng thiện: Từ gia đình đến không gian công cộng, người ta sửa sang, trang trí, làm mới. Tết là thời điểm bùng nổ sắc màu, âm thanh, nghệ thuật. Đất trời như bừng lên sắc thái mới mẻ hòa cùng sắc xuân. Ở vùng đồng bào dân tộc Mường hội sắc bùa đi từng nhà hát chúc. Ở nông thôn ngoại thành các sân đình trình diễn tuồng chèo đón Tết, trong gia đình trang hoàng rực rỡ tranh Tết, câu đối Tết. Người ta thăm hỏi và chia sẻ đồng quà tấm bánh với tấm lòng thiện nguyện cho đồng loại khó khăn để ai cũng có Tết.

Giá trị hướng đến đạo đức và ứng xử tốt đẹp: Người ta kiêng làm những việc xấu, nói những điều không hay, ứng xử thiếu tử tế trong Tết vì họ cho rằng điều đó sẽ khiến cả năm “dông”, cuộc sống kém suôn sẻ. Giao tiếp xã hội đi vào chuẩn mực lễ nghĩa, tử tế, lịch lãm, sang trọng..., khác hẳn ngày thường. Trẻ em được dạy nói lời hay, làm việc tốt mà ngày xưa gọi là ứng xử lễ nghĩa.

Giá trị thôi thúc kỳ vọng tốt đẹp và những dự định tương lai: Trong dịp Tết, ai cũng nghĩ lại mình trong năm qua và suy tưởng về năm mới, chính điều đó tạo nên niềm vui sống và quyết tâm xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Giá trị quốc gia - dân tộc: Sự lan tỏa cái Tết cho nhiều tộc người trong cộng đồng quốc gia cũng là một động thái thống nhất dân tộc khi tất cả đều hướng đến một “tưởng tượng cộng đồng” chung, một hành động đón Tết chung. Trong sự tôn trọng bản sắc tộc người thì sự hòa kết ở một hình thức lễ hội văn hóa chung đã góp phần tạo nên quốc gia thống nhất trong trường kỳ lịch sử.

Giá trị phổ quát toàn dân so với các hình thức lễ hội tôn giáo hay tín ngưỡng khác làm cho văn hóa Tết rộng lớn hơn tất cả. Nó tích hợp tất cả những trình diễn truyền thống có thể có... Dù chưa đủ, nhưng với chừng đó đã cho ta thấy Tết trở thành một “hệ giá trị văn hóa” như thế nào.

Tết Việt Nam đã là một “hệ giá trị văn hóa” đậm đà của quốc gia - dân tộc chúng ta, trường tồn hàng ngàn năm nay. Ảnh: Nina May

- Bàn về những tục lệ cụ thể hơn như tục xông đất ngày Tết, theo ông thì tục lệ này có nguồn gốc như thế nào, và hiện nay biến đổi ra sao?

- “Xông đất” là đặt chân đến phần không gian của người khác. Ngày Tết là sự khởi đầu một chu trình năm mới, vì vậy, xông đất đã thành tục lệ. Để đem đến những kỳ vọng tốt đẹp, người ta thường chọn mời những người có tuổi, khỏe mạnh, gia đình an vui, hạnh phúc, có đạo đức tử tế đến nhà.

Sau này, mê tín theo tử vi, người ta kiêng những người có tuổi trong “tứ hành xung” (Dần - Thân - Tỵ - Hợi/ Thìn - Tuất - Sửu - Mùi/ Tý - Ngọ - Mão - Dậu). Đồng thời, họ cũng kiêng những người mà tử vi rơi vào năm xung tháng hạn. Sự mê tín này làm cho quan hệ giữa con người với con người trở nên e dè, trái với giá trị cơ bản của Tết. Người ta ngại đến nhà nhau vì... nhỡ ra trong năm có việc gì thì phải “mang vốn”. Thành ra, ngày mùng một Tết, ai ở nhà ấy hoặc người ta đi chùa, không đến nhà nhau. Thật buồn!

- Còn một tục lệ nữa xuất hiện từ rất lâu và vẫn tồn tại đến ngày hôm nay, đó là tục lì xì. Quan điểm của ông về tục lệ này?

- Tục lì xì có nhiều cách gọi như “phát vốn”, “mở hàng”, “mừng tuổi”, “lì xì”. “Lì xì” là tiếng Quảng Đông, thường dùng trong Nam Bộ, sau năm 1975 mới phổ biến cả nước. Từ Hán Việt phát âm là “lợi thị” với nghĩa là tiền lãi từ việc buôn may bán đắt mà có. Vì “lộc bất hưởng tận” nên ngày đầu năm người ta tặng những người khác để cùng vui và hy vọng vào việc làm ăn của chính mình. Hệ lụy cơ bản là sự biến thái của tục này thành hành vi hối lộ. Còn hệ lụy khó xử khi trẻ em so sánh người này với người nọ thì chả nên để tâm, trẻ con thời nào chả vậy. Không nên coi đó là hệ lụy. Cười cho vui thôi.

- Có những ý kiến đề nghị bỏ Tết Nguyên đán, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Mỗi người có quyền đề xuất quan niệm của mình. Nói chung, số ý kiến đó không nhiều. Họ lập luận với hai lý do: Thứ nhất, là lãng phí và tốn kém về mặt kinh tế; thứ hai là có những nước như Nhật Bản đã bỏ nó hơn một thế kỷ nay và họ rất phát triển.

Tuy nhiên, về điều thứ hai, hiện nay ở Nhật Bản, số lượng người mong muốn tái lập Lễ Tết âm lịch rất đông đảo. Tại sao vậy? Bởi phát triển kinh tế và cảm nhận hạnh phúc là hai điều khác nhau. Sự phát triển là nền tảng của hạnh phúc nhưng nó cũng có thể mang đến nỗi bất hạnh khi hiện thực và sự kỳ vọng không phải lúc nào cũng song hành.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Hệ giá trị văn hóa Tết'' đáng tự hào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.