(HNMO) - Chiều nay (2/8), các đại biểu HĐND TP Hà Nội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với 2 nhóm vấn đề về quản lý đô thị và an sinh xã hội.
17:12 02/08/2016
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, với tinh thần thẳng thắn, quyết liệt, cầu thị, phiên chất vấn đã hoàn thành nội dung đặt ra, chất lượng và hiệu quả.
HĐND TP hoan nghênh UBND TP đã nghiêm túc triển khai và chỉ đạo thực hiện 17 nội dung mà Chủ toạ đã kết luận tại Kỳ họp thứ 14. Nhiều nội dung bước đầu đã đạt kết quả, có chuyển biến rõ nét, nhưng cũng có những việc chuyển biến chưa cao.
Phiên chất vấn hôm nay có sự tham gia của 100% thành viên UBND TP, giám đốc các sở, ban, ngành. Đây là lần đầu tiên, phần trả lời chất vấn có số lượng thành viên UB tham gia nhiều nhất, với 9 giám đốc sở, ngành, 3 Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND TP trực tiếp phát biểu, làm rõ thêm các vấn đề được nhiều cử tri quan tâm.
Phần trả lời của các Phó Chủ tịch UBND TP, giám đốc các sở, ngành và ý kiến của Chủ tịch UBND TP đã thể hiện sự thẳng thắn, sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình trong công tác điều hành, thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây cũng là điểm mới trong hoạt động chất vấn.
Chủ tịch HĐND TP kỳ vọng vào sự thẳng thắn, nhận trách nhiệm của tập thể UBND TP sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác điều hành của UBND TP thời gian tới.
Hoan nghênh ý thức trách nhiệm của các đại biểu HĐND, Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tại phiên chất vấn đầu tiên của HĐND TP nhiệm kỳ mới, các đại biểu đã tích cực tham gia, mang tiếng nói của cử tri tới HĐND. 37 ý kiến chất vấn đều chất lượng, đúng trọng tâm, có nghiên cứu sâu sắc về vấn đề đặt ra.
Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND tiếp thu và phân công trách nhiệm rõ từng ngành, từng cấp, đề rõ tiến độ, đảm bảo nguồn lực, thời gian cụ thể trong thực hiện các lời hứa tại phiên chất vấn hôm nay.
17:00 02/08/2016
Dư luận đặt câu hỏi liệu cảnh sát PCCC có sân sau không?
Nêu vấn đề về tồn tại trong công tác PCCC, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, trước tiên trách nhiệm thuộc về UBND TP. Để xảy ra cháy tại các tòa nhà, trách nhiệm liên đới là của quản lý tòa nhà, của chủ đầu tư và cảnh sát PCCC.
"Hà Nội luôn mong muốn các DN đầu tư trên địa bàn TP, nhưng chỉ khuyến khích các đơn vị làm ăn chân chính, còn những DN vi phạm thì sẽ bị xử lý. Ví dụ như tập đoàn Mường Thanh, 15 công trình không đạt điều kiện PCCC thì không thể chấp nhận được", đồng chí Nguyễn Đức Chung nói. "Dư luận đặt câu hỏi liệu cảnh sát PCCC có sân sau không? Tôi yêu cầu lãnh đạo cảnh sát PCCC kiểm tra thông tin này".
Đối với dự án 8B Lê Trực, đồng chí Nguyễn Đức Chung khẳng định, TP sẽ thực hiện nghiêm túc việc cưỡng chế. Công tác cưỡng chế có chậm lại do TP cần đảm bảo an ninh cho nhiều sự kiện quan trọng.
16:56 02/08/2016
Liên quan đến quy hoạch và quản lý quy hoạch, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, quan điểm của TP là quản lý nghiêm túc và chặt chẽ. Khi được sự đồng ý của Chính phủ, TP đã ban hành quy trình quản lý nội đô. Tuy nhiên, trong quá trình thực tiễn, có trường hợp các doanh nghiệp quy hoạch cách đây 5-10 năm nhưng vẫn có yêu cầu theo quy hoạch phân khu mới.
Về điều chỉnh quy hoạch sông Hồng - sông Thái Bình, đoạn sông Hồng qua nội đô sẽ được quy hoạch để tạo sự kết nối, cải tạo điều kiện sống (điện, đường, trường, trạm) cho 800 ngàn dân sinh sống tại khu vực ven sông.
Với công trình của Tân Hoàng Minh, theo Chủ tịch UBND TP, khu vực này sẽ được chuyển đổi thành khách sạn 5 sao chứ không phải chung cư. "Cá nhân tôi rất khuyến khích việc này bởi thành phố đang thiếu khoảng trên 20 ngàn phòng nghỉ khách sạn. Đây cũng là một trong những yếu tố cơ bản để biến du lịch thành ngành công nghiệp mũi nhọn", đồng chí Nguyễn Đức Chung nói.
16:52 02/08/2016
Liên quan đến vấn đề khởi nghiệp, Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung chia sẻ: Hà Nội hiện có 120.000 DN đang hoạt động, 76.000 DN không hoạt động. 5 năm tới với mục tiêu xây dựng 200.000 DN thì sẽ phát triển ở đâu?
Thường trực Thành uỷ đang đặt hàng Viện Kinh tế, xây dựng mô hình "vườn ươm DN". UBND TP cũng đang nghiên cứu xây dựng nhiều mô hình trên tinh thần kế thừa những gì tốt đẹp trên thế giới nhưng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
TP đang bàn trên tinh thần làm quyết liệt, tạo điều kiện cho DN, cho thanh niên sau tốt nghiệp ĐH có điều kiện thành lập và hoạt động DN.
Hiện TP có 130.000 hộ kinh doanh cá thể và 3.000 hợp tác xã. Nếu họ được hỗ trợ về dịch vụ, đào tạo, về vốn, kỹ thuật và điều kiện kinh doanh thì sẽ trở thành các DN. Chỉ cần 50% trong số này thành công thì Hà Nội sẽ có 70.000 DN.
TP đã kết nối tất cả các ngân hàng, thực hiện cam kết hỗ trợ cho DN; thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, đầu tư cho các ý tưởng mới. Các chương trình thực hiện phải bảo đảm chắc chắn nên TP đang nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra mô hình thực sự hiệu quả. Vì thực tế cho thấy, 100 người vào trung tâm khởi nghiệp chỉ có 5 người khởi nghiệp thành công.
16:47 02/08/2016
Vấn đề cải tạo chung cư cũ, đã được chính phủ yêu cầu 18 năm nay. Hiện Hà Nội có tổng cộng 1.697 chung cư cũ, trong đó, hơn 200 chung cư của các bộ, ban, ngành đã được bán cho người dân.
Trong 15 năm qua, chúng ta mới cải tạo được 14 tòa chung cư, chiếm chưa tới 1%. Hiện UBND TP đang triển khai công tác cải tạo chung cư theo tinh thần hài hòa lợi ích Nhà nước, DN và người dân. Việc cải tạo, quy hoạch phải theo cả khu nhà chứ không chỉ từng tòa nhà riêng lẻ. Vì thế, TP cũng kêu gọi các nhà đầu tư lớn, đầu tư cả khu để giải quyết bài toán kinh tế.
Bên cạnh đó, TP sẽ xây dựng cơ chế đặc thù để tính tuổi các khu chung cư. "Lãnh đạo TP thực sự rất “run” khi người dân ở trong các khu chung cư cũ nát, nhỡ trong trường hợp xảy ra thiên tai, địch họa thì hậu quả rất khó lường. Chúng ta không lấy tiêu chí mức độ nguy hiểm của tòa nhà mà cần tính tuổi của tòa nhà, tính đến “hạn sử dụng” của chung cư. Đồng thời, cần tham khảo ý kiến các chuyên gia trong công tác cải tạo các khu chung cư cũ nhằm tạo diện mạo mới cho đô thị Hà Nội", Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nói.
16:44 02/08/2016
Vấn đề thứ 6 liên quan đến việc thực hiện vệ sinh ATTP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết 3 việc cơ bản trong 6 tháng đầu năm là quy hoạch ban chỉ đạo, quy việc quản lý về một mối và thực hiện giải pháp đồng bộ.
Tất cả các hoạt động đảm bảo vệ sinh ATTP đều được thực hiện trên tinh thần kiểm soát toàn bộ xuất xứ của thực phẩm lưu thông trên thị trường, kiểm soát được chất lượng và nâng cao ý thức, đạo đức, trình độ kỹ thuật của người chăn nuôi và chế biến thực phẩm. Thành phố cũng sẽ trang bị hệ thống kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm và triển khai đồng bộ.
Vấn đề thứ 7, xung quanh việc doanh nghiệp nợ đọng thuế, Chủ tịch UBND TP cho biết, giữa cục thuế và CATP đã có sự phối hợp vào cuộc xác định số nợ, sử dụng biện pháp hành chính để thu hồi. Chỉ khi nào cưỡng chế không được mới chuyển sang CATP xử lý, tránh việc hình sự hóa vấn đề hành chính kinh tế. Đề nghị CATP kiểm soát chặt chẽ các vụ việc trốn thuế, nợ thuế nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện phát triển và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.
Với những doanh nghiệp nợ đọng và phá sản trên 10 năm nay, đề nghị Chính phủ cắt nợ đọng, giãn hẳn khoản thu này và tìm biện pháp khác.
16:37 02/08/2016
Vấn đề phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế
TP kêu gọi xã hội hoá, tháng 11 tới sẽ khánh thành Trung tâm công nghệ cao tại BV Đa khoa SaintPaul là nơi kết hợp "4 trong 1": Đào tạo cho các bác sĩ tại Hà Nội; khám chữa bệnh; tiếp nhận chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế. Theo lộ trình hiện nay, TP đã cử nhiều bác sĩ đi học tại Đài Loan và Pháp để cuối tháng 11 khánh thành Trung tâm này.
TP cũng đã cải tạo một số BV lớn như BV Đa khoa Đức Giang; tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sĩ, y tá, hộ lý và trình độ quản lý của lãnh đạo các BV; tổ chức hợp tác quốc tế với nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học tại châu Âu, tại một số BV lớn tại Pháp và trong khu vực
Với 5 việc mà TP sẽ thực hiện đồng bộ theo sự chỉ đạo của Thành uỷ, những năm tới, chất lượng sống của người dân sẽ được nâng lên từ môi trường đến khám chữa bệnh.
16:35 02/08/2016
Về vấn đề cung cấp nước sạch nông thôn,đồng chí Nguyễn Đức Chungnhấn mạnh:
Toàn bộ dự án liên quan tới vốn ODA, dự án 40.000 bể nước lọc cho người dân nông thôn trong những năm qua chưa hiệu quả, trước tiên đây là trách nhiệm của UBND TP. Tập thể ban thường trực cũng như cá nhân tôi, cá nhân các đồng chí chủ tịch UBND các quận, huyện đều luôn lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Hiện nay thành phố đang hợp tác với đối tác nước ngoài và tiến hành thí điểm tại các hộ gia đình ở Phú Xuyên. Chỉ trong một ngày đã lắp đặt công nghệ Nano cho 60 hộ, nước sạch có thể uống ngay tại vòi. Tất cả các mẫu nước đã được gửi phân tích.
Cuối tháng 8 chúng tôi sẽ triển khai đại trà mô hình này. Tại Hoài Đức, Quốc Oai, với công nghệ mới của Đức, chỉ cần 6-7 triệu đồng/hộ là đã có nước sạch. Còn các dự án của ADB trong những năm qua thì tốn tới 46 triệu đồng/hộ, nhưng với dự án này thì chi phí rất thấp, đảm bảo nước sạch.
Sở NN&PTNT sẽ chấm dứt toàn bộ các dự án đã thực hiện trong những năm qua và bàn giao lại cho công ty nước sạch. Thành phố đang quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới cấp nước cho người dân, lắp đặt mạch vòng và mạch song song để tránh tình trạng vỡ đường ống và đảm bảo cấp nước cho người dân trong mọi tình huống. Trước mắt thực hiện 3 mô hình: Tận dụng giếng nước người dân đang dùng, tận dụng mô hình cấp nước cho nhóm hộ và đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực cấp nước sạch. Về nguồn nước, phấn đấu đến năm 2020 sẽ không sử dụng nước giếng khoan mà dùng nước mặt sông Đà.
Về vấn đề nước sạch ở Sóc Sơn, TP đã gặp 15 doanh nghiệp (DN) tư nhân muốn đầu tư. TP sẽ hỗ trợ các DN về mặt công nghệ, công nghệ đã đặt hàng Đức. TP sẽ đảm bảo cung cấp nguồn vốn cho DN qua ngân hàng, kết nối với công ty nhựa Tiền Phong để lắp đường ống, mạng lưới phân phối nước. TP sẽ hỗ trợ thủ tục để đẩy nhanh tiến độ các dự án, sẵn sàng tạo điều kiện cho các DN theo cơ chế vừa thiết kế vừa thi công. Nhiều DN cam kết đến quý 4 sẽ cung cấp 100.000 m3 nước/ngày đêm cho các địa phương như: Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai, Phú Xuyên...
16:32 02/08/2016
Vấn đề thứ 3, liên quan tới chương trình nâng cao chất lượng, môi trường sống của người dân Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết:
Thứ nhất, đó là chương trình trồng mới và cải tạo cây xanh thành phố: Trong 5 năm thành phố đã trồng mới hơn 6 ngàn cây trên các tuyến đường và khu đô thị, nhưng không thông qua về mặt chất lượng nên đã bộc lộ nhiều yếu điểm sau cơn bão số 1 vừa qua. Theo chương trình mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh của Thành ủy, thành phố đã tái cơ cấu công ty Công viên Cây xanh từ 21 xí nghiệp xuống 6 xí nghiệp. Công ty đã cử nhân viên đi học nước ngoài, mời chuyên gia và áp dụng công nghệ nước ngoài như tạo giống, tạo hoa, cắt tỉa. Vừa qua, những khu vực cắt tỉa tốt đều ít bị ảnh hưởng bởi bão số 1. Mặc dù đã lường trước nhưng tốc độ cắt tỉa không thể kịp ứng phó bởi việc này chỉ được tiến hành khi có mưa bão hoặc đề nghị của người dân, CSGT hoặc chính quyền địa phương
Thứ hai, việc cơ giới hóa thu gom và vận chuyển rác thải: Cho đến nay, kết quả thí điểm đưa 10 xe hút rác tự động nhập từ Đức (một ngày đi được 54 km/xe) tỏ ra khá khả quan và tiến tới sẽ cơ giới hóa toàn bộ hệ thống. Ngoài ra, các thùng rác đặt tại nơi công cộng sẽ được tăng cường. Khâu xử lý rác cũng được chú trọng hơn.
Thứ ba, TP đang triển khai xã hội hóa 1.000 nhà vệ sinh trên địa bàn trong 8 tháng nữa. Tuy nhiên, TP cũng đang xem xét việc dán quảng cáo tại các địa điểm này có ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị hay không.
Về vấn đề xử lý nước thải, TP sẽ xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại các khu làng nghề Cát Quế, Minh Khai, Dương Liễu. Trong đó, tháng 10, TP sẽ khởi công 2 nhà máy xử lý nước thải lớn theo công nghệ và vốn ODA. Khi hoàn thành vào cuối năm 2017, toàn bộ nước thải sinh hoạt tại các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân sẽ được xử lý. Với các dự án ao hồ, từ đầu năm, TP đã đặt hàng các công ty nước ngoài. Trong quý IV, TP đặt chỉ tiêu cơ bản sẽ xử lý xong nước thải tại các khu ao hồ ở 2 khu rác thải lớn nhất của TP.
16:16 02/08/2016
Vấn đề thứ hai: Cải cách hành chính
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, UBND TP thực hiện nghêm túc chỉ đạo của TƯ, Chính phủ và Thường trực Thành uỷ về cải cách hành chính. Trong 6 tháng đầu năm, đã xây dựng xong chương trình liên quan đến CCHC, lấy công nghệ thông tin là công cụ chính để thực hiện và rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính.
Công tác kiện toàn bộ máy thực hiện theo đúng nguyên tắc, đúng chỉ đạo của TƯ, Chính phủ và Thành uỷ, bảo đảm yêu cầu ổn định, không ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Đến nay đã sắp xếp được 10 sở, giảm 21 các phòng, 24 đơn vị sự nghiệp công lập và giảm 21 trưởng phòng, 63 phó phòng. Tiếp theo sẽ sắp xếp 12 sở còn lại và 70 ban quản lý dự án của UBND TP. Đến tháng 10/2016, khi toàn bộ việc sắp xếp hoàn thành sẽ giảm 37 phòng, 18 trưởng phòng, 83 phó trưởng phòng ở 34 đơn vị sự nghiệp và 35 ban quản lý dự án. Quá trình sắp xếp phải làm thận trọng, tỉ mỉ, hài hoà giữa lợi ích nhà nước, lợi ích người lao động và tính chất công việc để không gây xáo trộn.
Song hành với sắp xếp sở, ban, ngành, việc triển khai chương trình CNTT thực hiện theo đúng sự phê duyệt của HĐND TP tại kỳ họp vào tháng 12/2015. Cho đến nay, có 19 nội dung công việc được tiến hành hoàn toàn trên môi trường mạng. Mới đây nhất, TP tiến hành toàn bộ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại quận Nam Từ Liêm và Long Biên. Vào ngày 10/8 tới sẽ triển khai tại 144 phường còn lại của các quận và ngày 1/10 triển khai tất cả các phường còn lại. TP đưa ra 3 lộ trình để phù hợp với việc đào tạo lại cán bộ công chức các phường và tích hợp phần mềm của TP với các bộ, ban ngành TƯ, bảo đảm liên thông về mặt thủ tục và cơ sở dữ liệu.
Chủ tịch UBND TP khẳng định vào cuối năm 2016 chắc chắn sẽ thực hiện vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết 363 của Chính phủ đặt ra, cũng như chỉ đạo của Thành uỷ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.