(HNM) - Kỳ họp thường kỳ giữa năm 2021 của HĐND thành phố Hà Nội dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7. Hiện nay, Thường trực, các ban HĐND thành phố đang phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị tốt các nội dung, chú trọng đến xây dựng dự thảo các nghị quyết chuyên đề làm cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Dự kiến xem xét 35 nội dung
Hội nghị liên tịch giữa Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội diễn ra cuối tháng 5-2021 đã dự kiến nội dung kỳ họp thứ 2 HĐND thành phố khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 35 nội dung, trong đó có 28 nội dung do UBND thành phố đề xuất. Đáng lưu ý, UBND thành phố sẽ trình các nghị quyết liên quan đến giáo dục như: Quy định về cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án Chương trình sữa học đường cải thiện tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2022 (Chương trình sữa học đường); quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố Hà Nội năm học 2021-2022; quy định mức hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của thành phố...
Ngoài ra, HĐND thành phố còn dự kiến xem xét ban hành nghị quyết về việc cho phép các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn xây dựng nông thôn mới; điều chỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách quận, thị xã, phường khi áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị; quy định đối tượng và mức chuẩn trợ cấp xã hội của thành phố…
Bà Hoàng Thúy Hằng (phường Cống Vị, quận Ba Đình) chia sẻ, Chương trình sữa học đường được thành phố Hà Nội triển khai vài năm gần đây thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh. Mặc dù tỷ lệ học sinh đăng ký tham gia cao, nhưng cũng còn nhiều ý kiến khác nhau trong xã hội. Bên cạnh việc HĐND thành phố xem xét cơ chế hỗ trợ, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, để chuẩn bị tốt cho kỳ họp, UBND thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch để báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đối với những nội dung thuộc thẩm quyền; phân công và chỉ đạo chuẩn bị các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Trong đó, UBND thành phố sẽ bảo đảm thời gian gửi tài liệu chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp để các ban HĐND thành phố thẩm tra và gửi đến đại biểu HĐND thành phố. Ngoài ra, UBND thành phố cũng phân công lãnh đạo các sở, ngành tham dự các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp giữa năm 2021...
Tổ chức phản biện kỹ trước khi trình xem xét
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà thông tin, Thường trực HĐND thành phố sẽ sớm báo cáo, xin ý kiến Thường trực Thành ủy về nội dung kỳ họp giữa năm 2021; chỉ đạo chuẩn bị các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết thuộc trách nhiệm của Thường trực HĐND thành phố. Ngoài ra, sẽ có hướng dẫn nội dung và gửi tài liệu để đại biểu HĐND thành phố tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp tại các đơn vị bầu cử.
“Ngoài phân công các ban HĐND thành phố phối hợp với UBND thành phố và các sở, ngành trong quá trình chuẩn bị nội dung trình kỳ họp; tổ chức thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ, Thường trực HĐND thành phố còn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát, tiếp xúc cử tri chuyên đề đối với những vấn đề nhân dân quan tâm”, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, kỳ họp giữa năm 2021 có nhiều nội dung quan trọng nên một số nội dung sẽ được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức phản biện xã hội trước khi UBND thành phố trình HĐND thành phố tại kỳ họp. Đó là việc điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19; một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; quy định đối tượng và mức chuẩn trợ cấp xã hội; đề án nghiên cứu, xây dựng khung cơ chế chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô.
Với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, kỳ họp giữa năm 2021 được kỳ vọng sẽ tạo động lực để thành phố Hà Nội hoàn thành 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021, tạo tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.