(HNM) - Tiểu thuyết thứ 7 của nhà văn Nguyễn Văn Toại có tên
Thông qua cuộc đời lận đận, cổ cày, vai bừa của những người nông dân vừa cuốc xới trên nương vừa cày bừa ruộng rọc, tác giả dựng lại bức tranh sinh hoạt, lối sống, phong tục tập quán của một vùng quê Việt, nơi tiếp nối giữa đồng bằng và miền núi phía bắc trước năm 1945 với nhiều chi tiết chọn lọc, những mẩu chuyện cảm động, có sức sống riêng, không dễ lẫn.
Bủ Xã Đạt, ông đồ làng và là ông nội của tác giả gần như cả một đời chăm lo quản lý cái cơ ngơi nhà đồi khép kín, nhưng cuộc sống với những biến động tự nhiên của nó đã len lỏi, phá vỡ dần nếp sinh hoạt cũng như gia phong của nhà bủ tự lúc nào mà chính bủ cũng không hay. Cái gọi là nền kinh tế tự cung, tự cấp đang mất đi lý do để tồn tại. Nhà buôn xa gần tìm đến mua mủ sơn, dầu trẩu, dầu sở, chè lá... Phiên chợ quê chỉ quen chấp nhận mấy củ sắn, cái chổi cọ, trái sim chín, bánh nẳng, gánh củi, cái áo tứ thân, váy lĩnh... nay đã có thêm chiếc gương nhãn hiệu "Hoa hồng", lọ nước hoa, cái áo sơ mi, chiếc mũ cát đánh phấn trắng... Cái đầu bảo thủ của người nhà quê được mở ra thông thoáng hơn. Gia đình lớn ấy, bếp ăn mang tính công xã một thời ấy đã đến lúc phải bóc tách ra. Thân ai nấy lo. Khi ấy, ruộng, vườn chia vụn theo ngôi thứ. Chữ Nho dần được thay thế bởi chữ quốc ngữ. Người con trai cả đậu "diplôm" trường Tây đã mang lại cho gia đình bủ Đạt một bầu không khí khác hẳn so với trước. Và, không gian ấy cứ trải ra trước mắt người đọc thật sinh động, phảng phất luyến lưu.
Nổi lên trên cái nền trung du muôn thuở là thân phận con người. Bằng chính mồ hôi, nước mắt của mình, họ không chỉ làm ra hạt thóc mà còn góp phần làm đẹp thêm gương mặt một làng văn hiến giàu nhân nghĩa và truyền thống hiếu học. Đó là Dưỡng, gần hết thời trai tráng đi ở cho nhà người, miếng ngon chưa kịp đến miệng nhưng lại sẵn lòng giành việc khó, việc nguy hiểm và ra tay cứu mạng kẻ đã đánh đập mình một dạo. Là cố nông Thiệp, thật thà như đếm, không nỡ hại người để mưu lợi riêng. Là đồng Nhung bị lôi kéo làm việc xấu nhưng đã kịp tỉnh ngộ... Những mảnh đời thoảng qua của các liệt sĩ Nguyễn Đinh Tuyển, Nguyễn Ngô Chi, Đặng Văn Duyệt... đã để lại trong lòng người đọc xúc cảm tin yêu và khôn nguôi thương nhớ. Trong tiểu thuyết tư liệu mang tính tự truyện này còn có thể lẩy ra hàng loạt mẩu chuyện nhớ đời về tình cảm ông cháu, mẹ con, vợ chồng, anh em, đồng đội, láng giềng tối lửa tắt đèn với không ít tình tiết lạ lẫm, dễ làm bạn đọc bị bất ngờ.
"Vầng trăng mặt sáng" thêm một ví dụ nữa về nhân cách và tình cảm của Nguyễn Văn Toại với quê hương thân yêu của mình. Nhà văn vẫn trung thành với lối viết truyền thống, khéo chắp nối các mảng sự kiện, tư liệu, tạo nên kết cấu truyện giản dị, văn phong khoáng đạt. Mỗi nhân vật đều có tính cách khó quên. Như cuộc đời con người, vầng trăng bao giờ cũng có mặt sáng và mặt tối theo quy luật tự nhiên. Hãy biết nhìn mặt sáng, mặt đẹp nhất của nó. Đó chính là ý tưởng sâu xa mà tác giả cuốn sách này muốn chuyển tới bạn đọc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.