(HNM) - Nhạc sĩ Mạnh Chiến (hội viên Hội VHNT Hà Tĩnh, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam) là một trong 3 nhạc sĩ vinh dự được nhận giải thưởng trong Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí viết về chủ đề
Ca khúc "Bác Hồ" với âm hưởng dân gian, hiện đại của Mạnh Chiến đã mang đến cho người nghe một cảm nhận thật gần gũi về Bác: "Bác Hồ giản dị vậy thôi. Người như hạt nắng, hạt mưa trên đời…"
Hànộimới đã trò chuyện với nhạc sĩ Mạnh Chiến nhân dịp ông nhận giải.
- Thưa ông, Bác Hồ đã trở thành cảm hứng sáng tác cho biết bao nhạc sĩ. Nhiều tác phẩm của họ đã vượt qua năm tháng, ở lại trong lòng người nghe. Ca khúc "Bác Hồ" của ông có điều gì mới mẻ?
- Quả thực đã có không ít tác phẩm âm nhạc lấy cảm hứng từ hình tượng Hồ Chí Minh hết sức thành công, đi vào lòng công chúng. Song tôi nghĩ ở Bác Hồ vẫn có những góc tiếp cận mới. Và viết về Bác từ điểm nhìn sau thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI này cũng nên đi sâu vào những nét mới. Bên cạnh việc ngợi ca tầm vóc trí tuệ, những cống hiến lớn lao của Người, Hồ Chí Minh cũng cần được nói đến như một công dân tiêu biểu, một con người giản dị với tấm lòng yêu tự do, yêu đất nước cháy bỏng. Qua tác phẩm này, tôi mong muốn chúng ta hãy nghĩ về Bác như một công dân Việt Nam thật gần gũi, giản dị. "Bác Hồ giản dị vậy thôi. Người như hạt nắng, hạt mưa trên đời. Người ra chiến trận cùng hát quân ca. Vượt dốc phong ba, lội suối, áo choàng vai"…
- Thưa nhạc sĩ, từ khi sáng tác cho tới khi nhận giải, ca khúc "Bác Hồ" đã được biểu diễn ở đâu và phản hồi của người nghe ra sao?
- Tôi viết ca khúc "Bác Hồ" đầu năm 2010, trong chương trình của tỉnh Hà Tĩnh hưởng ứng cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí viết về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ngay sau khi sáng tác, ca khúc đã được phổ biến trên sóng Đài Truyền hình tỉnh Hà Tĩnh, Đài Tiếng nói Việt Nam và được giới thiệu trên một số phương tiện thông tin đại chúng… Những chia sẻ của đồng nghiệp và người nghe đối với ca khúc "Bác Hồ" đều có điểm chung là tác phẩm tiếp cận với hình ảnh Bác khá gần gũi, khai thác được rõ nét yếu tố đời thường, giản dị của Bác: "Em thơ cất lên hai tiếng Bác Hồ, hồn nhiên như mơ tìm được già tiên. Ông cha ru tôi Bác Hồ chỉ lối. Ruộng đồng sáng lên, cơm gạo ấm no về…". Âm hưởng dân gian, hiện đại trong tác phẩm cũng ít nhiều tạo được cảm hứng cho người nghe.
- Đối với tác phẩm VHNT, từ giải thưởng cho đến đời sống là cả một hành trình dài. Ông có mong muốn gì trong việc phổ biến ca khúc "Bác Hồ" của mình?
- Tổ chức các cuộc thi và trao giải thưởng để khuyến khích sáng tạo, tìm kiếm tác phẩm tốt là rất quan trọng. Song tác phẩm VHNT cần có một đời sống riêng, mạnh mẽ bên cạnh giải thưởng. Đặc biệt, âm nhạc muốn có tác dụng thì phải được cất lên, phải cần có thời gian để thẩm thấu, lan tỏa trong đời sống. Tôi đánh giá rất cao yếu tố "quảng bá" trong cuộc vận động trên. Song quả thực, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc giới thiệu, phổ biến, quảng bá các tác phẩm VHNT chất lượng tốt. Không riêng gì ca khúc "Bác Hồ" mà với nhiều tác phẩm VHNT khác, tôi và các văn nghệ sĩ đều có chung mong mỏi "những đứa con tinh thần" của mình sẽ đến được với công chúng dưới nhiều hình thức phong phú hơn nữa: từ thu thanh, phát sóng, đăng tải đến in đĩa CD, tham gia các chương trình triển lãm, biểu diễn…
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.