Sách

Hãy nghe con nói

Trần Duy Thành 17/11/2024 - 19:10

Khi thu thập ý kiến của các vị phụ huynh về những vấn đề họ quan tâm, Trần Du (một tác giả người Trung Quốc) phát hiện ra các vấn đề hầu như đều xoay quanh những lỗi lầm, sự bất trị, ngang bướng của con cái... được thể hiện qua những câu chữ đầy luống cuống, pha lẫn than vãn, lo âu, thậm chí cả tuyệt vọng của bậc cha mẹ.

nghe-con.jpg

Họ đưa ra vô số câu hỏi, nhiều nhất vẫn là: “Phải làm thế nào?”. Trong khi, Trần Du lại thấy không đồng tình với sự “lên án” của phụ huynh đối với con trẻ. Anh tự hỏi, nếu cho đám trẻ cơ hội được nói ra, chúng sẽ giải thích cho những “lỗi lầm”, “sự bất trị” hay “ngang bướng”... của mình như thế nào?

Vậy nên, Trần Du đã mở ra tọa đàm “Hãy nghe con nói” để chủ động kết nối và đối thoại với trẻ, và tọa đàm này được ví như “hốc cây” - nơi bọn trẻ thổ lộ tâm sự. Về sau, Trần Du đã dày công chắt lọc nội dung chính từ tọa đàm đó để viết nên một cuốn sách cùng tên. Và thương hiệu sách Shinebooks đã giới thiệu tới độc giả Việt Nam qua bản dịch “Hãy nghe con nói” của dịch giả Tử Khâm do NXB Dân Trí ấn hành.

“Hãy nghe con nói” là khi thế hệ trẻ được lên tiếng, khi người lớn nghe được tiếng nói của trẻ, đó chính là khởi đầu của việc tôn trọng và thi hành mục tiêu giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Đọc “Hãy nghe con nói” sẽ thấy trẻ ở mọi độ tuổi: Có em đạt thành tích tốt, có em gặp khó khăn trong học tập, có em là cán bộ lớp lại có em là “chúa nghịch ngợm”, có em mắc chứng lo âu, trầm cảm, có em nghỉ học từ sớm... Danh sách còn dài, đa dạng làm nên những cuộc đối thoại với trẻ cũng liên quan đến nhiều phương diện về nền giáo dục trong nhà trường, gia đình và xã hội. Những trang sách có thể khiến tâm trạng người đọc vừa nặng nề, vừa thích thú. Nặng nề bởi trẻ nhỏ đã phải chịu đựng bao áp lực lớn nhường ấy. Thích thú bởi những phát ngôn chân thật của trẻ, chúng hoàn toàn mang tính cách riêng.

Người lớn, đặc biệt là thầy cô và các bậc phụ huynh cần đọc “Hãy nghe con nói” để biết họ nên kiên định ủng hộ con trẻ về mặt tình cảm. Nếu trẻ phản ánh những vấn đề về nhà trường, về giáo viên, bạn bè... thì trước hết hãy dành sự tin tưởng trẻ, đừng lập tức kết luận rằng trẻ không chịu được áp lực, không đủ kiên cường hay không như “con nhà người ta”... Hãy giải tỏa áp lực từ bên ngoài, bảo vệ trẻ trong thầm lặng và sáng suốt, để giảm thiểu những mâu thuẫn xung đột. Hãy tôn trọng tính tự chủ của trẻ, tôn trọng cả năng lượng bẩm sinh bên trong chúng. Người lớn chỉ nên là người kích thích năng lực tiềm tàng của trẻ, thay vì cấm đoán hay ép buộc trong khuôn khổ, bởi sự động viên bao giờ cũng hữu hiệu hơn lời trách móc. Hiểu rằng, mỗi đứa trẻ đều có sự tồn tại độc lập và không cần thiết phải so sánh với bất kỳ ai. Trẻ nên được tự chọn cách lớn lên và trở thành bất cứ ai.

Chủ thể giáo dục là trẻ, mục đích giáo dục cũng là để trẻ trưởng thành một cách lành mạnh và hạnh phúc, để chúng có thể đảm nhận được trách nhiệm với xã hội trong tương lai. Cuốn sách là cơ hội để ta lắng nghe tâm tư của thế hệ trẻ để qua đó suy đi ngẫm lại về thế nào là làm cha mẹ, làm người thầy hay thậm chí có thể xem xét, điều chỉnh lại nền giáo dục hiện tại. Còn nhiều điều cần hiểu về trẻ, nếu một khi ta chấp nhận và đón nhận lời thỉnh cầu: “Hãy nghe con nói”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hãy nghe con nói

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.