(HNM) - Thế vận hội mùa hè London 2012 đã diễn ra được hơn một tuần. Hơn 10.000 vận động viên tiêu biểu của hành tinh, đại diện cho 205 quốc gia đã và đang tranh tài với mục tiêu mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Đã có kẻ thắng, người thua, những giọt nước mắt tiếc nuối bên những nụ cười rạng rỡ và đằng sau bước chân của mỗi vận động viên là sự dõi theo của cả dân tộc mà họ đại diện. Thế vận hội London 2012 mang một vẻ đẹp kỳ vĩ, nơi không chỉ tôn vinh tình thân ái, sự đoàn kết, đem lại niềm hân hoan, mà còn tạo cơ hội cho các quốc gia thể hiện hình ảnh thông qua những đại sứ thể thao xuất sắc nhất của mình. Hàng tỷ người đã thấy các vận động viên Mỹ, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Nga giỏi như thế nào, nhưng họ cũng biết ở Olympic London có một vận động viên người Nam Sudan vô cùng đặc biệt về sự vượt khó, một người Nhật Bản 71 tuổi vẫn rõ ý chí tranh tài đỉnh cao, một vận động viên Nam Phi hiên ngang vào tới bán kết nội dung chạy 400m nam với đôi chân giả… Với những con người xuất sắc ấy, như lời ông Chủ tịch ban tổ chức Olympic London 2012 Lord Sebastian Coe, "một ngày nào đó họ có thể nói với con cháu rằng, khi cơ hội và thời điểm xuất hiện, họ đã luôn hành động đúng đắn".
Thi đấu thể thao có thắng có thua. Rạng sáng hôm qua (5-8, theo giờ Việt Nam), một đội tuyển giỏi được chờ đợi như Olympic Vương quốc Anh đã thất bại trên chấm 11m trước Olympic Hàn Quốc vốn được đánh giá là yếu hơn. Một tay bơi lừng lẫy đang ở phong độ đỉnh cao như M.Phelps cũng có lúc bị bỏ lại trên đường đua xanh. Những tay vợt rất giỏi như M.Sarapova, N.Djokovic cũng có thể thất bại ở Olympic, nơi các vận động viên không thi đấu cho riêng mình, mà cho hàng triệu người dân nước họ, với một trọng trách khác thường trên vai, một động lực tinh thần mạnh mẽ. Ở sân chơi đặc biệt ấy, dường như thắng thua không còn là tiêu chí hàng đầu trong mọi lời chỉ trích hay tán dương, quan trọng là các vận động viên, huấn luyện viên - công dân đã thể hiện như thế nào, có hành động đúng hay không trước sự quan tâm mà tổ quốc đã dành cho họ.
Tính đến sáng hôm qua, đã có 30 quốc gia có vận động viên giành được tấm huy chương vàng danh giá. Thể thao Việt Nam tham dự Olympic London 2012 với 18 VĐV, dự tranh ở 11 môn, một nửa trong đó là các môn cơ bản nhưng hy vọng giành được một tấm huy chương đang dần tan dù vẫn còn những Nguyễn Thị Lụa (vật), Lê Huỳnh Châu, Chu Hoàng Diệu Linh (taekwondo)… chưa bước vào thi đấu. Những người vào cuộc trước họ, từ niềm hy vọng số một Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ) đến những người "có thể hy vọng làm được điều gì đó" như Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ) và tay bơi trẻ Nguyễn Thị Ánh Viên, tất cả đã trắng tay rời cuộc chơi lớn dù đã gắng gỏi đến tận cùng. Ta có thể nói gì hơn khi từng thành viên của đoàn vận động viên Việt Nam đã cố gắng, nhiều người đã vượt trên chính mình mà vẫn lực bất tòng tâm trong nhiệm vụ giành lấy một tấm huy chương, bất kể là màu gì?
Những ngày này, sau những gì có thể gọi là thất bại của các tuyển thủ Việt Nam tại Olympic London, thật dễ dàng để đưa ra những lời chỉ trích. Bất chấp thực tế là những Nguyễn Tiến Nhật (đấu kiếm), Phạm Thị Hải - Phạm Thị Thảo (đua thuyền), Văn Ngọc Tú (judo), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng, Nguyễn Thị Ánh Viên… còn khoảng cách rất xa so với các vận động viên hàng đầu thế giới nên thất bại gần như là đương nhiên, thế nhưng vẫn không thể che giấu sự thất vọng. Buồn không phải vì kết quả chung cuộc, mà là vì "chưa đấu đã biết là thua", sự dày vò, ám ảnh trước một kết cục đau đớn biết trước mà như không có cách nào thoát ra được. Với những vận động viên hàng đầu của Việt Nam, ít nhiều đã rõ trình độ tiệm cận tốp đầu châu lục hoặc có khả năng vươn lên trình độ đó trong tương lai, không
chỉ là những người đã giành vé dự Olympic như Trần Lê Quốc Toàn, Ánh Viên, Tiến Minh, Hà Thanh, mà cả những người khác như Trương Thanh Hằng, Nguyễn Thị Hương (điền kinh), Hoàng Quý Phước (bơi), Thạch Kim Tuấn (cử tạ)… liệu chúng ta đã giúp đỡ họ đúng cách? Không, chưa thể nói là ngành thể thao đã làm đúng mọi khâu trong kế hoạch đầu tư cho tốp vận động viên dự Olympic London! Hoàng Quý Phước đã có thể có được tâm thế tốt hơn trong các đợt thi đấu tuyển chọn vận động viên dự Olympic nếu như không có những rắc rối trong chuyến tập huấn của đội bơi Việt Nam tại Mỹ và sớm chớm bệnh "sao". Phan Thị Hà Thanh cần phải được tập trung tập huấn ở nước ngoài nhiều thời gian hơn và không nên để cho tuyển thủ này "bơ vơ" suốt vài tháng chỉ vì chuyên gia nước ngoài xin nghỉ huấn luyện… Với lực sĩ cử tạ và là niềm hy vọng huy chương số một của đoàn thể thao Việt Nam Trần Lê Quốc Toàn, sự thể còn đáng thất vọng hơn nữa. Ta đã bỏ phí nhiều thời gian cần tập trung đầu tư cho Trần Lê Quốc Toàn, thay vào đó là sự phân vân trước bài toán chọn vận động viên này hay là Thạch Kim Tuấn?!. Khi vào trận ở London, những người bên cạnh anh đã không giúp được gì nhiều, thậm chí đã góp phần vào việc đưa ra những quyết định sai lầm về mặt chiến thuật và vì thế, tạo thêm sức ép tâm lý cho lực sĩ này.
Thể thao không phải là khoa học chính xác, muốn có danh hiệu Olympic cần phải có một đội tuyển mạnh và sự may mắn, một lá thăm thuận lợi cũng có thể là đường đến huy chương, nhưng cơ bản vẫn phải là đội ngũ tài năng dựa trên một nền thể thao khỏe mạnh. Đã qua 8 kỳ Olympic mùa hè có sự góp mặt của các tuyển thủ Việt Nam, hơn ba thập kỷ trôi qua nhưng những gì đáng kể với thể thao nước nhà mới chỉ là hai tấm huy chương bạc tại Thế vận hội Sidney (năm 2000) của Trần Hiếu Ngân và tại Thế vận hội Bắc Kinh (năm 2008) của Hoàng Anh Tuấn. Giữa hai tấm huy chương ấy và những kỳ đại hội thể thao lớn nhất hành tinh, điều nghịch lý là chất lượng thể thao Việt Nam ngày một tăng lên, một phần thể hiện ở thành tích cao tại giải châu lục, thế giới và ngày càng có nhiều vận động viên giành vé dự Olympic, nhưng cơn khát huy chương ở đấu trường hàng đầu thế giới vẫn không có gì thay đổi. Thực tế ấy khiến ta phải suy nghĩ về hiệu quả công tác đầu tư cho các tuyển thủ quốc gia, hướng đầu tư phát triển các môn thể thao trọng điểm và công tác đào tạo trẻ, tạo nền. Những mặt công tác quan trọng ấy không chỉ cần đầu tư tiền của, nó còn cần có chuyên gia và nhà quản lý giỏi, bởi những định hướng đúng chỉ cho quả ngọt nếu được thực hiện đúng.
Đầu tư cho thể thao tưởng đơn giản mà khó. Sau khoảng thời gian "đi tắt đón đầu", chọn những môn "ít người chơi" để đạt mục tiêu huy chương Đông Nam Á, ta đã chuyển sang mục tiêu lớn hơn. Sự chuyển hướng đòi hỏi cách đầu tư khác đối với thể thao thành tích cao, không có gì đúng hơn là đầu tư có trọng điểm thay vì dàn trải, tập trung cho các môn Olympic và dựa trên thế mạnh và đặc điểm riêng của người Việt Nam. Là nước nghèo thì lại càng phải thận trọng trong cách lựa chọn mục tiêu đầu tư, sức người sức của dồn vào môn nào phải rõ hiệu quả ở môn ấy. Đầu tư không có nghĩa chỉ là bỏ tiền ra, mà cần có sự bổ trợ từ khoa học, có hệ thống phát hiện, tuyển chọn năng khiếu ở cơ sở một cách khoa học, nghĩa là xem xét việc tuyển chọn dựa trên nhiều yếu tố liên quan đến sự phát triển của vận động viên chứ không phải chỉ "trống giong cờ mở gọi loa", ai đến thì chọn rồi "đầu tư". Bỏ tiền cho việc phát hiện tài năng thì tránh được sự lãng phí do sau này không phải loại bỏ những người không phù hợp sau khi đã chi tiền đào tạo họ.
Việc khác nữa, liên quan đến tạo nền, tạo nguồn vững chắc là cần phát triển thể thao học đường một cách xứng đáng dựa trên sự kết hợp giữa đầu tư từ ngân sách và nguồn lực xã hội hóa. Phát triển thể thao học đường ở ta được ví như chưa tìm được lối ra, nên có thể học hỏi cách làm ở Mỹ, Châu Âu, những nơi rất giỏi việc này. Mục tiêu là tạo cho các thế hệ học sinh có môi trường vui chơi đúng nghĩa, rèn luyện, bộc lộ năng khiếu, tạo ra nguồn tuyển vận động viên. Giải pháp là đầu tư xây dựng các cơ sở luyện tập phù hợp trong hệ thống nhà trường, tuyển chọn giáo viên giỏi, tổ chức hệ thống giải đấu thường niên giữa các cấp học trong tỉnh, thành phố hoặc vùng, miền.
Tự nghĩ thể thao Việt Nam có thể thất bại ở Olympic London 2012 hoặc nhiều giải đấu khác, điều đó không đáng nói nhiều bằng việc ta có học được điều cần học từ đó hay không. Nếu biết nắm lấy cơ hội và hành động đúng, chắc chắn nỗi buồn sẽ qua nhanh, nhường chỗ cho quyết tâm và niềm tin hướng tới tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.