(HNM) - Đó là tiếng kêu cứu hết sức chân thành và bi thương của một HLV Hà Nội - ông Mai Đức Chung - sau trận play off giành vé dự giải bóng đá chuyên nghiệp mùa tới. Cũng phải nhờ tới trận này, CLB Navibank Sài Gòn của HLV Mai Đức Chung mới trụ hạng...
Ngày vui ngắn chẳng tày gang
Lúc còn theo nghiệp cầu thủ, ông Mai Đức Chung thi đấu cho Tổng cục Đường sắt (TCĐS), đội bóng công nhân 100% đóng trên đất Hà Nội. Đội này nghèo nhất trong các CLB dự giải vô địch quốc gia, tồn tại được nhờ sự đùm bọc của công nhân ngành đường sắt. Đáp lại tình cảm sâu nặng ấy, TCĐS đã chơi bóng với tinh thần của giai cấp công nhân và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (Vô địch quốc gia năm 1980) trước khi được chuyển giao cho doanh nghiệp ACB vào đầu thế kỷ này.
Chính vì có "phẩm chất công nhân" mà đội TCĐS vinh dự được cử thi đấu với các đội bóng phía nam sau ngày đất nước thống nhất. Ông Chung là nhân tố giúp đội gây được ấn tượng với người hâm mộ (ghi được 4 trong số 8 bàn thắng của đội). Nghỉ thi đấu, ông làm HLV của TCĐS rồi HLV trưởng Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam (giành HCV SEA Games 22 và 23), trưởng bộ môn bóng đá Tổng cục TDTT, trợ lý HLV Đội tuyển Việt Nam, HLV trưởng đội B.Bình Dương và Navibank Sài Gòn. Gắn bó với bóng đá Việt Nam qua nhiều thời kỳ, ông quá hiểu thời "thịnh" và "suy" của bóng đá TP Hồ Chí Minh. Khi ông thốt lên "Hãy cứu lấy bóng đá Sài Gòn" thì đủ biết bóng đá đỉnh cao nơi đây sa sút đến chừng nào.
Các đội bóng ở TP Hồ Chí Minh giữ vai trò "anh cả" của bóng đá phía Nam. Sau năm 1975, thành phố có 5-6 đội hạng A toàn quốc. Trải năm tháng, với chiến lược "ít nhưng tinh", số đội ở TP Hồ Chí Minh "co" lại, chỉ còn 3 đội là Cảng Sài Gòn, Hải quan, Công an TP Hồ Chí Minh. Số này luôn trong nhóm dẫn đầu, đều từng vô địch quốc gia. Rất nhiều cầu thủ xuất sắc của 3 đội ấy là trụ cột của đội tuyển quốc gia. Ngoài mảng đỉnh cao, hệ thống đào tạo, bóng đá phong trào cũng phát triển rất mạnh, chất lượng tốt, luôn cung cấp những cầu thủ chất lượng cao cho 3 đội bóng trên.
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, bóng đá TP Hồ Chí Minh dần sa sút. Đội Hải quan giải thể, đội Công an TP Hồ Chí Minh được chuyển giao cho Ngân hàng Đông Á. Cảng Sài Gòn trụ lại lâu nhất nhưng năm 2009 thì xuống hạng nhất vì không đủ tiền "chơi" chuyên nghiệp. Đó là "nhát búa" đánh vào lòng kiêu hãnh của bóng đá thành phố. Bóng đá trẻ của trường nghiệp vụ TT thành phố, cái nôi từng đào tạo những danh thủ như Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến… teo tóp dần, gây mất lòng tin nơi cha mẹ học sinh. Nhiều cầu thủ giỏi kiếm sống ở các đội gần TP Hồ Chí Minh, có người đi tận Hải Phòng như Nguyễn Ngọc Thanh - điều chưa từng có trước đây. HLV giỏi của thành phố cũng… bỏ xứ ra đi. Đặng Trần Chỉnh đi Bình Dương, Lư Đình Tuấn đi Cần Thơ.
Ai cứu, cứu thế nào?
"Người cầm lái" bóng đá TP Hồ Chí Minh là LĐBĐ thành phố không có chiến lược gì đáng kể. Thay vì đề ra chiến lược "giải cứu" CLB TP Hồ Chí Minh khi đội này xuống hạng thì họ lại tham mưu cho Navibank Sài Gòn "rước" QK4 về. Việc này càng làm người hâm mộ ức chế, "quay lưng" với SVĐ Thống Nhất mỗi khi Navibank Sài Gòn thi đấu. Lực lượng kém, khán giả quay lưng lại, mùa bóng 2010 này đội hạng nhất CLB TP Hồ Chí Minh chỉ trụ hạng nhất nhờ trận đấu "tình nghĩa" cuối giải trong khi Navibank Sài Gòn "đã chết" từ vòng đấu 23 bỗng sống lại khi được dự trận play off nhờ một số đội hạng nhất không mặn mà với việc doanh nghiệp hóa. Ông chủ tịch LĐBĐ thành phố đã từ chức sau khi hai giải kết thúc.
Bức tranh toàn cảnh của bóng đá TP Hồ Chí Minh thê thảm là vậy và việc HLV Mai Đức Chung tha thiết kêu gọi "Hãy cứu lấy bóng đá Sài Gòn" là chuyện rất đáng suy ngẫm.
Theo "lý thuyết thời bao cấp", bóng đá phải đi bằng 2 chân - phong trào và nâng cao. Nay bóng đá đã chuyên nghiệp hóa nhưng lý thuyết đó vẫn không sai. Việc bóng đá TP Hồ Chí Minh "mua" đội QK4 phải chăng là sai lý thuyết? Việc coi nhẹ BĐ trẻ phải chăng là sai lý thuyết? Một "anh cả" của bóng đá phía Nam để cho những Đồng Tâm Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Đà Nẵng qua mặt có phải là đã đi "sai đường lối"?
"Hãy cứu lấy BĐ Sài Gòn", nhưng cứu bằng thuốc gì, ai cứu, đó mới là việc quan trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.