Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hậu quả khó lường

Người lái đò| 02/05/2010 06:58

(HNM) - Kỷ niệm Ngày Giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm nay là dịp để người yêu nhạc khắp đất nước nghe lại những ca khúc thời chống Mỹ cứu nước.

Không chỉ giai điệu đẹp nhưng mạnh mẽ, ca từ rất khúc triết và toát lên tinh thần yêu nước của cả dân tộc. Nghe mãi không biết chán và càng thêm yêu con người, Tổ quốc Việt Nam. Vẫn biết âm nhạc có nhiều dòng cho các lứa tuổi khác nhau, thế nhưng khi nghe các bài hát của một số nhạc sỹ trẻ, nhiều người yêu âm nhạc không khỏi giật mình...

Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, thẩm mỹ âm nhạc có tính vùng miền và theo lứa tuổi. Tuy nhiên, cũng có ca khúc mà thanh niên hay người có tuổi, phía Bắc cũng như phía Nam đều thích. Đó là do tài năng của nhạc sỹ. Nói chung, khán giả cao tuổi có xu hướng tìm về với âm nhạc dân tộc trong khi lớp trẻ lại hướng tới tân nhạc nhiều hơn. Song điều đó không hề mâu thuẫn bởi cốt lõi là cái hay, cái đẹp do các bài hát mang lại. Thế nhưng từ nhiều năm nay, thị trường âm nhạc xuất hiện nhiều bài hát thấp kém về thẩm mỹ, mang nặng cái tôi bị mất mát của người sáng tác. Không chỉ vùng sâu, vùng xa mà ngay ở thị trấn, thị xã và cả các thành phố lớn, người ta dễ dàng nghe những bài hát với ca từ ủy mỵ, sướt mướt đến não lòng. Nhiều bài hát về tình yêu có ca từ thật bi thảm, bế tắc. Ví dụ như "Anh bỏ em bơ vơ giữa hoang tình sa mạc, để hoan tình triền miên giữa chốn phù hoa", "anh sẽ chết vì em buộc anh phải thế" hay "cuộc đời đã gian dối, sao em còn nỡ dối gian anh"...

Âm nhạc có tác động rất mạnh đến nhận thức và hành động của con người. Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, hàng triệu thanh niên lên đường nhập ngũ một phần nhờ những câu hát. Ví dụ như: "Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn. Đá mòn mà đôi gót không mòn... Dẫu núi thành vách đá đường khuya mất lối. Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...". Nhiều người nghe nhạc không biết tiếng nước ngoài, song họ vẫn cảm nhận được cái hay của các ca khúc, vì các ca khúc đó có giá trị thẩm mỹ. Nghe nhiều các bài hát có ca từ tiêu cực, những người trẻ tuổi nếu không kiểm soát được bản thân rất dễ bị dẫn dụ đến các hành vi mất nhân tính, thậm chí tìm đến cái chết. Không chỉ lỗi của những người sáng tác có văn hóa và thẩm mỹ thấp kém mà còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Thực tế cho thấy, việc cấp phép xuất bản băng, đĩa ca nhạc dù khá chặt chẽ nhà quản lý chỉ chú trọng đến phần chính trị như: Ca từ có gì sai trái với đường lối, chính sách không, có mang tính kích động, chia rẽ không... trong khi ca từ ủy mỵ, sướt mướt lại được dễ dàng cho qua.

Sáng tác một ca khúc xuất phát từ nhận thức cá nhân của nhạc sỹ. Họ có thể viết về bất cứ đề tài gì và đặt bất cứ lời nào miễn không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, âm nhạc tác động rất lớn đến người nghe. Do vậy nhạc sỹ phải có trách nhiệm rất cao với xã hội. Bên cạnh đó cơ quan chức năng cương quyết không cấp phép cho những ca khúc có ca từ có thể gây ra hành vi tiêu cực. Nếu không, hậu quả là không lường được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu quả khó lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.