(HNM) - Trong tổng số 144 dự án đầu tư nhà tái định (TĐC), mới có 42 dự án đã và đang triển khai, với tổng diện tích 167ha (bằng 14%); số còn lại hoặc đang ở giai đoạn chấp thuận chủ trương, địa điểm hoặc phê duyệt quy hoạch chi tiết. Việc tiến độ dự án nhà TĐC chậm đã dẫn đến thiếu quỹ nhà phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB).
Rà soát các dự án nhà TĐC trên địa bàn, Sở QH-KT Hà Nội cho biết, hầu hết các dự án đầu tư xây dựng nhà TĐC đã được UBND TP chấp thuận đầu tư hoặc đã được Sở QH-KT chấp thuận quy hoạch đều triển khai rất chậm.
Khu nhà tái định cư Nam Trung Yên đã đưa vào sử dụng.Ảnh: Đàm Duy
Một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ là hầu hết các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ) đều thuộc diện phải điều chỉnh quy hoạch sau khi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7-2011. Do đó, việc xác định quỹ đất 20% tại các dự án này cũng chưa thực hiện được mà phải đợi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xong. Với những dự án khu đô thị (KĐT) không phải điều chỉnh quy hoạch, quỹ đất 20% được xác định dành để xây dựng nhà TĐC hầu hết đều GPMB chậm hoặc chủ đầu tư chuyển sang giai đoạn sau để tập trung đầu tư phần nhà ở thương mại. Một số khu đô thị phục vụ TĐC đã được Sở QH-KT giới thiệu địa điểm từ năm 2009, như Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm, Thường Tín, Hoài Đức, đến nay vẫn đang nghiên cứu lập quy hoạch. Việc các dự án đầu tư nhà TĐC chậm tiến độ đã dẫn đến việc thiếu quỹ nhà để phục vụ GPMB đúng yêu cầu.
Đề xuất 7 địa điểm quy hoạch khu tái định cư
Để đáp ứng quỹ nhà TĐC phục vụ GPMB trên địa bàn đến năm 2020, Sở QH-KT Hà Nội đã đề xuất 7 địa điểm nghiên cứu quy hoạch khu TĐC, với tổng diện tích khoảng 167ha. Cụ thể, vị trí thứ nhất quy mô 42ha, trong đó 41ha nằm trong đồ án quy hoạch khu đô thị Viwasen (đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt) và 1ha nằm trong quy hoạch dự án khu đô thị Đức Giang. Vị trí thứ hai, quy mô 42ha, trong đó 1ha nằm trong dự án khu đô thị Tây Đô (đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt), 33ha thuộc dự án khu đô thị Sơn Đồng (đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt) và 8ha nằm ngoài dự án. Vị trí thứ ba quy mô 35ha, trong đó 8ha thuộc khu đô thị Sơn Đồng, 27ha nằm ngoài dự án, có một phần là dân cư làng xóm hiện có. Cả ba vị trí trên đều thuộc địa bàn huyện Hoài Đức và đang được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập đồ án quy hoạch phân khu ký hiệu S2. Vị trí thứ tư, quy mô 19ha, thuộc địa bàn huyện Đông Anh, dự kiến phục vụ TĐC dự án Trường quay Cổ Loa, hiện là đất canh tác thôn Uy Nỗ. Trong khi đó, vị trí thứ năm và thứ sáu thuộc huyện Đan Phượng, quy mô 6ha thuộc xã Liên Hà và 4ha thuộc xã Tân Hội. Vị trí thứ bảy nằm trên địa bàn thị trấn Chúc Sơn, có quy mô 19ha. Tất cả các vị trí trên đều là đất canh tác, đã được xác định chức năng đất đơn vị ở tại quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.
Theo Sở QH-KT, việc lựa chọn các địa điểm trên căn cứ tiêu chí là các khu đô thị ven đô, bảo đảm khả năng kết nối với các trục đường, các đô thị mới, phục vụ TĐC tại chỗ cho địa phương, có thể kết hợp xây dựng nhà ở xã hội. Đặc biệt, một trong những nguyên tắc quan trọng là dự án phải bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội để người dân có điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ; phải thuận lợi trong GPMB, là vướng mắc lớn mà các dự án nhà TĐC đang vấp phải. Ngoài các khu TĐC tập trung, Sở QH-KT còn đề xuất TP giao các quận, huyện thống kê quỹ đất nhỏ lẻ, xen kẹt, ưu tiên dành cho nhu cầu làm nhà TĐC và nhu cầu dân sinh; rà soát quỹ đất 20% tại các dự án khu đô thị mới, những dự án khu TĐC đã được phê duyệt, căn cứ nhu cầu thực tế để lập kế hoạch triển khai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.