(HNM) - Cùng với việc thông qua một nghị quyết khẩn với đa số phiếu tuyệt đối tại Thượng viện, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Naoki Tanaka đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa trong tình trạng sẵn sàng để có thể bắn hạ tên lửa của Triều Tiên bất cứ lúc nào nếu đe dọa đến lãnh thổ Nhật Bản, vừa được đưa ra 24 giờ qua khiến tình hình bán đảo Triều Tiên càng trở nên "nóng" hơn bao giờ hết.
Đây là bước đi mới nhất mà Nhật Bản tiến hành cùng Mỹ và Hàn Quốc trước tin từ Bình Nhưỡng về vụ phóng tên lửa tầm xa Unha-3, đẩy vệ tinh Kwangmyongsong-3, lên quỹ đạo sẽ được thực hiện vào trung tuần tháng tư tới.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Nhật Bản đã sẵn sàng để bắn hạ tên lửa Triều Tiên nếu đường đi của nó hướng về phía quốc gia này. |
Dường như chưa bao giờ Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ lại tìm được tiếng nói chung một cách mạnh mẽ trong việc gây sức ép với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên hiện nay. Khẳng định Triều Tiên phóng tên lửa mang vệ tinh là vi phạm Nghị quyết 1718 và 1874 của Hội đồng Bảo an LHQ (cấm Bình Nhưỡng thử tên lửa tầm xa), Tổng thống Lee Myung-bak trong một tuyên bố mới nhất nhấn mạnh sẽ đưa vấn đề hạt nhân của Triều Tiên ra thảo luận trong các cuộc gặp song phương với lãnh đạo 4 nước Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân sẽ diễn ra tại Seoul trong 24 giờ tới.
Với Washington, nếu Bình Nhưỡng thực hiện vụ phóng tên lửa có nghĩa là một loạt biện pháp đối phó trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an LHQ sẽ được đưa ra. Cùng với tuyên bố cân nhắc cấm vận tài chính, Mỹ đe dọa sẽ hủy bỏ kế hoạch viện trợ 240.000 tấn lương thực cho Triều Tiên - một thỏa thuận hiếm hoi vừa đạt được giữa hai nước. Không dừng lại ở đó, kế hoạch đến thăm khu phi quân sự (DMZ) trên biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc lần đầu tiên của Tổng thống Barack Obama trong 24 giờ tới - ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Seoul - không chỉ thể hiện sự sát cánh của liên minh Mỹ - Hàn trong mọi hoàn cảnh, mà còn cho thấy mối quan tâm Mỹ đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là rất lớn.
Bất chấp sức ép ngày một tăng từ các bên liên quan, trong đó phải kể đến Australia và Philippines cũng vừa trở thành hai quốc gia mới nhất gia nhập nhóm các nước lên án kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên, Bình Nhưỡng vẫn khẳng định quyết tâm theo đuổi vụ phóng tên lửa như dự kiến. Thông báo mới nhất được Bộ Ngoại giao Triều Tiên phát đi ngày 23-3 cho biết, công tác chuẩn bị phóng vệ tinh quan trắc Kwangmyongsong-3 đã bước vào "giai đoạn hành động chính thức".
Nếu quyết tâm phóng vệ tinh đầu tiên của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un vừa kế nhiệm được xem như một bước đi quan trọng để củng cố sức mạnh quyền lực đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới thì sự khẩn trương của Hàn Quốc để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân sẽ khai mạc vào ngày mai (26-3) càng khiến bán đảo Triều Tiên "nóng" hơn. Huy động khoảng 36.000 cảnh sát cùng hơn 5.000 binh sỹ và nhân viên an ninh để bảo đảm an toàn cho hội nghị, Hàn Quốc đang không chỉ dồn hết quyết tâm cho một diễn đàn an ninh hạt nhân quy mô lớn nhất được tổ chức tại quốc gia này thành công, mà còn sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Trong đó không loại trừ nguy cơ tấn công khủng bố và tấn công mạng máy tính.
Với sự tham dự của gần 60 nhà lãnh đạo và các quan chức hàng đầu từ 53 quốc gia trên thế giới cùng Liên hợp quốc và Liên minh Châu Âu (EU)…, Hàn Quốc kỳ vọng hội nghị sẽ là dịp để bàn thảo một loạt vấn đề nóng liên quan đến an ninh hạt nhân trong bối cảnh hiện nay. Song với Triều Tiên, mọi nỗ lực của Hàn Quốc là chỉ nhằm tận dụng sự có mặt của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới tại hội nghị để bàn về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Không chỉ lên tiếng phản đối mạnh mẽ hội nghị, Triều Tiên còn cho rằng bất cứ "mưu toan" nào của Hàn Quốc nhằm giải quyết chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng tại cuộc tập hợp này đều được coi như một lời tuyên chiến.
Bán đảo Triều Tiên một lần nữa lại đứng trước nguy cơ bị "đốt nóng" bởi vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Liệu những nỗ lực của cộng đồng quốc tế tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân sắp khai mạc tại Seoul có giúp tình hình bán đảo Triều Tiên "hạ nhiệt" hay không đang là điều được dư luận trông đợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.