Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Hạt mầm” của chuyển biến mới

Lâm Phương| 04/02/2010 06:02

(HNM) - Theo nhật báo Phố Uôn số ra ngày 2-2, tiến trình tái khởi động quan hệ Nga - Mỹ đã vượt qua thử thách đầu tiên khi hai bên đạt được

Như vậy, hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START-2), được hai bên dự kiến ký kết trong quý I-2010 đang trở thành hiện thực. Đây là một nỗ lực không chỉ chứng tỏ sự đồng thuận đầu tiên giữa Nga và Mỹ về vấn đề này trong gần hai thập kỷ qua mà còn khẳng định, dưới sự dẫn dắt của thế hệ lãnh đạo trẻ thời hậu Chiến tranh Lạnh, "hạt mầm" của những hy vọng thay đổi trong chính sách ngoại giao mới của cả hai phía đã bắt đầu "nhú".

Mặc dù đang cố gắng hết sức để duy trì thế cân bằng với Mỹ trong lĩnh vực vũ khí tấn công chiến lược, nhưng Mátxcơva rõ ràng đã theo đuổi một chính sách đối ngoại "thực dụng và hợp lý", tránh những cuộc đối đầu và một cuộc chạy đua vũ trang mới. Đây cũng là một trong những nội dung trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga từ nay đến năm 2020 do Tổng thống Đmitơri Métvêđép phê chuẩn.

Còn với Mỹ, chính sách hiếu chiến dưới thời Tổng thống Gioócgiơ Busơ, xem ngoại giao là một sự lãng phí thời gian và tấn công quân sự là "quyền cơ bản" của Mỹ, không những đã không phát huy hiệu quả, mà còn khiến Oasinhtơn trở nên đơn độc với thế giới. Mục tiêu của chính sách "quyền lực mềm", đang được Tổng thống thứ 44 của Mỹ Barắc Ôbama theo đuổi, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia là giảm tới mức tối thiểu sự khác biệt, phát triển các giá trị chung và hợp tác với các nước khác nhiều nhất có thể cũng đang cho "quả ngọt". Rõ ràng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Nga và Mỹ ngày càng phụ thuộc lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực và chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hợp tác sẽ là con đường hữu hiệu để cả hai vượt qua những thách thức và chống lại những nguy cơ chung của thế kỷ XXI.

Bên cạnh đó, việc hai cường quốc hàng đầu thế giới về sức mạnh quân sự và hạt nhân đồng ý cắt giảm kho vũ khí tiến công chiến lược trước thềm hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, được triệu tập vào tháng 5-2010 tại Niu Yoóc (Mỹ) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh các vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và Iran ngày càng diễn biến phức tạp. Cũng cần nhấn mạnh rằng, Mỹ và Nga đang có trong tay khoảng 25.000 đầu đạn hạt nhân, chiếm tới 96% kho vũ khí hạt nhân toàn cầu. START-2 sẽ giúp giảm số đầu đạn hạt nhân của mỗi bên xuống còn 1.500-1.675 đơn vị và giảm số lượng phương tiện phóng đầu đạn này xuống còn 500-1.100 đơn vị trong vòng 7 năm. Tuy nhiên, để hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân, còn quá nhiều việc phải làm. START-2 được hy vọng sẽ mang lại những tác động tích cực tới tình hình chính trị - quân sự quốc tế. Trước hết, hiệp ước mới sẽ tạo ra bầu không khí hòa dịu mới, tạo điều kiện cho hai nước phối hợp giải quyết nhiều vấn đề quốc tế mà cả Mỹ và Nga đóng vai trò không thể thiếu. Ngoài ra, hiệp ước sẽ tạo ấn tượng mới về nước Mỹ trong cộng đồng quốc tế, giúp cải thiện quan hệ của Mỹ với các nước khác, nhất là các quốc gia có vũ khí hạt nhân mà Mỹ đang muốn giải giáp.

Quan hệ Nga - Mỹ vẫn được coi là mối quan hệ song phương quan trọng bậc nhất trên thế giới, xét trên tiềm lực sức mạnh chính trị - quân sự của hai nước và tầm ảnh hưởng của mối quan hệ này đến các vấn đề quốc tế. Việc Nga - Mỹ tích cực đối thoại và thỏa thuận đạt được là một tín hiệu cho thấy hai nước đang hướng tới một mối quan hệ hợp tác mang tính thực dụng hơn. Tuy nhiên, sự canh tranh chiến lược vẫn là đặc điểm cơ bản của mối quan hệ Nga - Mỹ, do đó đây mới chỉ là sự khởi đầu cho cả chặng đường dài phía trước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Hạt mầm” của chuyển biến mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.