(HNM) - Hạt dẻ là đặc sản nổi danh của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây được xem là thủ phủ của hạt dẻ, với sản lượng khoảng trên 100 tấn/năm. Trùng Khánh có thuận lợi về thổ nhưỡng và khí hậu, ngoài ra có nhiều sông, suối lớn chảy qua cung cấp đủ nước tưới, tạo điều kiện cho cây phát triển tốt, đem đến loại hạt dẻ thơm bùi ít nơi đâu sánh được. Cây cao 10-16m, gốc lâu năm có đường kính đến 0,5m với tán rộng.
Độ cuối thu tháng Chín, tháng Mười âm lịch hằng năm là thời điểm hạt dẻ chín rộ, tách vỏ và tự rụng xuống gốc báo hiệu đến mùa thu hoạch. Người dân còn thu hoạch hạt dẻ bằng cách dùng sào tre móc cành rung cho trái chín rụng. Quả dẻ chín có đường nứt ở vỏ ngoài, bên trong vỏ có từ 3 đến 4 hạt to bằng ngón chân cái. Hạt dẻ Trùng Khánh có vỏ màu nâu tươi, dày, nhiều lớp lông tơ, bên trong là lớp vỏ lụa mỏng bao lấy nhân màu vàng ươm, khi ăn có vị thơm ngon và bùi ngậy.
Hạt dẻ thường không bảo quản được lâu, chỉ để được chừng một tháng nên sau khi thu hoạch phải chế biến ngay. Cách thưởng thức hạt dẻ thông dụng nhất là luộc chín nhừ, nướng trên than hồng hay rang trong chảo. Ngoài ra, có thể làm món xôi hạt dẻ, cốm hạt dẻ, bánh hạt dẻ, chân giò hầm hạt dẻ… rất tốt cho sức khỏe. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt dẻ Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.