(HNM) - Tháng Giêng, vùng Kinh Bắc lẫn xứ Đoài rộn tiếng trống vật - hoạt động thể thao bao giờ cũng có chỗ đứng và sức sống riêng. Thời hiện đại, quan trọng là làm sao đó để phát triển và giữ gìn được cái hồn của hội vật.
Khó vạn lần dân liệu cũng xong
Sới vật ở Trung Mầu là biểu hiện rõ nhất của tình yêu đó. Sới vật được đặt giữa ao làng ban đầu cũng chỉ đơn giản như nhiều nơi khác. Sau này, để tránh mưa nắng, chính quyền xã quyết định tôn tạo, làm mái che. Kinh phí xã có hạn, khó có thể làm được. Thế là, chỉ sau lời phát động từ UBND xã, người dân đổ tiền và công sức để xây dựng sới vật. Người thì đóng tiền, người đưa máy xúc đất đến làm miễn phí, người góp ngày công. Giờ thì sới vật của xã đã khang trang, bắt mắt, một kế hoạch kè ao, xây cầu dẫn ra sới vật, hoàn thiện nốt phần mái che sới vật cũng đã được vạch ra. Như Phó Chủ tịch UBND xã Tạ Đình Tuyến thì "việc này rồi cũng sẽ sớm thành hiện thực bởi người dân ở đây sẵn sàng vì cái chung lắm".
Hội vật Trung Mầu thu hút đông đảo người hâm mộ dù trời mưa. Ảnh: Minh An |
Cái thuận ở Trung Mầu là người dân từ bao đời nay mê vật như điếu đổ. Tại hội vật Trung Mầu vừa rồi, dù trời mưa gió nhưng gần nghìn người vẫn ngồi kín sới, xem hết buổi thi đấu mới thôi. Những người lớn tuổi trong xã kể rằng, hội vật làng vào dịp sau Rằm tháng Giêng có từ lâu lắm, có khi cả trăm năm nay. Thế nên, trẻ con trong xã mới đi học cũng đã biết vài miếng vật. Người Trung Mầu thành danh trong làng vật Việt Nam cũng không ít. Ở đây, người ta có thể đọc rành rọt những đô vật đã làm rạng danh đất vật Trung Mầu như Tạ Đình Nhân, Đới Đăng Thìn, Dương Quang Bỗm, Nguyễn Xuân Chỉnh, Đới Đăng Thẩm, Đỗ Như Hiền, Tạ Đô Đốc (từng có tên trong danh sách dự Olympic 1980), Lê Văn Sức (cựu HLV Đội tuyển vật nữ Việt Nam, người khai phá vật nữ cho Hà Nội), Đới Đăng Hỷ (3 lần vô địch SEA Games), Tạ Ngọc Tân, Lê Thị Trang, Đới Đăng Tiến (đều từng vô địch SEA Games), Lê Thị Thu, Hồ Quang Hải… Tính sơ sơ, người Trung Mầu đoạt đến cả chục HCV SEA Games, không kể, đất này còn có một Trần Văn Đoạt từng nổi tiếng vì đoạt HCV môn Judo tại SEA Games 22. Trước đó, Trần Văn Đoạt từng tập vật rồi mới sang Judo. Bây giờ, số người Trung Mầu góp mặt ở đội tuyển vật Hà Nội và quốc gia không ít.
Cũng vì mê vật nên người Trung Mầu không tiếc công sức cho việc chăm chút cho hội vật làng. Những năm gần đây, việc người dân trong xã tài trợ cho giải vật làng hàng trăm triệu đồng mỗi năm đã là chuyện thường. Tất nhiên, số tiền này chưa thấm tháp gì so với kinh phí gần tỷ đồng để tổ chức giải vật tại làng An Hạ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức hồi tuần trước (ước tính gần tỷ đồng, tổng giá trị giải thưởng gần 300 triệu đồng do một doanh nhân bỏ ra), nhưng quan trọng là mức tài trợ ở Trung Mầu được duy trì đều đặn bởi nhiều người, chính quyền xã, ban tổ chức rộng tay tổ chức hội vật truyền thống đâu ra đấy, không để đứt đoạn.
Giữ vững tinh thần thượng võ
Hội vật ở Trung Mầu xưa nay nổi tiếng là nơi "khó nhằn" đối với những đô vật muốn "làm trò mèo", định chia chác giải thưởng với nhau từ trước khi bước lên thảm - chuyện xuất hiện ở nhiều nơi trong những năm gần đây. Nhiều đô vật thỏa thuận với nhau trước khi lên thảm "múa may", người này thua để người kia lấy giải. Nhận giải rồi, hai bên hỉ hả chia nhau, mất hết tinh thần thượng võ.
Hội vật Trung Mầu thì khác, những người có chuyên môn bậc nhất trong làng vật như Lê Văn Sức, Đới Đăng Hỷ được mời giữ vai trò điều hành. Từ nhiều năm nay, cựu đô vật Lê Văn Sức điều hành trực tiếp về chuyên môn. Là người giỏi nghề, chỉ cần nhìn qua là ông Sức biết ai thi đấu thật, ai "diễn". Một vài lần ông đã thẳng tay đuổi cả hai đô vật khỏi thảm đấu vì họ định thi đấu "bịp". Thế là mọi chuyện lại đâu vào đấy, khán giả tới hội vật Trung Mầu là được chứng kiến những trận đấu thật, như người ở đây nói là "xanh chín rõ ràng". Bản thân HLV Lê Văn Sức luôn bức xúc về chuyện chia chác giải ở các hội vật làng nên đến khi làm điều hành ở hội vật nơi ông sinh ra, ông làm cho bằng được. Như ông nói: "Không giải quyết được hết việc này ở những chỗ khác thì ít ra cũng phải làm ở đất nhà mình. Để người dân được thấy cái cao thượng, cái đẹp của môn vật được ông cha truyền lại".
Có thể nói, hội vật Trung Mầu luôn được Ban tổ chức làm kỹ về chuyên môn nên năm nào cao thủ khắp nơi cũng dồn về dự giải. Không hẳn vì giải thưởng, dù mức thưởng cũng vào hàng kha khá trong các hội vật làng, mà vì chất thượng võ vẫn còn nguyên vẹn. Đó mới là hồn cốt giúp hội vật làng luôn hấp dẫn người xem.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.