(HNM) - Tôi được biết Báo Hànộimới vào năm 1958, khi về Thủ đô học ở Trường THPT Việt - Đức. Hồi ấy báo hình chưa có, báo in còn ít lắm, quanh quẩn có mấy tờ Nhân dân, Quân đội nhân dân… mà không phải tờ nào cũng là nhật báo. May mắn là tôi ở gần trụ sở mấy tờ báo lớn nên được chứng kiến sự ra đời
Năm 1958 có mấy sự kiện lớn. Đầu tiên là việc Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành miền Bắc lại sôi nổi với "Tháng hữu nghị Việt - Trung - Xô". Thôi thì cờ hoa biểu ngữ, vui lắm. Ai cũng muốn biết điều gì đó về vệ tinh nhân tạo và về Liên Xô. Vì cha tôi làm ở cơ quan khí tượng và là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Xô nên chúng tôi có điều kiện để thỏa mãn sự tò mò, trong đó có việc đọc Báo Hànộimới. Những hình ảnh của vệ tinh nhân tạo và về "anh cả" Liên Xô có nhiều trên Báo Hànộimới.
Phóng viên thể thao tác nghiệp tại Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình. Ảnh: Bảo Lâm |
Rồi là World Cup 1958 diễn ra tại Thụy Điển, Báo Hànộimới đã đưa hình ảnh các cầu thủ Liên Xô, nhất là thủ môn Lev Yachine với biệt danh "Con nhện đen". Lớp thanh niên học sinh Hà Nội như chúng tôi chuyền tay nhau những bài báo được cắt ra từ Hànộimới, thường của các tác giả Trịnh My, Hoàng Tuấn và nhất là tranh vui của các họa sĩ Văn Hiệp, Tạ Lựu, có tranh vẽ về từng đội bóng tham gia thi đấu, từ thủ môn Lev Yachine tươi cười ôm con chim hòa bình đến cầu thủ Ba Lan đẹp trai, hai cầu thủ Nam Tư và Tây Đức nom mạnh mẽ…
Báo Hànộimới cho tôi một kỷ niệm không quên. Năm 1959, Trường Việt - Đức của tôi có phong trào viết báo tường khá sôi nổi, lớp cấp ba nào cũng có báo tường ra theo tháng và do ham thích học hỏi nên tôi mạnh dạn đem một bài ở đó đến Báo Hànộimới để thử vận may, thế nào mà bài viết ngắn "Mùa nhãn Hưng Yên" được đăng, khiến tôi sung sướng đến mất ăn mất ngủ!
Cũng vào những năm ấy, thể thao, nhất là bóng đá trong nước sôi động hẳn lên với những trận cầu nảy lửa giữa Thể Công và Công an Hà Nội, rồi Giải bóng đá Việt - Trung - Triều - Mông, giải thể thao quân đội các nước XHCN, giải thể thao ba nước Đông Dương… Trong những năm đó, Báo Hànộimới đã làm được một việc hết sức độc đáo: Lần đầu tiên công bố danh sách 11 cầu thủ xuất sắc nhất ở từng vị trí. Có tới mấy chục nghìn lá phiếu gửi về tham dự và người đạt nhiều phiếu nhất là hậu vệ Lưu Đình Tòng (Tòng "cháy") của Công an Hà Nội. Báo Hànộimới đã đi tiên phong trong chuyện này ở Việt Nam và giới bóng đá đã xem kết quả ấy như một tư liệu quý báu.
Báo Hànộimới biết cách chiều lòng bạn đọc trẻ khi có những truyện dài nhiều kỳ làm xôn xao dư luận trẻ. Lứa thanh niên, học sinh Thủ đô hồi ấy rất khoái theo dõi bộ tiểu thuyết "Rừng thẳm tuyết dày" của Trung Quốc, rồi "Đầu giáo sư Đô-oen" và "Phương trình Mác-xoen" của Đức, tất cả đều hay. Khi sự bồng bột của tuổi trẻ có phần dịu đi, chúng tôi bắt đầu chú ý nhiều hơn vào các đặc trưng khác của Hànộimới, và đến khi ấy, chợt nhận ra rằng tờ báo này hội đủ những yếu tố của một ấn phẩm tiêu biểu, có nét chung và lại mang bản sắc riêng, rất... Hà Nội.
"Đội hình" của tờ báo khá hùng hậu, những trang chuyên đề cùng với các chuyên mục của Hànộimới đã đề cập khá đầy đủ và không kém sâu sắc các hoạt động xã hội, cho nên báo được xem là món ăn tinh thần không thế thiếu của nhân dân Thủ đô.
Chẳng nhớ là từ hồi nào, tôi đã rất thích lối viết của nhà báo Thọ Cao, các bài viết của ông thường có sức nặng nghề nghiệp và buộc người ta phải đọc và suy ngẫm. Là lớp đàn em, tôi từng tìm xem và đọc kỹ những phóng sự của ông để chiêm nghiệm và học hỏi. Tôi cũng thích lối viết mạnh bạo của nhà báo Công Hoàn - một cá tính. Tôi yêu quý anh Hồ Xuân Sơn, theo tôi anh Sơn là một Tổng Biên tập đúng nghĩa và đúng chất Hà Nội. Chính anh đã cổ vũ và tạo điều kiện để Báo Hànộimới phối hợp với Trung tâm TDTT Quân đội tổ chức Cúp Bóng chuyền mùa Xuân sôi động suốt mấy năm liền, tiếc là không duy trì được lâu.
Nghĩ tới Hànộimới, tôi không quên tờ báo đã cho tôi làm cộng tác viên ở mảng văn hóa và thể thao. Cũng là một kỷ niệm vui: Hồi HTV công chiếu "Bao Công xử án" tôi thấy bài hát của phim hay quá nên đã ghi ra nhạc và dịch lời rồi được anh Vương Tâm đưa vào trang văn hóa tờ Hànộimới Cuối tuần, cũng là bài hát đầu tiên từ "phim Tàu" lên báo giấy. Hànộimới có một giải thể thao đã thành truyền thống lâu đời, đó là giải chạy. Nét độc đáo nhất mà chỉ cuộc thi này mới có chính là việc những người tham dự sẽ được chạy thi quanh Hồ Gươm - một ước mơ không của riêng ai. Tôi chỉ tiếc, một tờ báo ở Thủ đô, có tiềm năng và uy tín đến vậy mà sao không có một giải nghệ thuật nào đó?
Đồng hành cùng Hànộimới trong nhiều năm, tôi yêu quý và không sao kể hết được tên tuổi các nhà báo tài danh của thành phố nơi tôi đang sống. Chào mừng Hànộimới vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, nói không hết lời tri ân và niềm tự hào được sánh vai cùng các bạn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.