(HNM) - Sách kể chuyện những ngôi làng ở Hà Nội thường cứ bị xếp vào hàng sách nghiên cứu, nghe có chút khô khan, khó đọc. Nhưng kỳ thực, đó là cả một kho kiến thức sinh động cho người đọc, một tấm tình đậm đà của người viết. Sách làng cũng chính là những điểm nhấn của một Hà Nội mở rộng, giàu truyền thống...
Vào đầu năm 2010, cuốn sách "Làng Đại Lan-những nét văn hóa xưa", do tôi sưu tầm, biên soạn đã hoàn thành. Chuyện phong tục, tập quán, chuyện làm lụng, ăn mặc rồi học hành khoa cử của làng Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì từ năm 1945 trở về trước, tôi đều cố gắng đưa vào cả.
Đình làng Đại Lan. |
Đại Lan xưa là quê hương của 7 tiến sĩ, 34 hương cống và sinh đồ thi đỗ dưới triều Lê. Tiêu biểu nhất là Nguyễn Như Đổ, 18 tuổi đậu Bảng nhãn.
Hiểu được nỗi vất vả của người viết, các nhà văn Giang Quân, Bùi Dư giúp đọc lại bản thảo và họa sĩ Giang Nguyên Thái vẽ bìa mà chẳng nhận thù lao bồi dưỡng. Có bản thảo rồi nhưng sách nghiên cứu, kén người đọc, tìm nguồn kinh phí in ở đâu? Ấy vậy mà câu trả lời tôi tìm được lại chính từ những người con trong làng. Anh Trần Văn Nhạ, quê ở Đại Lan nói luôn "Cháu xin góp 1 triệu". Nghe vậy TS Phạm Văn Thanh, làm ở Viện Dược liệu cũng nói: "Ông cho cháu đóng góp với". Tôi không ngờ, câu chuyện in sách đã đến tai bà Nguyễn Hạc Đạm Thư, ở quận Tây Hồ, thuộc dòng họ danh nhân Nguyễn Như Đổ. Bà Thư không chỉ góp tiền mà còn vận động anh ruột là Nguyễn Hạc Vũ ở phố Phan Chu Trinh, và GS Bùi Trọng Liễu ở Đại học Paris cùng đóng góp. Ông Vũ Xuân Hỷ, người làng Mai Động suốt đời tâm huyết với văn hóa dân tộc cũng gửi tới 2 triệu, nhưng vì ngại ông tuổi đã cao, tôi chỉ dám nhận một phần. Trở về làng, thật xúc động khi các thành viên họ Trần còn tập trung đóng góp ủng hộ việc in.
Vậy là chỉ sau 5 ngày, cuốn sách làng của tôi đã không còn canh cánh nỗi lo kinh phí nữa. Sách ra vào trưa ngày 28 tết Canh Dần, sách "Làng Đại Lan-những nét văn hóa xưa" còn thơm mùi giấy mực đã kịp chuyển về biếu dân làng. Từ đây, lại tiếp tục có những người đồng hành cùng tôi trong những trang sách mới, về những ngôi làng khác của Hà Nội.
Trong đó có ông Nguyễn Lễ, làng Kim Lan hỗ trợ tôi tiếp tục viết cuốn sách về làng ông. Được lời như cởi tấm lòng, dự định viết về làng Kim Lan tôi hằng ấp ủ từ lâu, nay sắp thành sự thật. Chẳng quản nắng mưa, một tuần đôi lần, tôi qua đò Kim Lan để gặp các cụ ở làng và nghe chuyện. Xã ủng hộ, Hội Người cao tuổi xã Kim Lan ủng hộ, hàng trăm trang tư liệu quý của nhóm "Tìm về cội nguồn" đến với tôi. Bất ngờ, bồi hồi như thể đang được sống lại những ngày xa xưa của một ngôi làng giàu truyền thống, tôi viết không mệt mỏi... Này thần tích, sắc phong cho các vị thần làng là Cao Biền có công dạy dân làng nghề gốm sứ từ thế kỷ IX, này bản văn tế phong phú, đặc biệt của làng...
Cùng với hai cuốn sách làng trên, cuốn "Làng cổ Mai Động và đức thánh Tam Trinh" đã được Hợp tác xã Kết Nghĩa, quận Hoàng Mai góp 70 triệu đồng để in lần thứ ba. Nhờ đó sách được bổ sung mục "Chợ và các đặc sản"; in nguyên văn bản thần tích và bản hương ước của làng bằng nguyên bản Hán-Nôm và bản dịch. Vào đầu thế kỷ XV, Mai Động là nơi Đinh Lễ, Nguyễn Xí đánh quân Minh xâm lược. Có thuyết nói, vào tháng 12-1427, đây là nơi diễn ra Hội thề Đông Quan một "sự kiện ngoại giao xưa nay chưa từng thấy"...
Đến đây tôi chợt nghĩ hành trình ba cuốn sách làng của tôi có thể chỉ nói được một phần nào tấm tình của người dân Hà Nội với mảnh đất làng. Mạch làng, mạch văn hóa của người Hà Nội vẫn chảy thầm lặng qua biết bao thăng trầm, đổi thay của đất nước nói chung, của Thủ đô nói riêng. Khi có cơ hội nó lại bùng lên, thật chân tình mà cũng thật mãnh liệt. Người Hà Nội dù trẻ già, dù ở trong nước hay ngoài nước, đã nhớ về cội nguồn, đã lắng nghe tiếng vọng của ngôi làng mình như thế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.