(HNM) - Trước vấn nạn taxi
Khách hàng khen ngợi
Vừa bước xuống xe taxi của Hợp tác xã vận tải du lịch 27-7 (HTX 27-7) sau quãng đường đi gần 20km (từ sân bay Tân Sơn Nhất), chị Nguyễn Thị Dung (ngụ quận 7) chia sẻ, cứ mỗi lần đi công tác thì xe taxi là lựa chọn tối ưu nhất để đi ra sân bay. Thế nhưng, dù bắt xe của các hãng lớn và có uy tín nhưng chị vẫn không yên tâm, cứ lên xe thì lập tức dán mắt vào đồng hồ để giám sát chặng đi và giá cước để không phải chịu thiệt thòi. Lần này, bắt taxi của HTX 27-7, chị bất ngờ khi được tài xế in hóa đơn trực tiếp và số tiền thanh toán trùng khớp với số tiền thông báo trên đồng hồ tính cước và quãng đường. "Hóa đơn như vậy thì chắc chắn phải được công ty giám sát nên tài xế không thể "ém" đi hoặc "moi" thêm tiền của khách!", chị Dung nhận định.
In hóa đơn tính cước trên xe taxi. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Tiến Thự, Giám đốc HTX 27-7 cho biết, HTX 27-7 hiện có khoảng 120 xe taxi đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, tình trạng taxi "nhái" của hãng diễn ra ngày càng nhiều (đặc biệt tại khu vực chợ Bến Thành, quận 1) nên việc hoạt động rất khó khăn. Đặc biệt nhiều khách hàng gọi lên tổng đài phản ánh về tình trạng tài xế của hãng chặt chém giá cước, chạy lòng vòng, chèo kéo, mất đồ đạc… nhưng khi xác nhận cụ thể lại là xe "nhái", từ đó làm mất hình ảnh và uy tín của hãng. Trước thực trạng trên, HTX 27-7 quyết định triển khai lắp đặt đồng hồ in hóa đơn trực tiếp trên xe taxi theo chương trình thử nghiệm của thành phố. Theo ông Thự, dù mới triển khai được vài ngày nhưng hiệu quả mang lại rõ rệt, bằng chứng là tổng đài của hãng cũng nhận được nhiều lời khen ngợi từ khách hàng. "Việc in hóa đơn thể hiện rõ các thông tin như số tài, biển số xe, chặng đường đi… từ đây chủ doanh nghiệp sẽ nắm bắt được chi tiết thông tin xe chạy và quản lý dễ dàng hơn. Nếu hóa đơn thể hiện không chính xác thì khách hàng có thể gọi trực tiếp lên tổng đài để hãng có hướng xử lý ngay sau đó. Hơn thế nữa, giải pháp hóa đơn này còn đem lại sự công bằng cho hành khách đi taxi, bởi khách sẽ biết giá cụ thể còn doanh nghiệp cũng không thể tăng giá một cách tùy tiện", ông Thự đúc rút từ thực tế đơn vị mình.
Vẫn còn lo lắng khác
Tuy vậy vẫn còn băn khoăn. Cụ thể, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 12.000 xe taxi của 12 hãng thuộc hiệp hội (chiếm khoảng 90% tổng số taxi toàn thành phố). Nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng giá cả lắp đặt thiết bị in hóa đơn cho khách hàng quá cao. Có doanh nghiệp thì lo lắng, liệu khi triển khai in hóa đơn tính cước có gây phiền hà cho người đi hay không? Bởi để in một hóa đơn cũng ít nhất mất thao tác vài phút, điều này đồng nghĩa khách hàng phải chờ đợi…
"Tại sao thành phố không thử triển khai dịch vụ quẹt thẻ trực tiếp và thanh toán tiền cước bằng online khi đi taxi? Điều này vừa đem lại sự tiện lợi cho khách hàng, thao tác lại nhanh chóng mà vẫn thể hiện rõ các thông tin của chiếc taxi trên hóa đơn", ông Hỷ gợi ý giải pháp.
Theo Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TP Hồ Chí Minh, đơn vị được UBND TP giao triển khai), toàn thành phố có 4 hãng taxi lớn được lắp đặt thử nghiệm đồng hồ tính tiền có thiết bị in hóa đơn gồm: HTX 27-7, Savico, Miền Đông và Mai Linh. Mỗi hãng lắp đặt trên 1 đầu xe và chạy thử trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ ngày 3-7-2014. Trước ý kiến trái chiều của những người cùng kinh doanh taxi, Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho hay, phải đợi sau 1 tháng triển khai thử nghiệm, ngành chức năng sẽ tổng hợp, phân tích và đánh giá lại kết quả rồi mới báo cáo cụ thể lên UBND TP cho ý kiến cuối cùng. Chỉ khi chương trình thực sự thuận lợi mới buộc các doanh nghiệp taxi lắp đặt đại trà trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.