Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành động nhanh, hành động ngay để giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống

Hà Phong - Tiến Thành: Ảnh - Viết Thành| 10/04/2020 08:41

(HNMO) - Sáng 10-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về 4 nội dung: Các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ứng phó dịch Covid-19.

Quảng cảnh hội nghị. Ảnh: VGP

Dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Dự tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu và các Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản, Nguyễn Thế Hùng.

Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương; các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các địa phương tại các điểm cầu trong cả nước.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ cho biết, 4 nội dung bàn thảo hôm nay rất quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Trước tình hình diễn biến và ảnh hưởng của dịch, các quốc gia có cùng hành động là ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn, dập dịch sớm nhất có thể và đưa ra các gói kích thích kinh tế.

Tại Việt Nam, để giảm thiểu tác động của dịch, Chính phủ đã sử dụng tất cả các biện pháp, từ giãn cách xã hội, nới lỏng tiền tệ tới các biện pháp quản lý hành chính. Tuy nhiên, số người nhiễm bệnh vẫn tiếp tục gia tăng.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá, phân tích để thấy được tình hình nghiêm trọng của thế giới và trong nước, qua đó tìm các biện pháp, giải pháp đủ mạnh, dễ hiểu, dễ vận dụng để ngăn chặn dịch bệnh, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. 

Ưu tiên chống dịch, đồng thời hỗ trợ sản xuất

Trong chương trình làm việc, hội nghị đã nghe báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua, các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và công tác chủ động phòng, chống dịch Covid-19 của các bộ, ngành, địa phương.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng toàn diện đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta. Những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp. Các ngành chịu tác động nặng nề là vận tải, da giày, may mặc, tài chính... Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2020 chỉ tăng 3,82%. Đây là mức tăng thấp nhất trong hơn 10 năm qua, chỉ bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra.

Theo ước tính sơ bộ, 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, da giày, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động ngành hàng không tạm nghỉ việc. Tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo... Dự báo trong tháng 4, tháng 5, dịch bệnh còn phức tạp, ước tính khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm.

Đồng chí Nguyễn Chí Dũng thông tin, trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã đặt ưu tiên hàng đầu là phòng, chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân; đồng thời, liên tiếp ban hành các “cú hích”, gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực. Như gói hỗ trợ về an sinh xã hội, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau. 

Về chính sách tài khóa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Gói này được tăng từ hơn 80 nghìn tỷ đồng như dự kiến trước đó lên tới hơn 180 nghìn tỷ đồng, đồng thời mở rộng quy mô về đối tượng doanh nghiệp, tổ chức được hưởng ưu đãi. Ước tính, có tới 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cả nước được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất. Ngoài ra, gói hỗ trợ tiền tệ hiện đã được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cấp, các ngành phải giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020, không để dồn vào cuối năm như những năm trước đây. Số vốn này là gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.

Hội nghị cũng đã nghe các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương. Đáng chú ý, tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đã thông tin một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đồng thời đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định: “Hà Nội cam kết với Thủ tướng sẽ phối hợp với các bộ, ngành trung ương trên địa bàn triển khai quyết liệt, kịp thời, công khai, minh bạch và đúng đối tượng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã được Chính phủ xác định”.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải, các bộ, ngành cùng với Hà Nội đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Thành phố cũng mong muốn các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn, đặc biệt là đường Vành đai 3 trên cao từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long, cố gắng phấn đấu đến tháng 9 sẽ hoàn thành…

Về thể chế, chính sách, Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù về giải phóng mặt bằng như thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện; chỉ đạo các bộ, ngành sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Nghị định số 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội để có điều kiện đẩy nhanh phát triển kinh tế, nhất là kết cấu hạ tầng trong thời gian tới.

Hành động ngay để giảm tác động của dịch bệnh

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp vào nội dung hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương, trong đó Hà Nội, Hải Phòng, đã quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, có các giải pháp rất kịp thời và sắc bén.

Thủ tướng nêu rõ, trong thời điểm hiện nay, chúng ta quyết tâm chống dịch, thực hiện tốt Chỉ thị 16, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, tuy nhiên không ngăn sông cấm chợ, không ngăn cản vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị, vẫn tổ chức sản xuất nhưng phải bảo đảm khoảng cách để không lây nhiễm trong cộng đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: VGP

“Tôi đề nghị chúng ta cùng chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ và có quyết tâm rất cao trong tổ chức thực hiện với tinh thần là dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”, Thủ tướng bày tỏ. Phải tập trung sức lực hơn nữa, tháo gỡ, chấm dứt tình trạng trì trệ, chậm trễ như diễn ra vừa qua ở một số địa phương, một số ngành. Quý I, chúng ta tăng trưởng 3,82% là đáng khích lệ trong bối cảnh suy thoái toàn cầu nhưng đây là mức thấp, nhất là ở một số địa bàn trọng điểm, “chúng ta phải tự suy nghĩ cái này để phấn đấu tốt hơn”. Cùng với quyết tâm, chỉ đạo phải cụ thể, sáng tạo hơn trên tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ.

Nêu rõ Chính phủ sẽ trực tiếp giải quyết 91 kiến nghị mà các tỉnh, thành phố nêu ra tại hội nghị, Thủ tướng lấy ví dụ về vấn đề xuất khẩu gạo của An Giang và khẳng định “sẽ có văn bản trả lời về xuất khẩu gạo”. Xuất khẩu gạo phải được kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực nhưng khuyến khích xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi của người nông dân.

Đặc biệt, phải tìm thị trường mới, phải đổi mới cách làm, phải thay đổi thói quen. Phải xử lý nghiêm sự chậm chạp, vô trách nhiệm, từ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đến đầu tư, an sinh xã hội, trật tự xã hội, “có một số việc vô trách nhiệm, kéo dài mãi không chịu làm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng lưu ý, phải đẩy mạnh sản xuất, cùng với xuất khẩu, phải chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân. Bên cạnh sản xuất và lưu thông thuận lợi thì chống đầu cơ, nâng giá, nhất là thịt lợn. Chú ý đẩy mạnh công tác đối ngoại khi năm nay, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.

Về truyền thông, phải tạo nên động lực mới, tạo sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân. “Với tinh thần đó, tôi tin một khí thế mới, quyết tâm mới trong giai đoạn sắp tới đây sẽ vượt khó đi lên, bảo đảm sản xuất, đời sống, ổn định xã hội để thực hiện mục tiêu kép, đó là đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới, nhất là địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp vào vấn đề này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để đưa vào nghị quyết của Chính phủ

“Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tập trung làm ngay những việc cấp bách trong thẩm quyền của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương. Những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội thì sẽ báo cáo, xin ý kiến ngay. Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt thì mới có thể giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống kinh tế - xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hành động nhanh, hành động ngay để giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.