Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng Việt:“Cắm rễ” trên “sân nhà”

Gia Bình| 28/09/2011 07:42

(HNM) - Hơn hai năm thực hiện cuộc vận động (CVĐ)


Người dân được mua nhiều sản phẩm nội chất lượng tốt với giá thành rẻ từ những phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”. Ảnh: Đức Thành

Người tiêu dùng (NTD) đã có những đánh giá khách quan hơn về chất lượng hàng nội. Từ chỗ khan hiếm, đến nay hàng hóa trong nước đã đáp ứng được nhu cầu thị trường, với giá hợp lý. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp, biên giới, hải đảo... đã giúp NTD tiếp cận trực tiếp với thương hiệu Việt, có thêm thông tin để tránh hàng giả, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển. Hàng Việt đã có sức lan tỏa, ngày càng có mặt nhiều hơn trong siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ ở cả thành thị và nông thôn. Tại nhiều siêu thị, hàng nội đã chiếm tỷ lệ 70-90%. Đến nay, hơn 60% NTD quan tâm, ưu tiên sử dụng hàng nội, nhất là với các sản phẩm dệt may, những tháng đầu năm nay tuy NTD phải thắt chặt chi tiêu song các sản phẩm này vẫn tăng trưởng ở mức 22-25%. Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng hóa tại các cửa hàng và siêu thị thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) được bán rất đa dạng, có tới 90% sản phẩm có nhãn hiệu "Made in Vietnam". Đại diện chuỗi siêu thị Hapro cho biết: "Hàng hóa Việt giờ đã đẹp hơn, chất lượng hơn, nên cũng thu hút NTD hơn trước...". Vị này nhấn mạnh, ở chuỗi siêu thị của Hapro, từ đồ ăn, thức uống, đến những mặt hàng tiêu dùng cao cấp, như đồ điện tử, trước kia hàng ngoại chiếm ưu thế, nay đã nhường lại cho các mặt hàng sản xuất trong nước. Chị Nguyễn Kim Ngân, ở phố Bà Triệu chia sẻ: Trước đây mình cũng như chị em trong cơ quan luôn thích hàng ngoại. Cứ đi siêu thị là phải "Made in Japan", "Produce by Italia" mới mua, cho dù hàng hóa đó chỉ là những vật dụng trong gia đình. Nhưng giờ tâm lý đó đã bị "lung lay" bởi chất lượng và mẫu mã của hàng hóa sản xuất trong nước. Chẳng hạn, đồ gốm sứ Minh Long, chất lượng không kém hàng ngoại mà giá lại hợp lý, hay sản phẩm may mặc trong nước cũng đã được cải tiến về chất liệu, phối màu...

Theo thống kê của một số siêu thị lớn như BigC, Fivimart... từ đầu năm đến nay, tổng mức lưu chuyển hàng hóa sản xuất trong nước lên đến 80-90%. Nhiều mặt hàng đã dần thay thế được sản phẩm của Thái Lan, Indonesia, Malaysia. NTD cũng đã chú trọng lựa chọn các mặt hàng sản xuất trong nước. Theo nhiều chuyên gia, không chỉ tại các thành phố lớn, mà ngay tại các vùng nông thôn, trước đây vốn là "sân nhà" của hàng ngoại, hàng lậu, hàng kém chất lượng, thì nay với chính sách kích cầu của Chính phủ, thông qua chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, nhiều DN đã bất ngờ bởi hàng hóa bán rất chạy... Như vậy, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các vùng xa, biên giới hải đảo là một chủ trương đúng. Ở không ít địa phương vùng sâu, vùng xa, người nông dân đã có cuộc sống ổn định. Khi đã có thu nhập, họ sẽ có nhu cầu mua hàng hóa... Vì thế, phải có hàng, giá hợp lý để đưa về nông thôn. Đại diện Bộ Công thương khẳng định, NTD Việt vẫn rất tin dùng hàng Việt, điều quan trọng là DN phải biết nắm bắt nhu cầu, nhất là thị trường trong nước (gồm chủng loại, mẫu mã, chất lượng, giá cả). Muốn thế, DN phải đổi mới công nghệ, phát triển cơ sở sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, tìm hiểu tập quán của từng vùng miền... để đáp ứng nhu cầu. Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, với mẫu mã phong phú, giá cạnh tranh, hàng may mặc trong nước giờ đã không kém các sản phẩm nhập khẩu. Mạng lưới của Vinatex đã phát triển tới hơn 20 tỉnh, thành phố, với tổng số 55 siêu thị và hơn 20 cửa hàng thời trang. Chiến lược của Vinatex là tiếp tục mở rộng hệ thống bán lẻ, đưa hàng tới các khu dân cư và tiếp cận mọi đối tượng khách hàng và "cắm rễ" trên mọi miền của đất nước...

Sau một thời gian thực hiện CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã có gần 60 phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn" được tổ chức tại các tỉnh, thành phố trên cả 3 miền đất nước với hơn 600 lượt DN tham gia, với tổng doanh thu khá lớn và đặc biệt đã thu hút hơn 800.000 lượt người dân đến tham quan, mua sắm. Sau các chuyến hàng này, có thêm nhiều DN cam kết sẽ đồng hành đưa hàng về nông thôn. Hầu hết các DN đã tham gia đều nhận thức được đây là một thị trường đầy tiềm năng. Trên cơ sở đó, các DN đã phối hợp, thiết lập hệ thống bán hàng phù hợp với phân khúc thị trường này để thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, miền núi và thành phố. Với cách làm này, hàng Việt đã "cắm rễ" được trên "sân nhà" mở ra cơ hội cho các DN trong việc chinh phục NTD và chiếm lĩnh "sân nhà". NTD đã có sự so sánh về giá, chất lượng giữa hàng nội và ngoại trước khi chọn mua. Điều đáng mừng là khuynh hướng chọn hàng Việt thay cho hàng ngoại trong tiêu dùng hằng ngày ngày càng cao. Tuy nhiên, để CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đạt hiệu quả như mong muốn, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các hiệp hội ngành nghề, sự nỗ lực của các DN, sự ủng hộ của xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng Việt:“Cắm rễ” trên “sân nhà”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.