(HNM) - Hiện nay, người dân các xã Thái Hòa, Phong Vân, Chu Minh (huyện Ba Vì) đang đứng ngồi không yên bởi dòng sông
Nỗi lo "hà bá"
Đi khảo sát dọc bờ hữu sông Hồng, từ xã Thái Hòa xuống Phong Vân và Chu Minh, chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước sự tàn phá của dòng Sông Hồng. Tại địa bàn thôn Trung Hà (xã Thái Hòa) có hai điểm sạt lở với chiều dài hơn 800m. Đây là đoạn sông chưa được kè mái và hộ chân nên bờ mái sông dốc đứng, có độ chênh lệch khoảng 10m, vì vậy hằng năm vào mùa mưa lũ, dòng chủ lưu Sông Hồng thường thúc thẳng vào bờ, gây ra các hõm sạt lở áp sát các công trình dân sinh.
Đường bê tông của nhân dân thôn Trung Hà bị sạt lở nghiêm trọng. |
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt (xóm Đình, thôn Trung Hà), trước kia bờ Sông Hồng còn cách khu vườn nhà ông 50-60m, vậy mà chỉ trong có mấy năm, dòng sông đã lấn sát ngôi nhà gia đình đang ở. "Năm 2014, gia đình tôi đã bốn lần mua đất, đá về gia cố và trồng cây bảo vệ nhưng chẳng thấm tháp gì, mỗi khi nước lên dòng sông lại cuốn trôi tất cả" - ông Đạt lo lắng cho biết. Còn ông Nguyễn Văn Bồng (xóm Bãi, thôn Vân Hội, xã Phong Vân) luôn thấp thỏm vì không biết nhà mình bị "hà bá" cuốn trôi lúc nào. Trước đây gia đình có hơn 3 sào đất vườn trồng cây ăn quả, nay chỉ còn vài chục mét vuông đất để hoang, không thể canh tác được do Sông Hồng liên tục xâm lấn. Ông Bồng nhẩm tính, hiện nay thôn Vân Hội có khoảng 150 hộ dân bị dòng sông cuốn trôi 50-60% diện tích đất thổ cư, nhiều gia đình đã phải di chuyển nhà cửa, công trình phụ sang vị trí khác để bảo đảm an toàn...
Ngay sát xã Phong Vân là thôn Chu Quyến 1, xã Chu Minh có hơn 100 hộ dân cũng đang phải sống trong hoang mang, lo lắng. Hiện khu vực này có 16 điểm sạt lở nghiêm trọng với chiều dài hơn 500m. Trong số các gia đình này, trường hợp hộ ông Đỗ Công Hiền ở thôn Chu Quyến 1 bị sạt lở nhiều đất thổ cư nhất. Hiện gia đình phải di chuyển toàn bộ công trình phụ. Ông Hiển cho biết, mấy năm gần đây, do sự biến đổi của dòng chảy, mùa mưa, nước Sông Hồng phía thượng nguồn đổ về đã thúc thẳng vào thôn Chu Quyến 1 gây ra hiện tượng xói lở cục bộ. Để hạn chế sự xâm lấn của dòng nước, các hộ dân trong thôn đã trồng tre dọc bờ sông, góp tiền mua đất, đá hộc về gia cố những điểm sạt lở nhưng chẳng thấm vào đâu. Hằng năm, mỗi khi lũ về, dòng nước lại khoét thêm 3-5m đất thổ cư của các gia đình trong thôn.
Cần sớm được đầu tư tu bổ
Theo ông Đào Quốc Vương, Hạt trưởng Hạt quản lý đê Ba Vì, huyện Ba Vì là nơi hợp lưu của ba sông lớn: Sông Đà, Sông Hồng và Sông Lô, trong đó có hơn 36km đê cấp quốc gia. Những năm trước đây, Nhà nước cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xử lý chống sạt lở, hộ chân một số điểm xung yếu song do địa bàn có hai ngã ba sông lớn nên dòng chảy diễn biến phức tạp, khó lường. Dòng chủ lưu Sông Hồng thường xuyên áp sát bờ hữu đã tác động đến sự ổn định bờ sông gây ra hiện tượng sạt lở nối tiếp tại một số vị trí, đe dọa đến sự an toàn của công trình đê, kè và ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Qua kiểm tra cho thấy các vị trí: K0+400 - K1+050, có chiều dài gần 800m (địa bàn xã Thái Hòa); từ K2+00 đến K3+200, với chiều dài khoảng 1.200m, (địa bàn xã Phong Vân); vị trí K21+500 - K22+800, dài 1.300m (xã Chu Minh) bị sạt lở nghiêm trọng nhất. Những khu vực này thềm bờ sông cao, có độ chênh lệch rất lớn, một số đoạn đã bị sạt trượt lấn sát vào khu dân cư, nhiều điểm chỉ còn cách nhà ở của dân khoảng 3-5m. Hiện nay, Hạt Quản lý đê Ba Vì đã báo cáo huyện và UBND TP Hà Nội để có phương án ứng phó.
Ông Nguyễn Đình Dần, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết, từ cuối năm 2014 đến nay, đã có 3 đoàn kiểm tra của thành phố và Sở NN&PTNT lên khảo sát, đánh giá hiện trạng và mức độ sạt lở và đều đồng ý về nguyên tắc cho xử lý sự cố. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên chưa thể triển khai khắc phục ngay. "Hiện nay UBND huyện Ba Vì đã chỉ đạo các phòng, ban và UBND các xã trên phân công lực lượng, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và chuẩn bị các biện pháp xử lý tạm thời. Còn về lâu dài, thành phố sớm có phương án xử lý khẩn cấp các điểm sạt lở trên để bảo đảm an toàn công trình đê kè, tài sản và tính mạng của nhân dân" - ông Dần kiến nghị.
Mùa mưa bão 2015 đang đến rất gần, do đó, việc sớm có giải pháp ứng phó khẩn cấp cũng như kế hoạch lâu dài để hạn chế thấp nhất thiệt hại là điều người dân các xã nằm ven Sông Hồng của huyện Ba Vì đang mong đợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.