Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng tồn kho vẫn ở mức cao

Thùy Linh| 30/03/2013 08:08

(HNM) - Kinh tế quý I-2013 của TP Hồ Chí Minh tăng trưởng ở cả ba lĩnh vực: Dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, công nghiệp. Điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh từng bước được phục hồi. Tuy nhiên vẫn còn một chặng đường dài với nhiều giải pháp đồng bộ mới hy vọng vượt qua khó khăn.


Hàng loạt số liệu thống kê cho thấy trong ba tháng đầu năm sự tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh là khá toàn diện và cao hơn cùng kỳ.

Sức mua tăng đã kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh.



Đáng lưu ý, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (đã loại trừ yếu tố biến động giá) tăng 7,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,7%). Tương ứng với mức tăng của bán lẻ chỉ số tồn kho đã giảm 1,8% so với tháng trước (tính đến thời điểm ngày 1-3). Trong đó, giày da giảm 25,3%, đồ uống giảm 21,9%, chế biến thực phẩm giảm 21,2%, hóa chất giảm 8,4%, may giảm 7,6%… Riêng vật liệu xây dựng, chỉ số tồn kho vẫn cao do bị tình trạng bất động sản đóng băng; sản phẩm điện tử cũng tăng 93,4%. Về tình hình sản xuất, chỉ số công nghiệp ước tăng 3,6% (cùng kỳ tăng 2,7%). Xuất khẩu trong 3 tháng đạt gần 6.600 triệu USD, tăng 12,8% (cùng kỳ tăng 8,6%). Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp ngành da giày, gỗ đã có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 6, một số có đơn hàng đến cuối năm. Trong 3 tháng đầu năm, tình hình doanh nghiệp đăng ký nghỉ kinh doanh cũng có chiều hướng giảm. Ngoài ra còn có 1.830 doanh nghiệp xin tái hoạt động cho thấy những doanh nghiệp này đã bước đầu vượt qua khó khăn. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) dù số lượng dự án có giảm nhưng tổng vốn đầu tư và số vốn điều chỉnh tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ cho thấy dấu hiệu sự tăng trưởng trở lại của dòng vốn FDI vào thành phố.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thời gian tới, thành phố tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn vốn lãi suất thấp để sản xuất kinh doanh. Từ đầu năm đến nay các quận, huyện và ngân hàng đã thực hiện được 2 chương trình kết nối vốn tại quận 6 và quận 8. Tại buổi kết nối ở quận 6 đã có 34 doanh nghiệp và nhiều tiểu thương tại các chợ trên địa bàn được vay 671 tỷ đồng với lãi chủ yếu dưới 11%. Còn ở quận 8, các ngân hàng đã ký kết bản ghi nhớ hỗ trợ cho 32 doanh nghiệp và 10 hộ kinh doanh trên địa bàn quận này gần 365 tỷ đồng với mức lãi suất từ 11% - 12%/năm. Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm hiện có 4 ngân hàng cam kết hỗ trợ 1.500 tỷ đồng với lãi suất 6% cho các doanh nghiệp tạo nguồn hàng bình ổn. Thời gian qua một số quận, huyện và ngân hàng đã thực hiện tốt việc kết nối nhưng một số vẫn chưa tích cực, UBND thành phố sẽ gửi danh sách đôn đốc từng địa phương, đơn vị thực hiện điều này, tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Dù kinh tế được tăng trưởng khá toàn diện, nhưng tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I-2013, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã lưu ý các dấu hiệu về sự tăng trưởng chưa bền vững. Đó là tăng trưởng của quý I-2013 cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng này vẫn còn thấp. Bên cạnh đó là giá trị gia tăng trong sản xuất rất thấp, điển hình là kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng chủ yếu tăng ở các mặt hàng gia công (xuất khẩu máy tính, sản phẩm và linh kiện điện tử tăng 86%, dầu thô tăng gần 40%, dệt may tăng gần 26%...). Ông Lê Hoàng Quân cũng lưu ý là hàng tồn kho có giảm nhưng vẫn ở mức cao do sức tiêu thụ còn thấp; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở lĩnh vực bất động sản làm ảnh hưởng đến nhiều ngành khác như sắt, thép, xi măng… Chính vì vậy, để kinh tế thực sự tăng trưởng ổn định, TP Hồ Chí Minh sẽ tích cực đẩy mạnh các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp như đã và đang thực hiện.

Quý I-2013, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn ước đạt gần 113.000 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng 7,4%); trong đó dịch vụ tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 8%), công nghiệp và xây dựng tăng 6,8% (cùng kỳ tăng 6,6%), nông nghiệp tăng 4,8% (cùng kỳ tăng 4,5%).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hàng tồn kho vẫn ở mức cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.