Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng quán lấn chiếm vỉa hè tại Hà Nội: Tác nhân gây mất an toàn thực phẩm

Thu Trang| 18/06/2020 06:32

(HNM) - Dù đã có nhiều chiến dịch ra quân xử lý, nhưng theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới trong hai ngày 15 và 16-6, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để bán hàng ăn, uống tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường tái diễn. Nguyên liệu không rõ nguồn gốc, quá trình sơ chế qua loa, khâu vệ sinh dụng cụ tạm bợ, phớt lờ các biện pháp phòng dịch Covid-19 trong tình hình mới... là mối nguy hại từ những quán ăn nơi vỉa hè này.

Vỉa hè một đoạn phố Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa) bị hàng quán phủ kín, không còn lối cho người đi bộ. Ảnh: Trang Thu

Hàng quán tạm bợ… vẫn “hút” khách

17h ngày 15-6, vỉa hè gần số nhà 52 đường Ngọc Lâm (quận Long Biên) biến thành địa điểm kinh doanh lý tưởng của quán cháo vịt. Tại đây, 3-4 dãy bàn ghế được chủ quán xếp thành hàng ngang, che kín vỉa hè, không còn lối đi dành cho người đi bộ. Cách đó không xa, từ số nhà 156 đến 160 đường Ngọc Lâm cũng trở thành tụ điểm ẩm thực của nhiều người. Đây còn là nơi tập kết rác thải, nhưng người dân vẫn vô tư ngồi ăn…

Khảo sát của phóng viên vào 19h ngày 15-6 tại phố Đại Cồ Việt và Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng), các quán nướng, trà chanh đua nhau tận dụng từng mét vuông vỉa hè để xếp bàn ghế “xí chỗ”. Tại tiệm trà chanh TMore (86 Trần Khát Chân), bàn ghế, xe máy phủ kín vỉa hè, khiến người đi bộ phải vòng xuống lòng đường.

Từ lâu người dân sống trên phố Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa) bức xúc vì vỉa hè nơi đây bị nhiều nhà hàng, quán ăn biến thành của riêng. Cách đó không xa, trên đoạn phố Hồ Đắc Di ven hồ Xã Đàn cứ chiều đến là có 3-4 hàng bán thịt xiên nướng trên hè hun mù mịt khói. “Lấn chiếm vỉa hè, rồi rác thải... từ các quán hàng đã làm cho cả đoạn vỉa hè này luôn mất mỹ quan, ngột ngạt…”, bà Nguyễn Thị Hồng, người dân sống gần khu vực này cho biết. Có mặt tại khu vực này vào 20h tối 15-6, từ nhà số 101 đến nhà số 119 D1 phố Đặng Văn Ngữ, có tới 20 quán ăn, bia hơi với hàng trăm bộ bàn ghế xếp kín hè, nhiều xe máy, ô tô phủ kín cả trăm mét vỉa hè, lòng đường.

Tương tự, 12h ngày 16-6, trước cửa quán cà phê Anh, số nhà 188/6 phố Quán Thánh (quận Ba Đình), một quán bún đậu mắm tôm "mọc lên" ngay tại vỉa hè chỉ với đôi quang gánh, mấy chiếc ghế con và những chai lọ cáu bẩn đựng mắm tôm, dầu ăn... không nhãn mác. Không đeo khẩu trang, không dùng găng tay, chủ quán vô tư dùng tay trần cắt bún, bốc rau cho khách...

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, thành viên Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên do các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố luôn biến động về địa điểm kinh doanh, chủ yếu hoạt động ngoài giờ hành chính nên việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của tuyến xã, phường, thị trấn gặp nhiều khó khăn. Đáng nói, nhiều đối tượng cố tình vi phạm vì lợi nhuận trước mắt, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Nói “không” với thực phẩm không an toàn

Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 5 tháng đầu năm 2020, toàn quốc đã ghi nhận 48 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 870 người mắc, 824 người nhập viện điều trị và 22 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 11 vụ ngộ độc thực phẩm, số người mắc tăng 18 người và tử vong tăng 17 người. “Một trong những nguy cơ gây ngộ độc là việc sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, bảo quản thực phẩm chưa đúng quy định”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết.

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ, các quán hàng vỉa hè không có tủ bảo quản, thức ăn được bày “lộ thiên”, gần cống rãnh..., nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay càng khiến đồ ăn, thức uống nhanh bị nhiễm khuẩn. Đặc biệt, các quán ăn vỉa hè có nguồn nước sinh hoạt không bảo đảm, trong khi các món đồ nướng như: Chân gà, nội tạng... đòi hỏi phải sơ chế thật sạch, nếu làm qua loa, những loại ký sinh trùng và vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể, gây nên một số bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, tả, thương hàn...

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, để xử lý dứt điểm vi phạm kể trên lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp cơ sở cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh thức ăn đường phố; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.

“Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần tự bảo vệ mình, hãy nói “không” với thực phẩm không an toàn. Mặt khác, khi phát hiện cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm không bảo đảm an toàn, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý”, ông Trần Văn Chung khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng quán lấn chiếm vỉa hè tại Hà Nội: Tác nhân gây mất an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.