(HNM) - Trước xu thế cạnh tranh ngày càng quyết liệt để giành thị phần trong phân khúc thời trang dành cho nam giới, nhiều DN dệt may trong nước như Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, Đức Giang, Việt Thắng… đã, đang có bước chuyển mạnh trong việc thiết kế, tiếp thị và phân phối sản phẩm.
Khách hàng lựa chọn sơ mi nam tại một điểm giới thiệu sản phẩm của Công ty May 10. Ảnh: Việt Hương
Hướng đến phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình có các thương hiệu mới xuất hiện, như Việt Long (Tổng Công ty May Việt Tiến); Monda, Novelty (May Nhà Bè)…; phân khúc trung cao cấp có các thương hiệu Viettien Smart Casual, Mattana, Buss Figo… Riêng ở phân khúc thị trường cao cấp, nhiều DN đã đưa ra những dòng sản phẩm khẳng định đẳng cấp của mình và ngay khi xuất hiện trên thị trường đã nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng (NTD), nhờ đó mức tiêu thụ tăng mạnh, thị phần ngày càng mở rộng. Trong đó, phải kể đến các thương hiệu, như San Ciaro, Manhattan (Việt Tiến), Eternity GruZ (May 10)… đã cạnh tranh được với nhiều thương hiệu nổi tiếng quốc tế đang có mặt trên thị trường trong nước, như Valentino Rudy, Pierre Cardin, Bonia, Alain Delon, Arrow…
Thực tế cho thấy, ngoài một số ít NTD có thu nhập cao ưa dùng những sản phẩm mang thương hiệu quốc tế có giá bán cao gấp nhiều lần những sản phẩm thời trang "nội" cùng loại, thì phần lớn NTD vẫn chọn lựa sản phẩm cao cấp trong nước do chất lượng, kiểu dáng ngày càng được các DN đầu tư kỹ và có giá hợp lý hơn. May 10 là một trong những DN đã xây dựng nhiều thương hiệu thời trang từ trung đến cao cấp được NTD trong nước tin dùng. Trước đó, Tổng Công ty May Việt Tiến đã đưa ra thị trường hai thương hiệu thời trang nam sang trọng, gồm San Ciaro mang phong cách Italy và Manhattan mang phong cách Mỹ. Đến nay, Việt Tiến đã có hệ thống 23 cửa hàng trên cả nước chuyên bán sản phẩm mang hai thương hiệu này. Trong khi đó, May Nhà Bè tiếp tục đầu tư ba dòng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Sản phẩm trung bình chủ yếu đáp ứng nhu cầu thị trường nông thôn, hai dòng sản phẩm trung cao cấp và cao cấp chủ yếu phục vụ nhu cầu thành thị. Năm nay, DN này phấn đấu đạt doanh thu nội địa 420 tỷ đồng, trong đó 85% doanh số tiêu thụ dựa trên hai dòng sản phẩm trung bình và trung cao cấp. Mặc dù NTD phải thắt chặt chi tiêu, nhưng ngành dệt may vẫn đạt mức tăng trưởng khá, sản phẩm dệt may đã có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường nội địa.
Theo dự báo của các chuyên gia, cuộc cạnh tranh trong phân khúc thị trường thời trang cho nam giới sẽ tiếp tục gia tăng với sự xâm nhập sâu rộng hơn của các thương hiệu quốc tế qua nhiều phương thức khác nhau, như thiết lập hệ thống kinh doanh qua nhà phân phối hay đại lý, hình thức nhượng quyền thương mại, hợp tác sản xuất, kinh doanh... Vì vậy, việc DN quan tâm phát triển thị trường nội địa được coi là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh tốt hơn với hàng ngoại tại "sân nhà", các DN cần chú trọng phát triển mạng lưới bán lẻ từ nông thôn đến thành thị. Bên cạnh đó, DN cần xây dựng các trung tâm thiết kế mẫu để sản phẩm hợp với xu thế thời trang và thị hiếu của NTD; nghiên cứu áp dụng công nghệ mới, nguyên liệu mới để tạo ra các sản phẩm dệt may chất lượng cao, có tính khác biệt...
Hy vọng với bước chuyển mình khá mạnh trong việc thiết kế, phân phối các sản phẩm thời trang công sở nam ra thị trường trong nước, các đấng "mày râu" sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn cho mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.