(NSHN) - Ngày 15-4, tại UBND xã Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với UBND huyện Mê Linh chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Mê Linh tổ chức “Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2023”. Có tổng số 1.292 chỉ tiêu tuyển dụng của 32 đơn vị doanh nghiệp tại phiên này.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, việc tổ chức Phiên giao dịch việc làm huyện Mê Linh có ý nghĩa thiết thực, là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường lao động, đặc biệt là để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn huyện và khu vực lân cận. Phiên giao dịch không chỉ tạo môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, mà còn là cơ hội tốt để lực lượng lao động trẻ tiếp cận với thị trường lao động, được cung cấp về thông tin thị trường lao động, từ đó học hỏi, trau dồi, trang bị thêm cho mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản, khả năng thích nghi với những biến động thị trường việc làm khi ra trường, tăng thêm kinh nghiệm khi tiếp cận thị trường lao động.
Nói riêng về hiệu quả hoạt động của Sàn giao dịch việc làm vệ tinh Mê Linh, ông Nguyễn Tây Nam cho biết: Trong những năm qua, Sàn giao dịch việc làm vệ tinh Mê Linh đã thực hiện thành công nhiệm vụ là cầu nối giới thiệu, tư vấn việc làm cho người lao động, giúp họ tìm được việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống. Từ khi thành lập đến nay, Sàn giao dịch việc làm vệ tinh Mê Linh đã tổ chức 661 phiên giao dịch việc làm với tổng số 2.199 doanh nghiệp tham gia phỏng vấn tuyển dụng; số lao động tham gia phỏng vấn trực tiếp và kết nối online là 12.841 người; trong đó, lao động đã trúng tuyển là 3.847 người.
Hàng nghìn người lao động đã cùng góp mặt tại phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh. Tổng hợp nhu cầu tuyển dụng, xuất khẩu lao động của các đơn vị tham gia cho thấy, có 32 doanh nghiệp đăng ký 1.292 chỉ tiêu tuyển dụng. Trong tổng số 32 doanh nghiệp tham gia, có 15/32 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, chiếm 46,8%. Ngoài ra còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, vận tải, viễn thông, xuất khẩu lao động...
Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học – cao đẳng chiếm tỷ lệ cao nhất với 548/1.292 lao động, chiếm tỷ lệ 42,4%. Có 385 chỉ tiêu có mức thu nhập cao từ 10 triệu đồng trở lên, chiếm 29,7% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Các chỉ tiêu có mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng chiếm tỷ lệ lớn nhất, với 521 chỉ tiêu (chiếm 40,3% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng). Đây là mức thu nhập của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: Kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, các vị trí lao động phổ thông có tay nghề…
Ghi nhận nỗ lực của các đơn vị trên địa bàn trong công tác tổ chức, góp phần thu hút đông đảo người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết: Cùng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, huyện rất tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường và giải quyết việc làm cho người lao động như: Tiếp nhận thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và tuyên truyền, phổ biến tới nhân dân thông qua hệ thống truyền thanh, cổng thông tin điện tử huyện, các trang fanpage cộng đồng, các bản tin chung của thôn, tổ dân phố...
Cùng với đó, huyện triển khai hiệu quả Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo cho lao động huyện giai đoạn 2021-2025. Trong đó, năm 2022, huyện đã tổ chức đào tạo 5 lớp với 175 học viên học nghề; năm 2023 dự kiến tổ chức 8 lớp đào tạo nghề cho 280 học viên; sau học nghề, các học viên được giới thiệu tới các cơ sở, doanh nghiệp để liên hệ tuyển dụng. Huyện cũng chủ động tư vấn, hướng nghiệp cho đối tượng học sinh và liên hệ với các trường trung cấp, cao đẳng để liên kết đào tạo nghề cho học sinh lớp 12 theo chỉ đạo của thành phố. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương (năm 2022, giải quyết việc làm cho 2.670 lao động; 3 tháng đầu năm 2023 giải quyết việc làm cho 906 lao động).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.