(HNM) -
Hàng nghìn mét vuông đất công bị lấn chiếm
Để làm rõ những nội dung bạn đọc phản ánh, phóng viên Hànộimới đã có buổi làm việc với đại diện chính quyền xã Liên Trung và được biết: Ven đê quai đường 422 (tỉnh lộ 79 cũ) chạy qua địa bàn xã Liên Trung có 4 hồ với tổng diện tích trên 10ha, gồm hồ Tháp Quý, hồ Cửa Cầu, hồ Mực và hồ Chậu. Từ nhiều năm nay, cả 4 hồ trên đều được giao thầu cho các hộ dân trong xã để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, từ đầu những năm 1980 trở lại đây, một số hộ dân đã lấn chiếm cơ đê quai, các hồ nêu trên và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp giáp với các hồ để đổ đất, cát, xây dựng lán xưởng sản xuất.
Nhiều vi phạm tại hồ Mực chưa được xử lý. |
Quan sát thực tế tại khu vực hồ Mực, hồ Tháp Quý, tình trạng lấn chiếm đất hồ để dựng lán xưởng sản xuất, kinh doanh đồ mộc diễn ra tràn lan. Các lán xưởng được làm đơn giản, chủ yếu chỉ dựng cột sắt, lắp mái tôn, xung quanh lán xưởng được làm bằng những tấm tôn hoặc gỗ ghép lại. Ngoài ra, tại các hồ này còn tồn tại một vài bãi đất rộng mới được đổ, xung quanh được xây dựng tường bao, thậm chí có cả các cột bê tông cốt thép cao được dựng lên… Hầu hết các hộ lấn chiếm đất hồ đều sản xuất ổn định từ nhiều năm nay.
Theo thống kê của UBND xã Liên Trung, chỉ tính riêng số hộ vi phạm tại 4 hồ ven đê quai 422 đã lên tới 32 trường hợp với tổng diện tích vi phạm lên đến gần 3.700m2, thế nhưng đến nay các vi phạm này vẫn chưa được xử lý. Đáng nói, một số hộ lấn chiếm diện tích lớn, dựng lán xưởng sản xuất như: Hộ ông Nguyễn Quốc Tuấn (cụm 2) chiếm 250,2m2 tại hồ Mực; Thái Ngọc Tùng (thôn Hạ) chiếm 248,3m2 tại hồ Chậu; Nguyễn Công Hưng (cụm 2) chiếm 280,5m2 tại hồ Cửa Cầu. Ngoài ra, còn nhiều hộ lấn chiếm đất công với diện tích từ 100m2 đến 150m2 để dựng lán xưởng sản xuất. Không chỉ các vi phạm trên chưa được xử lý, ngay trên cơ đê quai, một số vi phạm cũng vẫn tồn tại, các hộ dân vẫn sản xuất bình thường (?)
Cần xử lý nghiêm minh
Ông Nguyễn Tiến Thanh, cán bộ địa chính xã Liên Trung cho biết, tất cả các trường hợp vi phạm tại cơ đê quai và các hồ ven đê đều đã có hồ sơ vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Lý do, nhu cầu sử dụng mặt bằng để làm nghề của các hộ dân trong xã quá lớn, trong khi đó hầu hết các hộ không còn chỗ sản xuất nào khác; đất tại cụm điểm công nghiệp làng nghề đến nay vẫn chưa được chia; hơn nữa vi phạm lại diễn ra từ rất lâu. Song, đối với những vi phạm mới, quan điểm của xã là ngăn chặn, xử lý dứt điểm ngay từ khi phát sinh, không để tái phạm. Cũng theo ông Thanh, với quyết tâm "bóc dỡ" vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, từ đầu năm đến nay, tại khu vực hồ Mực (cụm 2) có 3 trường đổ đất, xây dựng trái phép đều bị UBND xã lập biên bản và xử lý ngay.
Được biết, cuối năm 2013, UBND xã Liên Trung đã thành lập Tổ kiểm soát phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi đổ đất, rác thải xây dựng lấn chiếm hồ, đất công, làm lều lán trái phép trên đất nông nghiệp từ hồ Chậu (thôn Hạ) đến hồ Tháp Quý (cụm 1), đồng thời thành lập Tổ công tác kiểm tra, rà soát vi phạm đất đai. Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14-1-2014 của UBND TP Hà Nội và Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 10-3-2014 của UBND huyện Đan Phượng về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn Hà Nội, UBND xã Liên Trung đã xây dựng kế hoạch về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn...
Thiết nghĩ, cùng với việc tăng cường kiểm tra để kịp thời ngăn chặn vi phạm mới phát sinh, UBND xã Liên Trung cần tập trung rà soát, sớm hoàn thiện hồ sơ các trường hợp vi phạm để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.