(HNM) - Đến thời điểm này một số trường đại học (ĐH) vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 nhưng đồng thời cũng công bố luôn việc xét tuyển đợt bổ sung dù thời điểm nhận hồ sơ xét tuyển đợt bổ sung theo quy định chỉ bắt đầu từ ngày 21-8 .
Nhiều ngành tiềm năng vẫn “đợi” thí sinh
Theo lãnh đạo các trường ĐH ngoài công lập, trong đợt xét tuyển đợt 1 vừa qua, hầu hết các trường mới chỉ xét được khoảng 50% chỉ tiêu. Vì vậy, đợt xét tuyển bổ sung sắp tới vừa là cơ hội cho các trường tuyển thêm thí sinh (TS) vừa là cơ hội để TS trúng tuyển ngành học mình yêu thích.
Ths. Phạm Doãn Nguyên – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh truyền thông Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh (UEF) cho biết: Kết thúc đợt tuyển sinh nguyện vọng 1, UEF dự kiến tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển Nguyện vọng bổ sung đợt 1 từ 21/8 đến 31/8.
Theo đó, trường dành khá nhiều chỉ tiêu cho nhóm ngành kinh doanh quản lý với mức điểm từ 15 đến 16 như ngành: Kế toán (15), Marketing (15), Quản trị kinh doanh (15.5), Luật Kinh tế (16), Kinh doanh quốc tế (16), Quản trị nhân lực (16)... Riêng ngành Ngôn ngữ Anh, UEF lấy mức 18 điểm với môn tiếng Anh nhân hệ số 2 hay ngành học giàu triển vọng như Thương mại điện tử, thí sinh phải đạt từ 17 điểm trở lên khi nộp hồ sơ xét tuyển.
Để nắm bắt “tấm vé” vào đại học chuẩn quốc tế, thí sinh cần tìm hiểu thông tin cặn kẽ, đối sánh mức điểm nhận hồ sơ với năng lực bản thân, sáng suốt chọn ngành ưu tiên cho các nguyện vọng.
Được biết, trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung này, UEF tiếp tục áp dụng chính sách học bổng tuyển sinh cho các thí sinh có tổng điểm 3 môn từ 21 trở lên.
Trường ĐH Hoa Sen tiếp tục xét tuyển 750 chỉ tiêu cho tất cả các ngành (trừ khối năng khiếu) từ điểm thi THPT quốc gia với điểm xét tuyển bằng điểm chuẩn đợt 1. Bên cạnh đó, trường xét 130 chỉ tiêu cho 3 ngành khối năng khiếu và ngành ngôn ngữ Anh theo phương thức riêng.
Dù điểm trúng tuyển ngành dược học là 17 nhưng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vẫn tiếp tục xét bổ sung ngành này và các ngành khác với điểm xét tuyển là 15.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng xét ngành dược học 16 điểm và các ngành khác 15 điểm với khoảng 2.000 chỉ tiêu. Trường ĐH Lạc Hồng xét 15 điểm cho tất cả các ngành với khoảng 50% chỉ tiêu của trường.
Trao đổi với chúng tôi Nguyễn Thị Diệu Anh, Trưởng phòng TT&SK, Trường ĐH Văn Hiến cho biết “Sau khi kết thúc đợt tuyển sinh nguyện vọng 1 và xét tuyển học bạ đợt 3, mặc dù trường ĐH Văn Hiến nhận được số lượng hồ sơ đăng kí nhiều hơn chỉ tiêu nhưng để tránh nhiều trường hợp hồ sơ ảo, trường tiếp tục xét tuyển theo kết quả học bạ đợt 4 và xét tuyển nguyện vọng bổ sung với 1450 chỉ tiêu cho 14 ngành ĐH , 7 ngành hệ CĐ.
Thí sinh đến xét tuyển tại Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh. |
Các ngành còn nhiều chỉ tiêu là: Kỹ thuật điện tử truyền thông, Văn học, các ngành nhóm ngôn ngữ, Quản trị doanh nghiệp thủy sản. Các trường công lập hầu như không xét tuyển nguyện vọng bổ sung nên đây sẽ là cơ hội dành cho các bạn thí sinh đã xét nguyện vọng 1. Dự kiến sau ngày 5/9, trường sẽ ổn định số lượng sinh viên, phân lớp và bắt đầu đào tạo khóa nhập học năm 2016”
Trường ĐH Văn Lang sẽ tiếp tục xét tuyển những ngành khối công nghệ, kỹ thuật, năng khiếu. Trong đó, các ngành khối công nghệ, kỹ thuật còn rất nhiều cơ hội cho TS trong đợt này.
Nhiều học bổng “Khủng” đang chờ thí sinh
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU) thông báo dành 10 tỷ đồng cấp học bổng cho sinh viên năm học 2016-2017. Trong đó có 100 suất học bổng toàn phần năm nhất dành cho học sinh đã trúng tuyển vào một trường công lập bất kỳ, nộp hồ sơ nhập học vào trường. Học sinh đăng ký tham gia học bổng tại trang web của trường từ bây giờ. Ngoài ra, Quỹ học bổng SIU với tổng trị giá 10 tỷ đồng của năm học 2016-2017 còn bao gồm các suất học bổng trị giá 100% học phí 4 năm đại học; 50% học phí 4 năm đại học; 100%, 50%, 20%, 10% và 5% học phí năm 1 thuộc nhiều hạng mục khác nhau dành cho sinh viên trúng tuyển vào trường.
Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh có nhiều chương trình Học bổng Cử nhân chính quy chuẩn quốc tế: Thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế - Tài chính khóa 2016, có tổng điểm 3 môn xét tuyển từ 27.0 điểm trở lên, không tính điểm ưu tiên; Thí sinh trong đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Giá trị học bổng: Học bổng toàn phần có giá trị 100% học phí. Điều kiện duy trì học bổng: Kết thúc mỗi năm học, điểm trung bình tích lũy của sinh viên đạt từ 3.5 (theo thang điểm 4.0) trở lên. Thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế - Tài chính khóa 2016, có tổng điểm 3 môn xét tuyển từ 24.0 điểm trở lên, không tính điểm ưu tiên. Giá trị học bổng: Học bổng bán phần có giá trị 50% học phí. Điều kiện duy trì học bổng: Kết thúc mỗi năm học, điểm trung bình tích lũy của sinh viên đạt từ 3.2 (theo thang điểm 4.0) trở lên.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT xét tuyển đợt 2 sẽ bắt đầu từ 21-8 đến 31-8-2016 sau khi các thí sinh đã hoàn tất việc nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia vào các trường mình trúng tuyển. Vì vậy, từ sau ngày 19-8, các trường sẽ công bố chỉ tiêu xét tuyển bổ sung nhiều hơn khi đã xác định chính xác số thí sinh xác định nhập học. Theo quy chế, việc xét tuyển đợt 2 mỗi thí sinh sẽ đăng ký 3 trường và mỗi trường 2 nguyện vọng. Cách đăng ký xét tuyển giống như xét tuyển đợt 1 và thí sinh cũng không được quyền rút hồ sơ hay thay đổi nguyện vọng đã đăng ký.Việc xét tuyển bổ sung ở mỗi trường là khác nhau. Nhiều trường lớn đã tuyển đủ chỉ tiêu từ đợt 1 có thế sẽ không tuyển đợt 2. Do đó, thí sinh cần theo dõi trên website các trường để biết cụ thể số lượng chỉ tiêu, điểm nhận hồ sơ cũng như các ngành tuyển bổ sung. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.