(HNMO) - Tháng 11/2012 vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra và tiến hành xử phạt nghiêm khắc đối với một loạt các công ty máy tính vi phạm sở hữu trí tuệ.
Động thái này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của các cơ quan quản lý trong việc bảo vệ quyền lợi thích đáng cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời góp phần tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và thúc đẩy các hoạt động của nền công nghiệp phần mềm Việt Nam.
Một loạt các cửa hàng máy tính bị phát hiện và xử phạt sai phạm bao gồm siêu thị EBEST (một chi nhánh thuộc Công ty TNHH Thiên Thuận Tường, TPHCM); Công ty TNHH Long Bình, TP HCM; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Viễn thông Tin học T.N.B (Cửa hàng Quang Thông), TPHCM; Công ty TNHH Lê Chân Tín, TPHCM và Công ty TNHH Thương mại Tiên Tiến (Avi Shop), Hà Nội.
Các cơ quan chức năng đã phát hiện ra một số các máy tính bày bán tại đây mang nhãn hiệu Dell, Lenovo, Acer, Asus cài đặt phần mềm không bản quyền, trong đó phổ biến là phiên bản Windows 7 Ultimate, Microsoft Office Enterprise 2007; Office professional Plus 2010; Office Enterprise 2007 và Microsoft Office Professional Plus 2007.
Đây là các sản phẩm đã được bảo hộ về quyền tác giả và bất kì hành động cài đặt các phiên bản phầm mềm không có bản quyền các sản phầm này đều vi phạm nghiêm trọng luật sở hữu trí tuệ do nhà nước đề ra. Đồng thời, hành động này mang đã xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của không chỉ nhà sản xuất mà còn cả người tiêu dùng.
Theo Cục Bản quyền Tác giả, tình trạng vi phạm bản quyền đang diễn ra hết sức nghiêm trọng lĩnh vực kỹ thuật số, chương trình máy tính do đặc thù phần mềm không phải là sản phẩm hữu hình và những người vi phạm cho rằng có thể thoát tội dễ dàng. Đồng thời, ý thức và nhận thức của người sử dụng về những rủi ro tiềm ẩn rất nguy hiểm khi sử dụng các phầm mềm “lậu” cũng như quyền lợi của chính mình khi sử dụng phần mềm có bản quyền là chưa cao.
Trên thực tế, việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng không nhiều nơi trên thế giới, việc vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ lại diễn ra công khai và dễ dàng như tại Việt Nam. Một ví dụ điển hình như trong lĩnh vực âm nhạc khi người sử dụng Internet có thể dễ dàng tải xuống rất nhiều bài hát, album cả cũ lẫn mới, của cả ca sỹ trong nước và nước ngoài với chất lượng cao chỉ trong vài chục giây và không mất đồng phí tổn nào.
Các website cung cấp dịch vụ âm nhạc trực tuyến công khai kinh doanh các sản phẩm âm nhạc khi không hề có sự đồng ý của tác giả, xâm phạm mọi quyên sở hữu trí tuệ và thu lợi bất chính những khoản lợi nhuận khổng lồ. Sau một thời gian dài đấu tranh, hội nhạc sĩ và các tác giả đã buộc các trang cung cấp dịch vụ âm nhạc trực tuyến phải thu phí bản quyền đối với người tiêu dùng tải nhạc về máy, nhưng kết quả ban đầu vô cùng èo uột khi chỉ chỉ có hơn 20 triệu đồng tiền tác quyền được thu về trong hơn một tháng triển khai thực hiện (từ 1/11/2012) trong khi thống kê cho thấy vẫn có hàng triệu lượt nghe trực tuyến và tải nhạc về. Trong vấn đề bản quyền phầm mềm, tuy chưa có thống kê chính thức nhưng các chuyên gia cho rằng, tình hình thậm chí còn tệ hơn.
Ông Đào Anh Tuấn, chuyên gia tư vấn của Liên minh phần mềm doanh nghiệp (Business Software Alliance Vietnam) nhận xét: “Sử dụng các chương trình máy tính bất hợp pháp có thể khiến máy tính bị nhiễm visus và các phần mềm nguy hiểm. Một nghiên cứu độc lập mới đây đã chỉ ra rằng tại Việt Nam, 100% các máy tính đã cài đặt hệ điều hành từ đĩa CD không bản quyền giá rẻ bày bán công khai trên thị trường đều có những lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng. Bản thân các đĩa CD cài đặt không bản quyền này cũng chứa rất nhiều mã độc hại và có khả năng phá hoại các thiết bị, dẫn đến việc bị ăn cắp thông tin ổ cứng hoặc mất toàn bộ dữ liệu”.
Ông Tuấn cũng cảnh báo thêm: “Với các khách hàng doanh nghiệp, việc sử dụng các phầm mềm không bản quyền sẽ dẫn đến những lệnh phạt về mặt kinh tế, mất đi tính cạnh tranh. VN đã gia nhập WTO với những cam kết cao nhất về tính công bằng thương mại. Hiện tại, chính phủ Mỹ thông qua một đạo luật, sẽ không chấp nhận các nước xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ mà sử dụng các phần mềm không có bản quyền vì như vậy bị coi là cạnh tranh thiếu lành mạnh”.
Như vậy, có thể thấy, câu chuyện về việc xử lý việc vi phạm bản quyền phần mềm vẫn còn là một cuộc chiến dài cần có sự chung tay của nhà sản xuất, các nhà phân phối, khách hàng và đặc biệt là các cơ quan chức năng quản lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.